Yếu tố tác động đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa

Theo Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 4/2019

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa được xác định là con đường tất yếu để Việt Nam nhanh chóng thoát khỏi tình trạng lạc hậu, chậm phát triển, trở thành một quốc gia văn minh, hiện đại.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Đối với các huyện nghèo miền núi tỉnh Thanh Hóa, việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Tuy nhiên, quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại các huyện miền núi đã, đang đối diện không ít khó khăn, thách thức. Phân tích tiềm năng, lợi thế và tồn tại, hạn chế, bài viết đề xuất một vài giải pháp nhằm giúp các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa chuyển dịch cơ cấu kinh tế đạt hiệu quả hơn.

Yếu tố tác động tới quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa

Thanh Hoá là tỉnh có diện tích lớn thứ 5 trong cả nước, với khoảng 11.129,48 km2; Trong đó địa hình núi, trung du chiếm 73,3%; đồng bằng 16% và vùng ven biển 10,7%, chính vì vậy, chuyển dịch cơ cấu kinh tế chịu tác động bởi các yếu tố sau:

Thứ nhất, cơ cấu sử dụng đất thay đổi theo hướng tích cực: Năm 2011, diện tích đất sản xuất nông nghiệp chiếm 15,2%, đất lâm nghiệp 74,2%, đất phục vụ công nghiệp chiếm 5,2%. Đến năm 2017, diện tích đất sản xuất nông nghiệp đã giảm xuống, chiếm 12,9%, đất lâm nghiệp 75,4%, đất công nghiệp 5,6%. Giai đoạn 2011 - 2017, các huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa đã chuyển dần đất nông nghiệp sang phục vụ phát triển công nghiệp. 

Thứ hai, thu hút và thay đổi cơ cấu đầu tư đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành: Phân tích Bảng 1 có thể thấy, trong giai đoạn 2011 - 2017, quy mô vốn xã hội đầu tư vào các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa đã có sự chuyển biến theo chiều hướng tăng, cụ thể là tăng khoảng 1,9 lần, từ 2.439 tỷ đồng (năm 2011) lên 4.589 tỷ đồng (năm 2017).

Cơ cấu vốn đầu tư cũng có sự chuyển dịch theo hướng tập trung cho các mục tiêu phát triển. Theo đó, đầu tư xây dựng cơ bản năm 2011 chiếm 77,4% tăng lên 81,6% vào năm 2017. Tỷ lệ đầu tư xây dựng cơ bản cao chủ yếu đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, xây dựng các công trình thủy lợi, thủy điện (Cửa Đặt, Hồi Xuân 1, 2, Trung Sơn...). Các tuyến đường quốc lộ 217 đến cửa khẩu Na Mèo, Quốc lộ 15C Hồi Xuân – Tén Tằn (Mường Lát), đường vành đai phía Tây; hệ thống điện lưới quốc gia, hệ thống trường học, trạm y tế... đã được đầu tư hoàn thiện, nâng cấp và mở rộng.

Thống kê cho thấy, đến năm 2016, gần 100% các xã có điểm bưu điện văn hóa xã; 95% dân số được sử dụng điện lưới quốc gia, tỷ lệ trẻ em đến trường đạt từ 95 - 97%. Các chính sách ưu đãi đầu tư tại các cụm công nghiệp (40 tỷ đồng/cụm/huyện 30a; 28 tỷ đồng/cụm/ huyện miền núi) đang tạo ra sức hút, cho phép phát triển ngành công nghiệp và các ngành dịch vụ đi kèm phục vụ sản xuất kinh doanh trên địa bàn.

Yếu tố tác động đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế  tại các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa  - Ảnh 1

Thứ ba, xây dựng và phát triển được một số địa bàn nông nghiệp chuyên môn hóa, theo hướng phát huy thế mạnh về điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu. Đến nay, tại các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa đang dần hình thành các vùng nguyên liệu tập trung như: Vùng nguyên liệu mía tại Ngọc Lặc, Thường Xuân; vùng cao su tại Ngọc Lặc, Như Xuân, Như Thanh; vùng nguyên liệu chè; vùng nguyên liệu dứa tại Thạch Thành, Cẩm Thủy…

