Xử lý nợ xấu tại Việt Nam: Thực trạng và giải pháp

Đỗ Hải

TCTC Online - “Cơ chế xử lý nợ: Xu hướng thế giới và thực tiễn Việt Nam” là nội dung Hội thảo vừa được Viện Chiến lược và Chính sách tài chính và Công ty mua bán nợ Việt Nam (DATC) tổ chức ngày 19/9/2012. Hội thảo đã thu hút được sự tham gia của nhiều chuyên gia kinh tế, tài chính tập trung bàn về cơ chế, công cụ xử lý nợ trên thị trường tài chính, tiền tệ Việt Nam cũng như kinh nghiệm xử lý nợ của một số quốc gia trong bối cảnh hiện nay… nhằm tìm kiếm cơ chế xử lý nợ hiệu quả cho thực tiễn ở Việt Nam.

Thực trạng và nguyên nhân

Tại Hội thảo, các chuyên gia kinh tế đều cho rằng, nợ xấu là vấn đề bức bách của nền kinh tế Việt Nam  hiện nay, vấn đề này cần phải giải quyết được càng sớm càng tốt; có như thế mới khơi thông được dòng vốn, phục hồi sản xuất của các doanh nghiệp, đẩy đà tăng trưởng kinh tế đất nước.

Quá trình tăng trưởng nhanh của nền kinh tế Việt Nam trong thời gian qua đi kèm với đó là tỷ lệ nợ xấu tăng lên. Đặc biệt là tỷ lệ tăng trưởng tín dụng trong hệ thống ngân hàng đạt mức bình quân 30%/năm trong những năm gần đây, tỷ lệ tín dụng/GDP đã tăng từ 40,1% vào năm 2000 lên tới 125% vào năm 2010… đi cùng với sự tăng trưởng này thì số nợ xấu cũng tăng theo. Số liệu về  nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) chính thức được Ngân hàng Nhà  nước (NHNN) công bố đầu tháng 7/2012 cho thấy: Nợ xấu của hệ thống ngân hàng đến cuối tháng 3/2012 là hơn 202.000 tỷ đồng, chiếm 8,6% tổng dư nợ cấp tín dụng. Con số này vượt xa con số 117.000 tỷ đồng theo báo cáo của chính các TCTD. Cụ thể, theo báo cáo của các TCTD đến ngày 31/5/2012, nợ xấu là hơn 117.000 tỷ đồng, chiếm 4,47% so với tổng dư nợ. Tuy nhiên, theo kết quả giám sát của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng thì đến 31/3/2012 nợ xấu là hơn 202.000 tỷ đồng, chiếm 8,6% tổng dư nợ. Kết quả này dựa trên giám sát của cơ quan đối với gần 1,01 triệu khách hàng vay được chọn mẫu của 57 TCTD Việt Nam, chiếm 90,1% tổng dư nợ tín dụng của các TCTD. Cũng theo kết quả giám sát của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, đến cuối tháng 3/2012 trong hơn 1 triệu khách hàng được chọn mẫu khảo sát tại 57 TCTD của Việt Nam có 10.782 khách hàng có hệ số nợ/vốn chủ sở hữu từ 3 lần trở lên. Một thực tế cho thấy, dù là con số nào thì số nợ xấu của Việt Nam là rất lớn.

Lý giải về nguyên nhân nợ xấu, bà Dương Thu Hương, nguyên Tổng thư ký Hiệp hội ngân hàng khẳng định, nợ xấu hiện nay là tất yếu vì cả quá trình kinh tế khó khăn từ năm 2008. Thêm vào đó, nợ xấu cũng đã tồn tại từ lâu, không phải bây giờ mới xuất hiện và được quan tâm. Quan trọng là chúng ta nhìn nhận và đánh giá, xử lý nó như thế nào. Trong việc xác định nợ xấu, ngoài số nợ đã xuất hiện, cần tính tới cả nợ đã được giãn nợ, đảo nợ để xác định được các rủi ro tiềm ẩn có thể xuất hiện trong tương lai. Khi xác định được chính xác nợ xấu rồi mới tìm được hướng giải quyết. Cũng theo bà Hương, hiện tại yếu tố tồn kho lớn cũng góp phần làm nên nợ xấu lớn cho nền kinh tế và có giải quyết được tồn kho mới có thể giải quyết được nợ xấu. Theo đó, trước hết để giảm tồn kho của nền kinh tế, ngoài việc tăng chi tiêu chính phủ, mở rộng đầu tư thì cũng cần giảm thuế cho doanh nghiệp, giảm thuế VAT để giảm giá thành, nâng cao sức mua.

