Phó trưởng Ban Kinh tế Trưng ương – Lê Vĩnh Tân:

“Yếu” phải dùng “thế” mới có thể cạnh tranh và thu hút đầu tư

PV.

(Tài chính) Chia sẻ với Phóng viên Tạp chí Tài chính, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp - Lê Vĩnh Tân cho rằng: “Yếu” phải dùng “thế” mới có thể cạnh tranh và thu hút đầu tư. Muốn thu hút đầu tư, ngoài cải thiện về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), cơ quan quản lý địa phương còn phải thay đổi căn bản cả về hành vi. Cụ thể là chuyển nhận thức từ quản lý sang phục vụ doanh nghiệp. Như vậy, Nhà nước và doanh nghiệp mới có thể đồng hành cùng phát triển!

Ông Lê Vĩnh Tân - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp. Nguồn: internet.
Ông Lê Vĩnh Tân - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp. Nguồn: internet.

Xin ông cho biết điểm mấu chốt nào giúp Đồng Tháp liên tiếp 7 năm qua nằm trong Top 5 tỉnh dẫn đầu về chỉ số PCI?

Hiện nay Đồng Tháp vẫn còn là tỉnh thuần nông, sản xuất nông nghiệp chiếm trên 50%. Vì vậy, muốn phát triển bền vững phải tính tới sản xuất công nghiệp, kêu gọi thu hút đầu tư. Cơ sở để thu hút đầu tư lại là chỉ số PCI, nhận thức được giá trị của PCI, từ năm 2006, tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các địa phương tập hợp các cơ quan chuyên môn, đại diện doanh nghiệp, đặc biệt thành lập tổ PCI, trong đó trên 50% thành viên là doanh nghiệp. Mỗi năm chính quyền địa phương cùng doanh nghiệp đối thoại 1-2 lần, xem xét lại từng chỉ số thành phần và đánh giá điểm mạnh, yếu cần cải thiện. Thứ hạng cao hay thấp không quan trọng mà quan trọng chính quyền địa phương phải đồng lòng với doanh nghiệp. Có như vậy mới có thể tạo niềm tin cho doanh nghiệp yên tâm sản xuất kinh doanh.

Từ năm 2007 – 2013, nếu tính về điểm số bình quân thì Đồng Tháp đứng hàng thứ 4 sau Đà Nẵng, Bình Dương và Đồng Nai. Còn về xếp hạng thì đứng hàng thứ 2. Nếu không nghe doanh nghiệp phản ánh thì chính quyền sẽ khó ra được những chính sách hợp lý? Chính vì vậy mà Đồng Tháp mới chuyển đổi tư duy, cách nhìn nhận vai trò và vị trí của doanh nghiệp, chuyển từ quản lý doanh nghiệp sang phục vụ doanh nghiệp. Có nghĩa là chuyển từ khái niệm nhà nước quản lý sang nhà nước phục vụ. Thực tế, ngoài nhiệm vụ đầu tư vốn phát triển sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm, đem lại nguồn thu cho ngân sách địa phương thì doanh nghiệp còn là đội ngũ tư vấn quý giá đối với chính quyền địa phương trong hoạch định chính sách. Nhờ sự tư vấn sát thực và nhạy bén của doanh nghiệp, chính quyền địa phương có thể định hướng được phát triển ngành nghề trọng điểm. Vì lợi ích chung, cộng đồng doanh nghiệp và cơ quan quản lý của tỉnh Đồng Tháp nhiều năm qua đã có sự đồng thuận và quyết tâm rất cao.

Ngoài chuyển đổi tư duy, tỉnh còn thành lập các câu lạc bộ doanh nghiệp trẻ (Sáng thứ 7 cà phê doanh nghiệp) và xây dựng các mô hình điểm (Thứ 6 nghe dân nói của xã Tân Thạnh, huyện Thanh Bình). Những mô hình này đang ngày càng được nhân rộng trong toàn tỉnh. Qua những buổi chiều tiếp xúc với doanh nghiệp, chính quyền địa phương đã có sự suy ngẫm và sửa đổi rất lớn!

