Xuất khẩu của Hà Nội vượt thách thức

Theo kinhtedothi.vn

Để hoàn thành chỉ tiêu xuất khẩu cả năm 12,2 tỷ USD, bên cạnh những nỗ lực lớn của doang nghiệp trong những tháng cuối năm, còn cần chính sách hỗ trợ của Thành phố.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Nhiều khó khăn

Số liệu của Cục Thống kê Hà Nội cho thấy, kim ngạch xuất khẩu của thành phố 9 tháng qua đạt 7,89 tỷ USD, giảm 0,4% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp do thành phố quản lý ước đạt 6,063 tỷ USD, giảm 0,2%.

Lý giải nguyên nhân kim ngạch xuất khẩu từ đầu năm đến nay giảm mạnh, đại diện Sở Công Thương cho biết: Nguyên nhân chủ yếu là nhiều nhóm mặt hàng xuất khẩu chủ lực như điện tử, nông sản, giày dép… chịu tác động tiêu cực từ kinh tế thế giới.

Cụ thể, Công ty Canon chiếm trên 30% kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng linh kiện máy tính, nhưng từ giữa tháng 4 đến nay, do Nhật Bản xuất hiện nhiều trận động đất đã làm gián đoạn hoạt động cung ứng nguyên liệu sản xuất khiến kim ngạch xuất khẩu của Canon sụt giảm. Ngoài ra, sau nhiều năm tăng trưởng, đến nay, sản xuất sản phẩm điện tử, máy tính đã chạy hết công suất, phát triển đến ngưỡng nên khó tăng trưởng cao và đột biến như những năm trước.

Mặt hàng gạo chiếm tỷ trọng gần 10% trong cơ cấu xuất khẩu của Hà Nội nhưng từ đầu năm, tại các thị trường truyền thống như Philippines, Indonesia…, doanh nghiệp xuất khẩu chưa ký được những hợp đồng số lượng lớn có vai trò dẫn dắt thị trường, trong khi đang phải chịu sức ép giữ giá ở mức cao (để bù đắp chi phí chống xâm nhập mặn).

Bên cạnh đó, Nghị định 109/2010/NĐ-CP cũng khiến số lượng doanh nghiệp được quyền kinh doanh xuất khẩu gạo của Hà Nội giảm từ 26 doanh nghiệp xuống chỉ còn khoảng 10 doanh nghiệp… Đây là những khó khăn chưa thể giải quyết trong ngắn hạn nên dự kiến những tháng cuối năm 2016, doanh nghiệp ngành hàng gạo sẽ khó có thể tăng kim ngạch xuất khẩu.

Giám đốc Sở Công Thương Lê Hồng Thăng cho biết: Trong khi tỷ giá đồng USD/VND bị điều chỉnh theo biên độ hẹp, thì đồng tiền ở những thị trường xuất khẩu chủ yếu của Hà Nội đã điều chỉnh mạnh để kích thích xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu. Cụ thể, đồng Euro phá giá 18%, Yên Nhật 17%, Nhân dân tệ 8%... Ngay cả các nước xuất khẩu cạnh tranh với Việt Nam như Ấn Độ, Bangladesh cũng giảm giá đồng tiền từ 10 - 20%. Đây là một trong những nguyên nhân làm tăng giá nguyên liệu đầu vào, mặt khác làm giảm sức mua tại các thị trường xuất khẩu chủ yếu của Hà Nội”.

Hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng cơ hội

Mặc dù doanh nghiệp xuất khẩu của Hà Nội đang gặp nhiều khó khăn, nhưng trong những tháng cuối năm có nhiều yếu tố thuận lợi mà các hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và một số thị trường như Hàn Quốc, EU, Liên minh Kinh tế Á - Âu (Nga, Belarus, Kazakhstan, Armenia và Kyrgyzstan)... đã được ký kết hoặc cơ bản thống nhất về nguyên tắc sẽ mở ra nhiều cơ hội tăng trưởng kim ngạch thương mại hai chiều. Song, để doanh nghiệp xuất khẩu tận dụng được thời cơ này đòi hỏi những giải pháp hỗ trợ cụ thể.

Để đẩy mạnh xuất khẩu, Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 40/KH-UBND thực hiện các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu năm 2016. Cụ thể, các sở, ban, ngành của thành phố tập trung cải cách hành chính, nhất là với các lĩnh vực hải quan, thuế, thủ tục cấp giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đầu tư, chứng nhận xuất xứ hàng hóa... nhằm tạo thuận lợi, giảm chi phí, thời gian cho doanh nghiệp.

Đồng thời, hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của ngân hàng. Tiếp tục đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ hoạt động kinh doanh xuất khẩu, triển khai các chương trình xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư...

Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Thanh Hải nêu rõ: Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, từ đầu năm đến nay, ngành công thương Hà Nội đã liên tục tổ chức các đoàn doanh nghiệp tham gia hội chợ giao thương tại Trung Quốc, Nam Phi, Mozambique…

Dự kiến, từ nay đến cuối năm, thành phố tiếp tục đưa doanh nghiệp tham dự hội chợ Dusseldorf, Bazaar (Cộng hòa Liên bang Đức) giúp doanh nghiệp giao dịch thương mại với các nhà nhập khẩu mặt hàng thủ công mỹ nghệ tại Đức và Đông Âu; tổ chức giao thương tiêu thụ sản phẩm dệt may tại Thượng Hải, Thâm Quyến (Trung Quốc), Vientiane (Lào)…

Muốn tăng kim ngạch xuất khẩu, doanh nghiệp cần tham gia trực tiếp vào một số khâu trong quá trình sản xuất để tăng chất lượng của sản phẩm, không nên chỉ đứng ra thu mua rồi sơ chế, đóng gói để xuất khẩu.
.

Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội Vũ Thanh Sơn.