Xuất khẩu lao động chất lượng cao: Cơ hội và thách thức

Vũ Hoàng, Mạnh Trung

Cùng với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, xu thế phân công và hợp tác lao động quốc tế là tất yếu khách quan. Trong đó, xuất khẩu lao động là một hình thức của phân công lao động quốc tế, đóng vai trò quan trọng trong phân phối lao động giữa các quốc gia. Đề cập tới thách thức và cơ hội của hoạt động xuất khẩu lao động chất lượng cao của Việt Nam hiện nay, bài viết đưa ra giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, trình độ lao động và đẩy mạnh xuất khẩu lao động chất lượng cao của nước ta hiện nay.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Cơ hội từ các thị trường chất lượng cao

Thực tiễn cho thấy, hội nhập quốc tế đã tạo điều kiện và thúc đẩy Việt Nam thiết lập cơ cấu lao động theo định hướng thị trường, tạo cơ hội cho lao động Việt Nam tham gia sâu rộng hơn vào phân công và hợp tác lao động quốc tế. Báo cáo tổng kết ngành Lao động Thương binh Xã hội cho biết, năm 2016, kế hoạch xuất khẩu lao động được giao là 100.000 người đi làm việc ở nước ngoài, song thực tế Việt Nam đã đưa được 126.296 lao động đi làm việc ở nước ngoài (trong đó có 46.029 lao động nữ, chiếm 36,45%), vượt 26,29% so với kế hoạch năm và bằng 108,89% so với năm 2015.

Đây là năm thứ 3 liên tiếp số lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài vượt mức 100.000 lao động/năm. Trong đó, có 68.244 lao động đi Đài Loan, 39.938 lao động đi Nhật Bản, 2.079 lao động đi Malaysia, 4.033 lao động đi Ả rập Xê út, 8.482 lao động đi Hàn Quốc và các thị trường khác.   

Trong những năm gần đây, hoạt động đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài không chỉ gia tăng về số lượng mà còn được nâng lên về chất lượng, cánh cửa xuất khẩu nguồn nhân lực chất lượng cao đã mở rộng hơn với lao động Việt Nam. Năm 2016, thị trường Hàn Quốc đã được nối lại, mở rộng cánh cửa xuất khẩu lao động sang thị trường chất lượng cao cho Việt Nam. Cuối năm 2016, Nhật Bản đã thông qua chính sách nhập cư mới, tạo ra nhiều cơ hội hơn cho các lao động nước ngoài, trong đó có Việt Nam.

Theo đó, việc kéo dài thời hạn lưu trú cho các thực tập sinh đến 5 năm và mở rộng tiếp nhận nghề hộ lý điều dưỡng là điểm nhấn quan trọng trong bối cảnh tốc độ già hóa dân số tại Nhật Bản tăng cao và nhu cầu đối với nghề này đang là rất lớn. Quan trọng hơn, nếu như trước đây, thực tập sinh Việt Nam được Nhật Bản tiếp nhận chủ yếu trong các ngành cơ khí, điện tử, dệt may thì nay Nhật Bản đã mở rộng diện tiếp nhận thực tập sinh Việt Nam trong hầu hết các ngành nghề, từ xây dựng, cơ khí, nông nghiệp, chế biến thực phẩm cho đến dệt may (trong đó, nhu cầu với các ngành xây dựng, nông nghiệp, chế biến thực phẩm ngày càng tăng).

Tương tự, trong năm 2016, Việt Nam đã có thỏa thuận với Đức liên quan đến vấn đề tuyển chọn đào tạo điều dưỡng sang làm việc trong các bệnh viện tại Đức. Hiện nay, cơ hội là rất rộng mở cho những lao động Việt Nam có chuyên môn trong lĩnh vực này.

Bên cạnh đó, số lượng người lao động chất lượng cao của Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài dự báo cũng sẽ gia tăng trong thời gian tới. Trước mắt, sẽ có 8 ngành nghề lao động trong các nước ASEAN được tự do di chuyển thông qua các thỏa thuận công nhận tay nghề tương đương gồm: kế toán, kiến trúc sư, nha sĩ, bác sĩ, kỹ sư, y tá, vận chuyển và nhân viên ngành du lịch.

Để có thể tận dụng hiệu quả những cơ hội trong hội nhập kinh tế quốc tế, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đang nghiên cứu, hoàn thiện Đề án “Đưa lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật đi làm việc ở nước ngoài giai đoạn 2017-2020 và định hướng đến năm 2025” để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Dự kiến, sau khi đề án được thông qua, cơ hội sẽ mở ra cho rất nhiều cử nhân, thạc sỹ thất nghiệp đi làm việc ở nước ngoài.