Theo PGS.,TS. Nguyễn Thị Mùi, một trong những nguyên nhân quan trọng khiến nợ xấu gia tăng là do năng lực quản trị rủi ro tại mỗi ngân hàng, thể hiện trong việc xếp hạng tín dụng nội bộ khách hàng, nên kết quả xếp hạng tín dụng mang tính chất chủ quan. Các ngân hàng chưa xây dựng được thước đo lượng hóa rủi ro nên chưa tính toán chính xác được yếu tố này dẫn đến quyết định cho vay, phân loại nợ chưa chính xác. Những khoản rủi ro to thì làm bé đi, khoản vay bé thì làm cho nó to lên. Bên cạnh đó, hiện có đến 90% là doanh nghiệp vừa và nhỏ, không ít doanh nghiệp có báo cáo tài chính không chính xác, trong khi phần lớn các báo cáo tài chính này lại không được kiểm toán. Ngay cả đối với những doanh nghiệp lớn được kiểm toán thì sự chậm chễ trong việc công bố báo cáo cũng như chất lượng kiểm toán cũng gây không ít khó khăn cho ngân hàng. “Vì thế, một số khoản vay ra khỏi ngân hàng, bản chất đã là nợ xấu, không cần phải đợi đến khi không trả được nợ. Biết vậy, nhưng ngân hàng không dễ ngăn chặn được. Đặc biệt khi các ngân hàng và doanh nghiệp có quan hệ “mật thiết,” phụ thuộc lẫn nhau (sở hữu chéo) thì nguồn lực dễ bị phân bổ, sai lệch, bất hợp lý, cho vay bất chấp các quy định về an toàn vốn, nợ xấu tất yếu sẽ tăng lên” - PGS.,TS. Nguyễn Thị Mùi nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, nợ xấu còn có nguyên nhân sâu xa từ đạo đức nghề nghiệp của một số cán bộ ngân hàng và khách hàng. Ngân hàng là ngành kinh doanh đặc thù, cần dựa trên sự tin cậy và mức độ tín nhiệm thì đạo đức phải được đặt lên hàng đầu và ở khía cạnh nào đó còn mang tính bắt buộc. Thực tế cho thấy, nhiều cán bộ ngân hàng đã thông đồng rút ruột với khách hàng, cho vay khống dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Chính vì vậy đã có chi nhánh phải xử lý hàng chục nhân viên do cấu kết với nhau rút ruột ngân hàng. Tuy nhiên hiện chưa có tính toán, trong tỷ lệ nợ xấu có bao nhiêu xuất phát từ đạo đức ngân hàng. Ngoài ra, nợ xấu còn nằm ở dạng “chuyển vốn cho vay thành vốn góp.” Khoản nợ này không chỉ “rất xấu” mà còn nguy hiểm ở chỗ đôi khi chỉ tồn tại trên sổ sách của con nợ và chủ nợ.

Trước tình trạng nợ xấu gia tăng, các chuyên gia đều thống nhất quan điểm, trước khi bàn cơ chế xử lý nợ xấu, chúng ta phải tìm ra câu trả lời rằng tại sao nợ xấu lại lớn như vậy và con số nợ xấu hiện tại có đáng lo ngại hay không. Nợ xấu sẽ không thể xử lý được nếu như không biết rõ cơ cấu, bản chất của nợ xấu như thế nào.

Giải pháp xử lý nợ xấu

Tổng kết kinh nghiệm xử lý nợ xấu trong tiến trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng trên thế giới các chuyên gia kinh tế đã đưa ra 3 bước cơ bản để xử lý nợ xấu đối với Việt Nam. Cụ thể:

Thứ nhất, hỗ trợ trực tiếp từ Chính phủ thông qua việc bơm vốn cho các ngân hàng và định chế tài chính nhằm đối phó với khủng hoảng.

