Xu hướng ví điện tử trong thanh toán

Theo Đỗ Linh/saigondautu.com.vn

Xu hướng các công ty chủ quản ví điện tử hợp tác để triển khai dịch vụ thanh toán, mở rộng thị phần ngày càng gia tăng.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Nhưng nhìn lại sự phát triển của loại hình này, có thể thấy hầu như các đơn vị đều phải tự nỗ lực để tồn tại và phát triển, thiếu sự hỗ trợ và thiếu hành lang pháp lý để tăng niềm tin cho người sử dụng.
Tự tìm giải pháp mở rộng thị phần
LienVietPostBank vừa ký thỏa thuận hợp tác với 2 công ty Nhật Bản là Công ty TNHH Mitsui Knowledge Industry và Công ty TNHH Doreming, nhằm triển khai giải pháp quản trị nhân lực và thanh toán tiền lương cho người lao động tại Việt Nam, thông qua sản phẩm Ví Việt của NH này. Theo LienVietPostBank, để đi đến thỏa thuận hợp tác, các bên đã trải qua quá trình thương thảo, đàm phán trong 8 tháng qua.
Hiện vừa kết thúc giai đoạn 1 phối hợp hoàn thiện sản phẩm thử nghiệm, thông qua việc kết nối hệ thống quản trị nhân lực của Doreming với ứng dụng Ví Việt của LienVietPostBank. Sản phẩm liên kết này tích hợp 3 chức năng chính, cho phép thanh toán lương theo ngày khi có yêu cầu từ phía người lao động, thanh toán lương hàng tháng theo yêu cầu của chủ doanh nghiệp (DN), và theo dõi tiền lương, tra cứu lịch sử giao dịch online; đồng thời người lao động sau khi nhận lương qua tài khoản Ví Việt có thể sử dụng ngay các tiện ích của Ví Việt.
Ví Việt đã được thúc đẩy phát triển bằng nhiều hình thức, nhưng các ví điện tử khác cũng không yếu thế trong cuộc đua cạnh tranh và không ngừng mở rộng quan hệ hợp tác với các đối tác lớn để giành lấy thị phần. Điển hình như CTCP Dịch vụ Di động Trực tuyến (M-Service) hợp tác với Shinhan Bank Việt Nam, để triển khai việc kết nối số tài khoản khách hàng của NH này thông qua sản phẩm với ví điện tử MoMo, liên kết với ACB nhằm tạo sự thuận lợi cho người tiêu dùng mua sắm và thanh toán qua di động.
M-Service cũng đã ký kết với Bảo hiểm Bảo Việt trở thành mô hình hợp tác triển khai bán trực tuyến các sản phẩm bảo hiểm đầu tiên, phân phối bảo hiểm xe ô tô, xe máy, bảo hiểm sức khỏe, ung thư, bảo hiểm du lịch… trên ví điện tử.
CTCP Công nghệ Vi Mô cũng mới hợp tác với CTCP Dịch vụ Hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO), hỗ trợ du khách châu Á thanh toán bằng VNĐ thông qua tài khoản điện tử Wechat Pay, Alipay, Nonghyup Bank tại một số cửa hàng miễn thuế SASCO Duty Free, và cửa hàng bán lẻ SASCO Shop tại ga quốc tế, sân bay Tân Sơn Nhất.

Thiếu hành lang pháp lý
Tính đến đầu tháng 5/2018, Ví Việt đã có 2,2 triệu người dùng và hơn 19.000 điểm chấp nhận thanh toán Ví Việt trên cả nước, kể cả người dân tại vùng sâu, vùng xa trên toàn Việt Nam có thể dễ dàng tiếp cận được các dịch vụ thanh toán và dịch vụ NH online.
Số lượng giao dịch trong tháng 12/2017 trên Ví Việt đã cán mốc 1 triệu giao dịch, với tổng số tiền giao dịch là 1.600 tỷ đồng; gấp 4,5 lần tháng 12/2016. Giữa tháng 1/2018, Ví Việt đã triển khai dịch vụ gửi tiết kiệm và cho vay cầm cố sổ tiết kiệm online 24/7, và sau gần 3 tháng triển khai, tổng số tiền huy động tiết kiệm trên sản phẩm đã vượt 1.800 tỷ đồng, tổng số tiền cho vay tiêu dùng đạt 250 tỷ đồng.
Đáng chú ý hơn, ứng dụng ví MoMo đã đạt hơn 5 triệu người dùng, là đối tác của 12 NH và thẻ quốc tế. 
Các sản phẩm ví điện tử hiện nay đã hỗ trợ thanh toán tất cả mọi tiện ích hàng ngày như điện, nước, internet, truyền hình cáp, mua vé máy bay, vé xe, vé tàu hỏa, mua vé xem phim tất cả rạp, đặt dịch vụ giúp việc, mua hoa tươi, đóng tiền vay trả góp của tất cả các công ty tài chính lớn…
Theo một lãnh đạo đã tham gia sáng lập ví điện tử, sản phẩm này hiện không những được tích hợp yếu tố tiện lợi trong việc thanh toán, mà còn giải quyết được nhiều vấn đề khác. Thí dụ, người sử dụng ví điện tử có thể giúp trả thay cho người khác dù không có mặt tại các điểm thanh toán, thông qua việc chuyển tiền từ ví điện tử của mình sang đơn vị chấp nhận thanh toán.
Đồng thời, người lao động làm ra tiền có thể đến đại lý nộp tiền vào ví, không sợ rơi mất, được tính lãi suất ngay, giúp họ tiết kiệm tiền lương và thậm chí còn được vay tiền thông qua ví. 
Tuy nhiên, dù có các DN nỗ lực nhưng đáng tiếc là NHNN chưa xây dựng hành lang pháp lý để ví điện tử có cơ sở hoạt động. Do DN đi trước nhưng NHNN lại đi sau, đã khiến người dùng e ngại sợ gặp rủi ro trong quá trình sử dụng. Để tự cứu lấy mình, trong 10 năm qua, nhiều đơn vị đã đề xuất khung quy định nhưng vẫn chưa được áp dụng.
Các chuyên gia trong lĩnh vực này cũng chia sẻ, ví điện tử đang ngày càng trở thành phương thức thanh toán phổ biến, không chỉ tại Hoa Kỳ, châu Âu mà cả những nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Kenya.
Ví điện tử còn được sử dụng như một phương tiện để đẩy mạnh việc phát triển dịch vụ tài chính toàn diện thông qua các chức năng cơ bản như thanh toán (chuyển tiền giữa các đối tượng cá nhân, DN, chính phủ) và dịch vụ tài chính (nhận tiền vay từ các tổ chức tài chính, gửi tiền tiết kiệm, mua bảo hiểm).
Tùy theo quy định của từng nước, ví điện tử có thể hoạt động độc lập hoặc hợp tác với các tổ chức tài chính, DN hoặc chính phủ để cung cấp các dịch vụ liên quan. Tại Việt Nam, nếu muốn tiến đến mục tiêu tương tự, cũng cần phải sớm nhìn nhận thanh toán di động nói chung và ví điện tử nói riêng là một công cụ của nhà nước, tác động một cách có hệ thống lên sự phát triển của xã hội để có cách ứng xử phù hợp cho các đơn vị này phát triển.