Xuất khẩu tiếp tục có mức tăng cao hơn nhập khẩu, đưa xuất siêu vượt con số 3 tỷ USD

Theo TTXVN

Hoạt động xuất khẩu của Việt Nam chưa ảnh hưởng nhiều bởi căng thẳng thương mại toàn cầu. Sau 7 tháng, xuất khẩu tiếp tục có mức tăng cao hơn nhập khẩu, đưa xuất siêu vượt con số 3 tỷ USD.

Xuất khẩu tiếp tục có mức tăng cao hơn nhập khẩu, đưa xuất siêu vượt con số 3 tỷ USD.
Xuất khẩu tiếp tục có mức tăng cao hơn nhập khẩu, đưa xuất siêu vượt con số 3 tỷ USD.
Có 8 mặt hàng đạt kim ngạch trên 3 tỷ USD

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, tính đến hết tháng 7/2018, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2017, ước đạt 264,32 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 133,69 tỷ USD, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, xuất khẩu của khối doanh nghiệp 100% vốn trong nước tăng 18,7% so với cùng kỳ năm 2017 cao hơn tốc độ tăng trưởng 14,9% của khối doanh nghiệp FDI (không kể dầu thô). 

Nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. Theo đó, nhóm hàng này chiếm tới 81,8% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa (7 tháng năm 2017 chiếm 80,1%), đạt kim ngạch 109,4 tỷ USD, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm 2017. 

Nhiều mặt hàng chủ lực của nhóm công nghiệp chế biến đạt mức tăng trưởng 2 con số so với cùng kỳ năm ngoái như: Điện thoại các loại và linh kiện tăng 15,8%, hàng dệt may tăng 16,2%, máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 14,8%, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng tăng 27,1%...

Thống kế cho thấy, nhóm hàng nông, thủy sản tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, thủy sản tăng 8,1%, rau quả tăng 14,6%, gạo tăng mạnh nhất với mức tăng 31,5%...  Trong khi nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản giảm 2,6% so với cùng kỳ, do dầu thô giảm 46,4% về lượng và 25,3% về trị giá. 

Bộ Công Thương cho biết, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2018 duy trì được tốc độ tăng trưởng tích cực và chưa bị ảnh hưởng nhiều bởi căng thẳng thương mại toàn cầu. Hết tháng 7 năm 2018, đã có 24 mặt hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, trong đó có 8 mặt hàng đạt kim ngạch trên 3 tỷ USD.
Các thị trường chủ lực đều tăng trưởng tốt 

Bộ Công Thương cho biết, sau 7 tháng, cả nước đã chi khoảng 130,63 tỷ USD để nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2017. 

Trong đó, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu chính, với kim ngạch đạt 35,77 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2017. Tiếp theo là thị trường Hàn Quốc với kim ngạch nhập khẩu đạt 26,47 tỷ USD, tăng 0,2%. Ngoài ra, ASEAN đạt 18,05 tỷ USD, tăng 13,5%; Nhật Bản đạt 10,4 tỷ USD, tăng 12,8%; EU đạt 7,5 tỷ USD, tăng 9,8%; Hoa Kỳ đạt 7 tỷ USD, tăng 25,7%. 

Với kết quả như trên, sau 7 tháng, Việt Nam tiếp tục xuất siêu với giá trị khoảng 3,06 tỷ USD. Trong đó, khu vực FDI xuất siêu 18,1 tỷ USD, còn khu vực doanh nghiệp 100% vốn trong nước nhập siêu hơn 15 tỷ USD.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, thị trường là khâu quyết định năng lực sản xuất của Việt Nam do vậy trong chiến lược hội nhập mà Việt Nam đang triển khai đã mang lại hiệu quả tốt.

Thống kê cho thấy, trong 7 tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu sang các khu vực thị trường đều đạt mức tăng trưởng dương. 

Còn theo ông Phan Sinh (Tổng cục Hải quan), tình hình xuất nhập khẩu sau 7 tháng đầu năm vẫn tăng trưởng khá tốt. Trong đó xuất khẩu giữ mức độ tăng trưởng đều và cao, ở mức xấp xỉ 15 - 16%.

Trong khi đó, nhập khẩu duy trì trong khoảng 10%, nhờ đó, hoạt động xuất nhập khẩu giữ vai trò tích cực trong tăng trưởng sản xuất kinh doanh, đóng góp quan trọng vào GDP, tạo công ăn việc làm ổn định cho người lao động.

Chỉ còn 5 tháng nữa sẽ khép lại năm 2018, Bộ Công Thương cho biết, sẽ sát cánh cùng với sự nỗ lực của doanh nghiệp để xuất khẩu cả năm 2018 đạt mục tiêu tăng trưởng trên 10% so với năm 2017 mà Quốc hội và Chính phủ đề ra.