Một số vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như vùng trồng rau tại các huyện Thạch Thành, Cẩm Thủy, Như Thanh, vùng trồng hoa tại Thường Xuân, Ngọc Lặc… cũng dần được hình thành. Đến nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có gần 100 mô hình sản xuất lạc, đậu, ngô… đạt hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời, từ năm 2011 đến nay, Thanh Hóa đã hình thành và phát triển các khu vực sản xuất tập trung, các cụm công nghiệp, các thị trấn, thị tứ... tạo động lực dẫn dắt sự phát triển kinh tế - xã hội tại các huyện miền núi của Tỉnh. Cụ thể, các cụm công nghiệp tại Quang Hiến (Lang Chánh), Thị trấn Thường Xuân, Thạch Quảng (Thạch Thành), Minh Sơn (Ngọc Lặc), Bãi Trành, Yên Cát, Thượng Ninh, Xuân Hòa… đã thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia phát triển dây chuyền sản xuất, phát triển ngành công nghiệp và dịch vụ đi kèm phục vụ sản xuất kinh doanh.

Thứ tư, chất lượng lao động chuyển biến tích cực: Hiện nay, lao động tập trung tại các cụm công nghiệp, thị trấn chiếm gần 40% lực lượng lao động trong toàn khu vực. Thống kê đến năm 2017, hệ thống đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh Thanh Hóa đã được đầu tư phát triển và mở rộng, toàn Tỉnh đã có 2 trường Đại học, 1 Phân viện Đại học, 1 cơ sở Đại học, 1 trường Dự bị Đại học Dân tộc, 11 trường Cao đẳng và 12 cơ sở đào tạo nghề. Các trung tâm dạy nghề đã nghiên cứu, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, chú trọng đào tạo các ngành nghề gắn với thực tiễn địa phương, tạo thêm nhiều cơ hội việc làm; liên kết tạo việc làm sau khi đào tạo, hỗ trợ vay vốn phát triển kinh tế, góp phần giải quyết việc làm cho học viên.

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế đã giúp Thanh Hóa hình thành các vùng kinh tế động lực, vùng sản xuất tập trung với tính chất chuyên môn hóa ngày càng cao, đóng góp lớn cho nền kinh tế trong khu vực. Theo đó, năng suất lao động, thu nhập, đời sống nhân dân tại các vùng kinh tế động lực, vùng sản xuất tập trung, các cụm công nghiệp và các thị trấn, thị tứ tăng lên. Năm 2017, số người không có việc làm đã giảm, còn 24,1 nghìn người, tỷ lệ thất nghiệp giảm. Diện mạo nông thôn các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa cũng dần có những chuyển biến tích cực. 

Một số tồn tại, hạn chế

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa vẫn gặp một số vướng mắc, hạn chế sau:

Yếu tố tác động đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế  tại các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa  - Ảnh 2

- Mô hình kinh tế tại các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa vẫn còn phát triển chiều rộng, dựa vào khai thác tài nguyên thiên nhiên, nhất là khai thác rừng, khai thác khoáng sản. Sản xuất chủ yếu dựa vào phương pháp truyền thống với công cụ thủ công, năng suất lao động thấp, chưa tương xứng với tiềm năng…

- Khu vực kinh tế nhà nước chiếm tỷ trọng lớn nhưng năng lực cạnh tranh của khu vực này còn chưa hiệu quả so với các thành phần kinh tế tư nhân và vốn đầu tư nước ngoài.

- Do tập quán sinh hoạt, trình độ dân trí thấp nên ngành Chăn nuôi của Tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, mức độ ứng dụng khoa học công nghệ còn hạn chế, quá trình hình thành vùng chăn nuôi tập trung còn gặp nhiều khó khăn. Ngành Thủy sản phát triển chậm, chưa thể hình thành các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung…

- Khả năng thu hút lao động tại các cụm công nghiệp, các vùng chuyên canh chưa cao. Tốc độ dịch chuyển lao động giữa các địa bàn còn chậm, đa phần lao động vẫn duy trì thói quen, tập quán canh tác lạc hậu, nhỏ lẻ, manh mún và mang nặng tính chất thời vụ, phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên…

Giải pháp thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa

Để thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thời gian tới, các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa cần chú trọng một số giải pháp trọng tâm sau:

