Xuất khẩu 2014: Cơ hội và thách thức!

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Hoạt động xuất khẩu năm 2014 sẽ còn phải chịu không ít tác động từ những khó khăn của nền kinh tế trong năm 2013. Song, nhiều chuyên gia kỳ vọng, với việc tiếp tục phát huy những mặt hàng thế mạnh, tận dụng những thị trường đạt kim ngạch cao vốn có, đồng thời mở rộng sang các thị trường mới, đầy tiềm năng, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của nước ta trong năm 2014 sẽ đạt những thành tựu lớn. Cán cân thương mại hàng hóa năm 2014 sẽ đạt mức xuất siêu, một mục tiêu đã vắng bóng trong nhiều năm qua.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Năm 2013, nền kinh tế nước ta cũng như thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, tình hình tiêu thụ hàng hóa giảm sút. Hoạt động xuất nhập khẩu cũng không nằm ngoài quy luật. Tuy vậy, nhiều chuyên gia nhận định, tình hình xuất nhập khẩu trong năm 2013 có nhiều bước tiến khả quan và là điểm sáng của nền kinh tế.

Theo thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước từ đầu năm đến hết kỳ 1 tháng 12.2013 đã đạt 250,93 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2012. Trong đó, xuất khẩu đạt gần 125,79 tỷ USD, tăng 15,4% và nhập khẩu đạt 125,14 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm 2012. Cán cân thương mại hàng hóa của cả nước tính từ đầu năm đến hết kỳ 1 tháng 12.2013 có mức thặng dư 650 triệu USD.

Tính riêng xuất khẩu, từ đầu năm đến hết tháng 11.2013, tổng kim ngạch đã đạt 120,57 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2012. Cán cân thương mại hàng hóa của cả nước trong tháng 11.2013 đã đạt mức thặng dư hơn 1 tỷ USD và cán cân thương mại hàng hóa từ đầu năm đến hết ngày 15.11.2013 ở mức khá cân bằng, chỉ nhập siêu 4 triệu USD.

Với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, theo ước tính của Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu cả nước năm 2013 ước đạt trên 131,1 tỷ USD, tăng trên 14% so với kế hoạch và có thể khống chế mức nhập siêu ở mức 0,2 tỷ USD.

Bên cạnh đó, tình hình kinh tế của các đối tác thương mại lớn của Việt Nam như Mỹ, EU, Nhật Bản được dự báo khởi sắc trong năm 2014 nhờ vào sự tăng trưởng của tiêu dùng nội địa và thương mại thế giới. Điều đó cho thấy, nếu Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp có những chiến lược, chính sách phù hợp, hoạt động xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của nước ta trong năm 2014 không những sẽ vượt qua tình cảnh khó khăn của những năm trước mà dự kiến sẽ đạt nhiều thành tựu khả quan hơn.

Ngoài ra, nước ta đang đứng trước cơ hội hội nhập quốc tế sâu rộng hơn, cơ hội tham gia Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình dương (TPP) đang đến gần. Tham gia TPP, một số lĩnh vực, mặt hàng của nước ta sẽ được hưởng lợi khi xuất khẩu vào các quốc gia thuộc TPP với mức thuế suất nhập khẩu bằng 0%. Và, nếu đạt được thỏa thuận về vấn đề xuất xứ, bảo đảm theo quy định riêng của các nền kinh tế đang phát triển thì các mặt hàng mà nước ta có lợi thế cạnh tranh như dệt may, da giày sẽ càng có nhiều lợi thế hơn khi xuất khẩu vào thị trường TPP.

Hơn nữa, thị trường TPP cũng sẽ mở cửa, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước có thể tận dụng khai thác thêm lợi thế trong một số lĩnh vực khác như đầu tư, dịch vụ. Và chắc chắn, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cũng sẽ không nằm ngoài quy luật được hưởng lợi từ TPP.

Ngoài ra, tiến trình xây dựng Cộng đồng kinh tế chung của khu vực ASEAN (AEC) vào năm 2015 được thực hiện đúng hướng và đang được đẩy nhanh tiến độ. Việc tham gia tích cực vào AEC sẽ mang lại nhiều cơ hội cho nền kinh tế cũng như các doanh nghiệp nước ta. Đó là, tạo cơ hội cho doanh nghiệp có thể tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa trong khu vực và toàn cầu. Đây cũng chính là cơ hội giúp nước ta đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, tiến sâu vào thị trường các nước trong khu vực với những ưu đãi về thuế quan và nhiều rào cản thương mại được gỡ bỏ.

Thêm vào đó, trao đổi thương mại giữa nước ta và một số thị trường tiềm năng mới như khu vực Trung Đông, các nước châu Phi tăng mạnh trong những năm gần đây. Tuy nhiên, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Đông chỉ mới tập trung vào một số nhóm mặt hàng chủ lực như điện thoại di động, hàng dệt may, máy vi tính, chưa tận dụng hết cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu các nhóm mặt hàng các nước Trung Đông có nhu cầu cao như vật liệu xây dựng, giày dép, dây điện, cáp điện, thực phẩm chế biến, sữa và sản phẩm sữa… vốn là những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam.