Thứ hai, thành lập công ty quản lý tài sản hoặc công ty mua bán nợ để thu mua nợ xấu. Cơ quan này sẽ đứng ra mua lại các khoản nợ xấu ngân hàng, sau đó xử lý để bán lại các khoản nợ đã mua này.

Thứ ba, tạo ra một cơ chế thỏa thuận xử lý nợ xấu giữa các tổ chức tín dụng và bên đi vay nhằm thương lượng phương án xử lý nợ dưới nhiều hình thức như: thanh lý tài sản, gia hạn hợp đồng và điều chỉnh một số điều khoản của hợp đồng.

Các chuyên gia tài chính cũng chỉ ra những ưu và khuyết điểm của mô hình công ty mua bán nợ do nhà nước cấp vốn và tư nhân góp vốn và thực tiễn mô hình này ở tại các công ty xử lý nợ ở châu Á, từ đó đưa ra những kinh nghiệm nhằm vận dụng hiệu quả mô hình công ty mua bán nợ xấu tại Việt Nam.  Có ý kiến cho rằng việc đặt ra thành lập một công ty mua bán nợ xấu của hệ thống ngân hàng có lẽ không phù hợp bởi lẽ nợ xấu của nền kinh tế tập trung vào nợ xấu ngân hàng mà trên thực tế DATC cũng đã xử lý chủ yếu số nợ của doanh nghiệp cũng có nguồn gốc là nợ xấu ngân hàng. Mặt khác, trong nền kinh tế thị trường thì nợ xấu luôn tồn tại một cách khách quan, chỉ mức độ là khác nhau ở những thời kỳ khác nhau nên mua bán nợ cũng là một thị trường, cần có một định chế của Nhà nước là rất quan trọng bởi nợ xấu cần phải kiểm soát và điều tiết chủ động bằng biện pháp kinh tế.

Theo PGS.,TS. Ngô Trí Long, Chuyên gia kinh tế, việc xử lý nợ thường được tham gia bởi các chủ thể: công ty xử lý nợ (AMC) của Ngân hàng Thương mại hoặc công ty mua bán nợ độc lập; Ngân hàng và doanh nghiệp. Tuy nhiên, dù là chủ thể nào cũng cần một cơ chế, phương pháp định giá các khoản nợ một cách phù hợp nhất nhằm đảm bảo lợi ích cả bên mua, bên bán. Thực tế ở Việt Nam cho thấy, các khoản nợ xấu thông thường đều có tài sản thế chấp. Công ty mua bán nợ sẽ mua lại những khoản nợ đó từ các ngân hàng. Việc này đồng nghĩa với các ngân hàng thương mại sẽ chuyển quyền sở hữu các khoản nợ và bán luôn cả tài sản thế chấp sang cho công ty mua bán nợ. Công ty mua bán nợ này sẽ định giá lại giá trị của các khoản nợ để tránh rủi ro. Kinh nghiệm của các nước, việc định giá thường vào khoảng 50-80% giá trị. Tuy nhiên, theo PGS.,TS Long, dù định giá như vậy nhưng khoản đầu tư có lãi hay không lại phụ thuộc vào giá mua bán tại thời điểm mua nợ và diễn biến của kinh tế vĩ mô. Hiện nay, các khoản nợ xấu của các tổ chức tín dụng ở nước ta được xử lý bằng hai cách: bán đấu giá tài sản đảm bảo của các khoản nợ xấu đã xử lý; bán nợ xấu cho các tín dụng khác hoặc các AMC. Cách xử lý nợ xấu như vậy chủ yếu nhằm giải quyết vấn đề của từng tổ chức tín dụng hơn là một giải pháp tổng thể cho nền kinh tế nói chung và hệ thống ngân hàng nói riêng.