Kết quả mà Đồng Tháp đạt được từ nỗ lực duy trì chỉ số PCI là những gì, thưa ông?

Thứ nhất, mặc dù bối cảnh kinh tế vẫn khó khăn song vốn đầu tư của doanh nghiệp vào Đồng Tháp trong những năm qua vẫn không ngừng tăng lên. Kết quả này có được chính là nhờ nỗ lực cải thiện chỉ số PCI thành phần của Đồng Tháp. Ví dụ, để cải thiện dịch vụ hỗ trợ cho doanh nghiệp, Đồng Tháp đã liên kết xây dựng hai bến cảng Cao Lãnh và Sa Đéc, mở dịch vụ “taxi cảng”, giúp doanh nghiệp làm thủ tục hải quan tại Đồng Tháp.... tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc thực hiện thủ tục cũng như vận chuyển hàng hóa.

Thứ hai, "yếu" thì phải dùng "thế" để thu hút đầu tư, tỉnh đã chủ động chuẩn bị sẵn về đội ngũ lao động lành nghề, mặt bằng đất đai để hỗ trợ ngay nếu có doanh nghiệp về tỉnh đầu tư. Ngoài cải thiện mối quan hệ với doanh nghiệp trong tỉnh, Đồng Tháp còn hỗ trợ doanh nghiệp ở các tỉnh khác, đặc biệt là doanh nghiệp hoạt động kinh doanh tại TP. Hồ Chí Minh về nguồn lao động.

Được biết, không chỉ cải thiện về chỉ số PCI mà Đồng Tháp còn tiên phong trong tái cơ cấu lĩnh vực nông nghiệp, ông có thể chia sẻ đôi chút về những kết quả ban đầu?

Đề án tái cơ cấu nông nghiệp là cứu cánh của Đồng Tháp trong bối cảnh hội nhập. Từ bài học khủng hoảng lương thực, sự thăng trầm và khốn đốn của con cá tra thời gian qua, Đồng Tháp đã quyết tâm tiên phong tái cấu trúc lại ngành Nông nghiệp, đánh giá lại thị trường nông sản. Đồng thời, trên cơ sở nhận diện cây, con có lợi thế cạnh tranh, tỉnh đã quy hoạch lại sản xuất, phân bổ nuôi, trồng theo vùng miền cho phù hợp.

Ngoài ra, tỉnh còn xây dựng các mô hình cho phát triển nông nghiệp bền vững. Trong đó, mô hình liên kết được tỉnh đặc biệt xem trọng trong quá trình tính toán chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp. Tiến tới loại bớt trung gian, từ 4 nhà xuống còn 2 nhà (doanh nghiệp và nông dân). Bên cạnh đó, tăng cường vai trò cầu nối và đại diện quyền lợi cho người nông dân của hợp tác xã. Trong thời điểm hiện tại, hợp tác xã chưa vững mạnh và chưa phát huy được vai trò làm cầu nối thì việc giữ uy tín của doanh nghiệp là rất quan trọng. Doanh nghiệp phải tạo được niềm tin cho người dân, trước nhất là phải giữ chữ tín!

Ngoài vấn đề đó, tỉnh Đồng Tháp còn tính tới việc xây dựng mô hình sản xuất hàng hóa theo quy mô lớn, đăng ký chuẩn quốc tế. Cụ thể là sẽ xây dựng tiêu chuẩn riêng cho con cá tra Việt Nam, tiêu chuẩn này sẽ bao trùm các tiêu chuẩn của các thị trường quốc tế, tạo thế lợi thế cạnh tranh cho con cá tra Việt Nam trên trường quốc tế trong hội nhập.

Xin trân trọng cảm ơn ông!