Đồng thời, các nước Trung Đông cũng là thị trường xuất khẩu thực phẩm, nông sản tiềm năng của nước ta trong những năm tới, bởi phần lớn các nước này đều có nền nông nghiệp chưa phát triển, năng suất thấp, không đáp ứng nhu cầu của người dân. Bên cạnh đó, nhu cầu nhập khẩu thủy, hải sản tại các nước Trung Đông ngày càng tăng do xu hướng sử dụng sản phẩm thủy, hải sản thay thế cho thịt trong bữa ăn; đây là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp nước ta đẩy mạnh xuất khẩu thủy, hải sản sang khu vực này trong thời gian tới.

Bức tranh chung về xuất khẩu hàng hóa của nước ta trong năm 2014 được kỳ vọng sẽ tươi sáng hơn và có nhiều thuận lợi. Song, hoạt động xuất khẩu trong năm tới cũng sẽ vấp phải không ít rủi ro, thách thức như: chịu nhiều sức ép từ các vụ chống bán phá giá và cạnh tranh từ các nước khác; hay việc Nhật Bản và Ngân hàng Trung ương châu Âu thực thi các chính sách nới lỏng tiền tệ, đồng Yen và Euro sẽ giảm giá thì xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường này sẽ chịu tác động tiêu cực.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường này chủ yếu là nhóm hàng tiêu dùng thiết yếu nên, nếu có việc giảm giá đồng Yen và Euro sẽ khiến cầu đối với hàng hóa của Việt Nam tại hai thị trường này tăng. Ngoài ra, trong tiến trình hội nhập và tự do hóa thương mại ngày càng sâu rộng, trở ngại lớn nhất của các doanh nghiệp trong nước chính là năng lực cạnh tranh, hiệu quả hoạt động, công nghệ sản xuất, chất lượng lao động còn thấp và yếu.

Và, hệ thống pháp luật chưa kịp thời thay đổi, chưa tạo cơ sở pháp lý, môi trường kinh doanh vững chắc cho các doanh nghiệp để phù hợp với tình hình mới. Nếu không tính toán, chuẩn bị kỹ thì các doanh nghiệp nội địa, nhất là các hộ kinh doanh cá thể sẽ phải chịu nhiều rủi ro, có thể phải ngừng hoạt động, bị phá sản hoặc bị thâu tóm bởi các doanh nghiệp nước ngoài. Chẳng hạn, khi tham gia vào AEC và TPP, các doanh nghiệp nội địa sẽ đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ các doanh nghiệp có trình độ phát triển cao hơn trong khu vực ASEAN và TPP.

Để củng cố và thúc đẩy hoạt động xuất khẩu hàng hóa của nước ta trong năm 2014, trước hết, Chính phủ cần tiếp tục có chính sách hỗ trợ thị trường trong nước phát triển, có giải pháp tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu, nhất là các thị trường mới, còn nhiều tiềm năng, kim ngạch xuất khẩu chưa tương xứng như các nước khu vực Trung Đông, châu Phi.

Về phần mình, các doanh nghiệp trong nước cần chủ động xây dựng chiến lược, giải pháp kinh doanh phù hợp với đặc điểm, thị hiếu của từng thị trường, tăng khả năng xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ sang các thị trường này.

Mặt khác, Chính phủ có thể xem xét phá giá đồng nội tệ để cải thiện xuất khẩu, kích thích tăng trưởng kinh tế, cải thiện nguồn thu ngân sách. Tổ chức nghiên cứu đặc điểm của thị trường, lựa chọn lĩnh vực, sản phẩm xuất khẩu một cách kỹ lưỡng trước khi quyết định đầu tư, tránh những rủi ro bất thường có thể xảy ra.

Ngoài ra, để bảo đảm hội nhập chủ động và hiệu quả, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cần tích cực tìm hiểu thông tin, tham gia vào quá trình đàm phán, ký kết và chủ động chuẩn bị triển khai thực hiện các hiệp định, công ước về kinh tế, tự do thương mại. Xây dựng, bổ sung và hoàn thiện hệ thống pháp luật về kinh tế, tạo cơ sở pháp lý ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như xuất nhập khẩu. Xây dựng hàng rào kỹ thuật, hàng rào phi thuế quan để vừa có thể hỗ trợ doanh nghiệp trong nước, nhưng vẫn phù hợp với yêu cầu, thông lệ quốc tế, bảo đảm các công ước mà nước ta đang và sẽ tham gia. Có giải pháp phù hợp trợ giúp doanh nghiệp đổi mới công nghệ sản xuất, đào tạo lực lượng lao động, cải thiện môi trường kinh doanh nhằm nâng cao sức cạnh tranh và hiệu quả hoạt động. Sớm ban hành chính sách phát triển doanh nghiệp, chính sách thương mại, đầu tư phù hợp, vừa tận dụng, khai thác các cơ hội, các lợi thế, vừa hạn chế các yếu điểm, các thách thức của việc tham gia vào AEC, TPP; giảm thiểu tác hại sự cạnh tranh khốc liệt từ các doanh nghiệp thuộc các nước ASEAN, TPP có trình độ phát triển cao hơn. Và, nghiên cứu thực hiện chính sách cắt giảm lãi suất cho vay để giảm chi phí đi vay; giảm chi phí đầu vào, giảm giá thành sản phẩm, góp phần tăng sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường thế giới.