Một là, rà soát lại để điều chỉnh quy hoạch phát triển từng ngành, thành phần và vùng theo hướng cụ thể hóa quy hoạch vào từng sản phẩm. Trên cơ sở đó, chính quyền Tỉnh có thể chuyển đổi những sản phẩm có năng suất và hiệu quả thấp để chuyển sang phát triển những sản phẩm có năng suất, hiệu quả cao và có nhiều lợi thế so sánh. Cùng với đó, cần rà soát lại các quy hoạch phát triển ngành kinh tế trên phạm vi tất cả các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa. Đối với ngành nằm trong quy hoạch nhưng đạt hiệu quả thấp (năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm thấp), cần có những điều chỉnh cho phù hợp, để từ đó xác định cơ cấu kinh tế dài hạn ở các vùng thích hợp, có nhiều lợi thế.

Hai là, hoàn thiện cơ chế chính sách về nguồn đầu tư: Theo tính toán của các chuyên gia, để đạt được tốc độ tăng trưởng và các mục tiêu cơ cấu chuyển dịch kinh tế ở các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa, nhu cầu vốn đầu tư cho đoạn 2015 - 2030 ước tính 130 nghìn tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 2016 - 2020 là 50 nghìn tỷ đồng, giai đoạn 2020 - 2025 là 40 nghìn tỷ đồng và giai đoạn 2025 - 2030 là 40 nghìn tỷ đồng.

Để có nguồn vốn thúc đẩy quá trình này, bên cạnh việc coi trọng cơ chế tự điều tiết của thị trường, chính sách đầu tư của Nhà nước là rất cần thiết. Theo đó, Thanh Hóa cần tiến hành rà soát, phân loại các dự án đầu tư, điều chỉnh phương thức và nguồn vốn đầu tư để tạo cơ hội cho các doanh nghiệp tư nhân đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng có khả năng thu hồi vốn. 

Để huy động nguồn vốn trong nước, cần hoàn thiện chính sách đầu tư tín dụng theo hướng vừa tuân thủ quy luật thị trường, vừa coi trọng quản lý vĩ mô của Nhà nước; Xóa bỏ mọi bao cấp qua con đường tín dụng, lấy tín dụng là phương thức đầu tư chủ yếu mọi nguồn vốn; Có chính sách ưu đãi hoạt động tín dụng dài hạn, chuyển dần từ bù lỗ do bao cấp lãi suất sang trợ giá lâu dài cho một số mặt hàng chiến lược, miễn giảm hoặc giãn thuế cho hệ thống các tổ chức tín dụng phục vụ phát triển miền núi; Có chính sách ưu đãi đối với các tổ chức kinh tế, kể cả doanh nghiệp, tư nhân trong và ngoài nước vào khu vực, phục vụ xuất khẩu, tự cân đối ngoại tệ tạo nguồn thu hút ngoại tệ lớn...

Ba là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn Tỉnh: Tạo điều kiện thuận lợi để người lao động tham gia học nghề phù hợp với trình độ học vấn, điều kiện kinh tế và nhu cầu học nghề của mình. Nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, xã hội, của cán bộ, công chức xã và lao động về vai trò của đào tạo nghề đối với việc tạo việc làm, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa là tổng thể các hoạt động, nhằm hướng đến sự thay đổi số lượng, vị trí, tỷ trọng và mối quan hệ tương tác giữa các ngành, thành phần, khu vực kinh tế để đạt được sự phát triển tốt hơn, hiệu quả hơn. Đây là xu hướng tất yếu khách quan của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, do đó, quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế các huyện miền núi Thanh Hóa vừa tuân theo xu hướng chung, vừa có nét đặc thù phù hợp với điều kiện riêng có của khu vực; đứng trước nhiều cơ hội mới nhưng cũng không ít những thách thức. Chính vì vậy, để thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thời gian tới, các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa cần tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức trước tình hình trong nước và quốc tế, tham khảo kinh nghiệm của các địa phương và sự nỗ lực của cả thành phần kinh tế trên địa bàn.

Tài liệu tham khảo:

1. Niên giám thống kê tỉnh Thanh Hóa (2010-2017);
2. Quyết định số 4292/QĐ-UBND của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc phê duyệt đề án tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, định hướng đến năm 2025;
3. Phạm Đình Đắc (2006), Thống kê Thanh Hóa trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa;
4. Các website: mard.gov.vn, thanh hoa.gov.vn, baothanhhoa…