Xuất khẩu gạo của Việt Nam: Không lo đầu ra

PV.

(Tài chính) Trung Quốc cấm nhập khẩu gạo tiểu ngạch có ảnh hưởng gì đến xuất khẩu gạo của Việt Nam không? Đây là băn khoan lo lắng của rất nhiều người, nhất là bà con nông dân và các doanh nghiệp thu mua xuất khẩu, vì lâu nay, Trung Quốc là nước có lượng nhập khẩu gạo lớn của Việt Nam.

Chọn gạo xuất khẩu tại Việt Nam. Nguồn: internet
Chọn gạo xuất khẩu tại Việt Nam. Nguồn: internet

Việc Trung Quốc cấm xuất nhập khẩu  gạo qua các cửa khẩu phụ, lối mở hay còn gọi là xuất nhập khẩu  tiểu ngạch… nhằm thắt chặt kiểm tra thu thuế đối với các nhà xuất nhập khẩu gạo của Trung Quốc. Theo các chuyên gia kinh tế thì việc cấm xuất nhập khẩu  này hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến việc xuất nhập khẩu  gạo của Việt Nam, vì thị trường xuất nhập khẩu gạo của Việt Nam khá rộng.

Tại của khẩu Tam Thanh – Lạng Sơn, một cửa khẩu có lượng hàng xuất nhập khẩu  khá lớn của Việt Nam sang Trung Quốc, vào thời điểm này đang có rất nhiều các loại nông sản thực phẩm của Việt Nam làm thủ tục thông quan sang Trung Quốc như: chuối, thanh long… các cơ quan chức năng đang làm hết sức để có thể thông quan nhanh nhất, nhằm đảm bảo hàng hóa giữ được chất lượng, thu được giá cao cho người kinh doanh. Tuy nhiên, là một cửa khẩu xuất nhập khẩu hàng nông sản thực phẩm lớn nhưng trong nhiều năm nay, không có một lô hàng nào là mặt hàng gạo làm thủ tục thông quan xuất nhập khẩu  tại đây. Ông Lê Văn Bình, Phó chi cục trưởng chi cục kiểm dịch thực vật Vùng 5, nguyên là Trạm trưởng trạm Kiểm dịch thực vật Tân Thanh cho biết: Trước đây tại các khu vực lối mở như Nà Nưa, Na Hình lúc nào cũng có lượng gạo xuất khẩu qua, nhưng hiện nay thì hoàn toàn không có. Tại Lao Cai, đến giữa năm 2014, có 5 (năm) doanh nghiệp xuất khẩu gạo sang Trung Quốc với số lượng trên 180 ngàn tấn gạo, trị giá 107 triệu USD, trung bình mỗi ngày xuất khẩu sang Trung quốc từ 800 - 1.000 tấn gạo, đây là số lượng xuất khẩu lớn chưa từng thấy trong nhiều năm qua, tuy nhiên, cho tới thời điểm này, theo ông Nguyễn Văn Tuân, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch thực vật Vùng 8 thì lượng gạo xuất khẩu đã giảm đi khá nhiều.

Lúa gạo của Việt Nam chủ yếu xuất qua các lối mở, đường tiểu ngạch, do vậy, với thông tin Trung Quốc cấm nhập khẩu gạo theo đường tiểu ngạch, nhiều tư thương cũng đang tạm dừng để nghe ngóng. Thực tế, từ trước đến nay, Trung Quốc thỉnh thoảng lại cho nhập hoặc cấm nhập một loại hàng hoá nông sản nào đấy từ nước khác, đây là chuyện bình thường trong vấn đề kinh doanh. Ông Võ Thành Đô, Phó cục trưởng Cục chế biến thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Trung Quốc hay cấm nhập hàng nọ kia, như vừa rồi họ đã xiết mạnh hơn việc cấm nhập khẩu gạo, chuyện này cũng bình thường và đã xảy ra bao nhiêu năm nay rồi.

Tại đồng bằng Sông Cửu Long, vựa thóc lớn của cả nước, giá lúa bán tại ruộng đang ở mức cao, giao động từ 4.600 đồng - 5.200 đồng/kg, lúa hạt dài từ 7.500 đồng – 7.700 đồng/kg. Nhìn chung giá lúa đang khá cao so với nhiều năm trở lại đây, nhất là sau khi có thông tin Philipine tiếp tục đấu thầu mua 500 ngàn tấn gạo của Việt Nam.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) vừa cho biết, tính đến 31/7, số lượng gạo xuất khẩu của các doanh nghiệp đạt 3,617 triệu tấn, trị giá cửa khẩu bên xuất (FOB) đạt 1,560 tỷ USD, giá trị cửa khẩu bên nhập (CIF) đạt 1,647 tỷ USD. Số lượng này giảm 10,78% so với cùng kỳ năm 2013, trị giá CIF giảm 9,2% dù giá FOB bình quân tăng 2,43 USD một tấn. Hiện, lượng gạo cân đối xuất khẩu trong tháng 7 và 8 còn khoảng 2,6 triệu tấn, tháng 9 khoảng 537.000 tấn; vụ Thu Đông 2014 có khoảng một triệu tấn gạo hàng hóa.

Lý do chính khiến lượng gạo xuất khẩu của nước ta từ đầu năm đến nay giảm gần 11% là do thị trường thế giới bất ổn,  tuy nhiên, nhu cầu nhập khẩu gạo của Việt Nam thì lại đang rất lớn từ các thị trường như Philipine, indonexia, Malyasia.

Tiến sỹ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện lúa Đồng bằng Sông Cảu Long cho biết: lúc này, thị trường tiêu thụ gạo của chúng ra đang rộng mở, giá lúa lại cao, thị trường lại thay đổi theo chiều hướng khá thuận lợi… nên bà con nông dân và doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu gạo không có gì phải lo lắng về đầu ra. Nếu như Trung Quốc có mua hay không mua thì cũng không ảnh hưởng nhiều.

Hiện bà con nông dân Đồng bằng Sông Cửu Long đã thu hoạch khoảng 50% diện tích lúa hè thu, thu hoạch đến đâu bán hết ngay đến đó. Mà, nếu không xuất khẩu gạo qua đường tiểu ngạch thì chúng la lại tránh được rủi ro cho doanh nghiệp và người trồng lúa, tránh tình trạng hàng hóa ra nước ngoài rồi lại bị họ không mua, ép giá xuống thấp, trả về...

Vừa qua, Chính phủ chỉ đạo đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền, quán triệt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, nhất là đối với các mặt hàng nông sản chủ lực - Đây là một chủ trương được Đảng và Chính phủ đặc  biệt quan tâm. Trong tương lai, chúng ta cần cơ cấu lại ngành nông nghiệp, chuyển dần vùng trồng lúa sang trồng các cây hoa màu khác, loại nông sản có giá trị xuất khẩu cao hơn, có thị trường rộng hơn và người nông dân không phải một nắng hai sương mà vẫn lo ngay ngáy đầu ra vì phụ thuộc vào khách hàng truyền thống. Về phía các cơ quan nhà nước, cần tăng cường đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật vào nghề nông, tạo sản phẩm chất lượng và giá cả cao hơn, giúp nông dân tìm các thị trường mới, để đời sống người làm nông nghiệp của nước ta ổn định và dần cao lên, xóa bỏ chênh lệch thu nhập vùng miền, ngành nghề…