Xuất khẩu hàng nông sản: Tăng nhưng chưa xứng với tiềm năng

PV.

Trong những năm qua, nông sản luôn là nhóm hàng chủ lực trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, so với tiềm năng, lợi thế và nhu cầu thị trường thì kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản Việt Nam vẫn chưa tương xứng…

Trong 5 tháng đầu năm 2017, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản ước đạt 13,7 tỷ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2016
Trong 5 tháng đầu năm 2017, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản ước đạt 13,7 tỷ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2016

Liên tục tăng trưởng

Giai đoạn 2011-2016, giá trị hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu có tỷ lệ tăng bình quân 12,7%/năm nhưng chưa thực sự ổn định. Trong năm 2013 và 2015 có sự giảm sút so với năm trước. Giá trị hàng xuất khẩu luôn chiếm khoảng 12% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước và tỷ trọng này có xu hướng giảm dần.

Hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu sang nhiều thị trường, trong đó, những thị trường nhập khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc (19%), EU (16%), Hoa Kỳ (13%), Nhật Bản (8%), Hàn Quốc (5%)… Nếu như năm 2011, Việt Nam có 19 thị trường xuất khẩu đạt hơn 1 tỷ USD thì đến năm 2016 đã lên hơn 30 thị trường.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chỉ tính riêng trong 5 tháng đầu năm 2017, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản ước đạt 13,7 tỷ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2016. Giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 7,3 tỷ USD, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2016. 

Chưa xứng với tiềm năng

Tuy đã có nhiều nỗ lực và thanh công để phát triển, mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản, nhưng thực tế các mặt hàng nông sản vẫn còn gặp nhiều khó khăn như: Các doanh nghiệp (DN), cơ sở chế biến có quy mô nhỏ, phân tán; công nghệ sản xuất lạc hậu, chủ yếu là sơ chế đơn giản, chỉ có một số rất ít sử dụng dây chuyền chế biến hiện đại đạt từ 25%-30%, trong khi trung bình các nước ASEAN đạt 50%; năng lực quản lý, kinh doanh còn hạn chế.

Các mặt hàng nông sản chủ lực có sức cạnh tranh kém; chưa có thương hiệu trên thị trường quốc tế; chủ yếu xuất khẩu dưới dạng thô nên giá trị gia tăng không nhiều.

Cùng vối đó, những rào cản về kỹ thuật là khó khăn lớn đối với DN Việt Nam khi mà hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam chỉ đạt tiêu chuẩn quốc tế khoảng 5%; Thị trường xuất khẩu nông sản chủ yếu tập trung vào các nước trong khu vực và luôn chịu sự cạnh tranh bởi các nước Thái Lan, Ấn Độ, Indonesia… cũng có những mặt hàng tương tự.

Để phát huy lợi thế, tận dụng cơ hội

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế mạnh mẽ đã mở ra nhiều cơ hội cho xuất khẩu nông sản Việt Nam vào các thị trường lớn với các ưu đãi về thuế theo lộ trình triển khai cam kết. Tuy nhiên, để tận dụng cơ hội này cần sự nỗ lực đồng bộ từ nhiều phía.

Trước hết, Nhà nước, cần tăng cường đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống thông tin về thị trường nông sản trên thế giới để phục vụ cho DN Việt Nam sản xuất và xuất nhập khẩu hàng nông sản phù hợp, tránh thiệt hại và giảm những rủi ro không đáng có cho DN và người nông dân.

Bên cạnh đó, nghiên cứu bổ sung và điều chỉnh các chính sách theo hướng thu hút đầu tư cho ngành nông nghiệp, vừa nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật vừa xây dựng hình ảnh, nâng cao thương hiệu nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Tiếp tục đổi mới các hình thức xúc tiến thương mại đối với mặt hàng nông sản, đặc biệt là nông sản chủ lực. Đối với các thị trường nhập khẩu lớn như Trung Quốc, Nhật, Mỹ thì cần có sự trao đổi giữa các nhà đầu tư với nhau, tìm kiếm cơ hội hợp tác để hình thành chuỗi giá trị toàn cầu.

Đặc biêt, để phát triển bền vững, cần quy hoạch các vùng sản xuất, nuôi trồng thích hợp, cần có sự điều phối theo nhu cầu xuất khẩu của thị trường.

Đối với những mặt hàng ở thị trường có chính sách bảo hộ hay rào cản kỹ thuật cao thì cần hỗ trợ đầu tư phát triển ứng dụng công nghệ cao, các kỹ thuật tiên tiến từ khẩu sản xuất đến chế biến, bảo quản chất lượng nông sản nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm phù hợp với yêu cầu thị trường.

Đối với DN sản xuất và xuất khẩu, điều quan trọng hàng đầu là phải nâng cao chất lượng hàng nông sản xuất khẩu, đảm bảo đạt yêu cầu theo tiêu chuẩn quốc tế.

DN cần lựa chọn chiến lược sản phẩm và chiến lược thâm nhập thị trường phù hợp với yêu cầu, tình hình thực tế của từng thị trường và khả năng của DN. Đồng thời, cũng đưa ra các giải pháp đồng bộ triển khai hiệu quả định hướng chiến lược xuất khẩu nông sản, tối đa hóa giá trị gia tăng hàng nông sản xuất khẩu bằng công nghệ sơ chế, chế biến tiên tiến và hiện đại.

Ngoài ra, cần quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu cho hàng nông sản. Đây là công việc hết sức cần thiết đối với hàng nông sản xuất khẩu chủ lực, bắt đầu từ ý thức của DN nhưng để làm được điều này rất cần sự hỗ trợ của các cơ quan hữu quan.