Giải pháp đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu lao động chất lượng cao của Việt Nam

Hiện nay, thị trường xuất khẩu lao động của Việt Nam đa dạng, song chủ yếu vẫn là cho đối tượng lao động phổ thông, còn đối với lao động chất lượng cao thì còn rất hạn hẹp về ngành nghề lẫn số lượng. Các nước ngày càng khắt khe hơn trong việc yêu cầu và tuyển chọn lao động tay nghề, chất lượng cao, nhất là các thị trường có mức lương khá cao như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức.

Như vậy, người lao động muốn ra nước ngoài làm việc, ngoài sức khỏe còn phải trang bị cho mình chuyên môn nghề nghiệp vững chắc và ngoại ngữ để thuận lợi cho giao tiếp và công việc. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động cũng cần phải đầu tư nhiều hơn cho các cơ sở đào tạo để đáp ứng yêu cầu khắt khe của các đối tác.

Có một thực tế là lao động trình độ cao hiện lại yếu tin học và ngoại ngữ, thiếu những công cụ sắc bén để làm việc đã ảnh hưởng rất lớn đến khả năng làm việc độc lập và nâng cao năng suất. Điều này dẫn đến việc dù nguồn cử nhân trong nước nhiều nhưng lại chưa đáp ứng được nhu cầu lao động chất lượng cao của thị trường ngoài nước. Do đó, nếu muốn xuất khẩu lao động với nhóm này, cần thực hiện đào tạo tăng cường về ngoại ngữ và kỹ năng mềm.

Dự báo, nhu cầu lao động có chuyên môn cao tại nhiều nước trong thời gian tới là rất lớn, điều quan trọng với Việt Nam là phải chuẩn bị tốt nguồn nhân lực để sẵn sàng đáp ứng nhu cầu cạnh tranh quốc tế trong điều kiện hội nhập. Điều này đòi hỏi phải có những giải pháp nâng cao chất lượng lao động trình độ cao và đẩy mạnh việc xuất khẩu lao động chất lượng cao hiện nay.

Trước mắt cần thực hiện việc khảo sát đánh giá cụ thể nhu cầu và ngành nghề mà thị trường đối tác cần, để từ đó có hướng triển khai đào tạo sát nhu cầu thực tế cũng như khai thác mở rộng thêm thị trường và ngành nghề, qua đó tận dụng nguồn lao động chất lượng cao sẵn có hiện nay. Bên cạnh đó, Nhà nước cần tạo điều kiện hơn cho người lao động trong các chính sách tín dụng, hỗ trợ đào đạo trước lúc đi như nghề, ngoại ngữ, các kỹ năng cần thiết; Hỗ trợ các doanh nghiệp thông qua các chính sách tín dụng ưu đãi để các đơn vị này có thể đầu tư tốt hơn cho các cơ sở đào tạo, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Chất lượng lao động chính là yếu tố then chốt quyết định sự phát triển bền vững của công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Do đó, Việt Nam cần hướng tới việc xây dựng thương hiệu cho lao động Việt Nam, giữ vị thế của lao động nước mình trong mắt các nhà tuyển dụng. Muốn vậy, người lao động cần phải được trang bị nhiều kiến thức cơ bản về đất nước, con người nước sở tại cũng như phong tục, tập quán, đặc biệt là kỷ luật lao động. Đặc biệt, các doanh nghiệp cần tăng cường tuyển chọn và tuân thủ khắt khe các tiêu chuẩn trong tuyển chọn; Nâng cao chất lượng đào tạo giáo dục định hướng cho người lao động.

Ngoài ra, cần xây dựng nội dung, chương trình đào tạo nghề và ngoại ngữ phù hợp với yêu cầu về kỹ năng nghề, ngoại ngữ của đối tác nước ngoài cũng như phải đầu tư vốn, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên trình độ cao để phục vụ cho xuất khẩu lao động. Tuy nhiên, bản thân người lao động cần chủ động nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật, tay nghề và ngoại ngữ; tìm hiểu các quy định về xuất khẩu lao động nhằm nâng cao hiểu biết, ý thức tổ chức kỷ luật, an toàn lao động; tuân thủ quy định pháp luật trong quá trình sống, làm việc tại nước ngoài.      

Tài liệu tham khảo:

1. GS., TS. Đặng Đình Đào, Tổng quan xuất khẩu lao động Việt Nam, Đại học Kinh tế Quốc dân;

2. Lan Hương (2015), Xuất khẩu lao động chất lượng cao: Nhiều triển vọng;

3. Cơ hội xuất khẩu lao động cho thu nhập cao đang rất lớn trong năm 2017, http://www.baomoi.com/co-hoi-xuat-khau-lao-dong-cho-thu-nhap-cao-dang-rat-lon-trong-nam-2017/c/21390080.epi.