Trước thực trạng này, nhiều ý kiến cũng cho rằng, các giải pháp thực hiện giải quyết nợ xấu cần được lựa chọn phù hợp với trình độ phát triển của thị trường tài chính. Do vậy, các cơ quan chức năng cần phải hoàn thiện khung pháp lý cho vấn đề này như xác định rõ cơ chế hoạt động; định giá các khoản nợ xấu hợp lý... Các món nợ phải được định giá nghiêm túc, như nợ nhóm 1, nhóm 2, nhóm 3 không thể được mua với giá như nhóm 4 và nhóm 5 do mức độ rủi ro khác nhau thì chất lượng cũng như giá cả là khác nhau. Đặc biệt, công ty mua bán nợ xấu của Chính phủ phải có cán bộ giỏi để có thể thẩm định những tài sản nợ mộc cách chính xác và phải liêm khiết để định giá tài sản. Một số ý kiến cũng được đưa ra là cần trao cho một số quyền để công ty này hoạt động thực chất như không cần xin ý kiến của bên đi vay trước khi ký kiểm nghiệm mua bán khoản vay.

Để giải quyết vấn đề nợ xấu tại nước ta, trách nhiệm trước hết là của các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu phải thực hiện theo nguyên tắc của thị trường. Theo đó, việc xử lý nợ xấu phải đảm bảo hiệu quả về mặt kinh tế. Giải pháp hỗ trợ của Nhà nước chỉ thực hiện đối với số nợ xấu còn lại sau khi tổ chức tín dụng đã tự xử lý và theo nguyên tắc đảm bảo hài hòa hiệu quả kinh tế và xã hội. Ngoài ra, để giải quyết vấn đề một cách triệt để thì còn cần một cơ chế nhất quán, thống nhất từ trên xuống dưới.

Theo TS. Phạm Hữu Hồng Thái - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Tài chính Marketing, hiện nay có nhiều loại mô hình công ty mua bán nợ: có thể là công ty nhà nước góp vốn hoặc công ty do tư nhân góp vốn. Tuy nhiên, công ty xử lý nợ nhà nước thông thường rất hiệu quả khi vấn đề nợ xấu mang tính hệ thống do nhiều thời điểm trên thị trường, các khoản nợ xấu không có người mua thì công ty này có thể là nơi tiêu thụ các khoản nợ xấu. Hơn nữa, việc Chính phủ mua lại các khoản nợ xấu của ngân hàng thông qua các công ty xử lý nợ nhà nước tạo ra cơ hội cho Chính phủ áp đặt các điều kiện giúp ngân hàng tái cấu trúc vấn đề tài chính và cơ cấu hoạt động của mình.

Kinh nghiệm của các nước ở châu Á như tại: Indonesia, Malaysia, Hàn Quốc và Thái Lan cho thấy các nước này đã thành lập công ty quản lý tài sản tập trung để xử lý nợ, thu hồi và cơ cấu lại các khoản nợ xấu của ngân hàng. Một đặc điểm chung của 4 công ty này là tất cả đều được Chính phủ tài trợ vốn, tổ chức tập trung hơn là sử dụng mô hình chỉ dựa vào ngân hàng. Hầu hết các công ty quản lý tài sản ở các nước Châu Á chỉ hoạt động trong một số năm nhất định. Các công ty này cũng có quyền hạn đặc biệt để cắt giảm một số thủ tục pháp lý.

Tại Hội thảo nhiều đại biểu cũng đã đề cập đến việc có nên thành lập một AMC quốc gia  hay không, trong khi Công ty mua bán nợ Việt Nam (DATC) vẫn đang hoạt động bình thường. Nếu thành lập thì nguồn vốn lấy từ đâu, cơ chế xử lý nợ sẽ như thế nào… còn để DATC thực hiện thì phải tăng lực, tạo hành lang pháp lý, cơ chế để DATC hoạt động mạnh hơn. Tuy nhiên, đông đảo ý kiến chuyên gia cho rằng, với kinh nghiệm và mô hình của DATC đã được triển khai thực hiện có hiệu quả trong thời gian qua thì thay việc thành lập công ty xử lý nợ quốc gia mới bằng việc tăng lực cho DATC là hợp lý hơn. Ông Trương Đình Tuyển - Thành viên Hội đồng tư vấn tiền tệ Quốc gia cho rằng, nên nâng cấp DATC thành tổng công ty lớn mạnh cả về năng lực tài chính, nhân lực và cơ chế vận hành hoàn chỉnh để xử lý càng sớm càng tốt các khoản nợ xấu. Vì là xử lý nợ xấu không nên lấy lợi nhuận làm trọng mà phải dựa trên nguyên tắc bảo toàn vốn là chủ yếu…