Kỷ niệm 25 năm thị trường chứng khoán Việt Nam:
Phát triển thị trường chứng khoán ổn định, minh bạch và tiệm cận chuẩn mực quốc tế trong kỷ nguyên mới
Trải qua hơn 25 năm xây dựng và phát triển, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Nhân dịp kỷ niệm 25 năm thành lập TTCK Việt Nam (20/7/2000 – 20/7/2025), Tạp chí Kinh tế – Tài chính đã có cuộc phỏng vấn ông Bùi Hoàng Hải - Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) để nhìn lại chặng đường phát triển, những bài học quản lý đáng giá và tầm nhìn điều hành trong giai đoạn mới.

Phó Chủ tịch UBCKNN
Phóng viên: Nhìn lại chặng đường 25 năm xây dựng và phát triển TTCK Việt Nam, ông đánh giá như thế nào về vai trò và những đóng góp của thị trường đối với nền kinh tế?
Ông Bùi Hoàng Hải: Hơn 25 năm kể từ khi TTCK chính thức được thành lập, quy mô thị trường, thanh khoản, danh mục sản phẩm, cơ cấu nhà đầu tư và hệ thống tổ chức trung gian đã có sự phát triển mạnh mẽ và toàn diện. Từ chỉ 2 mã cổ phiếu niêm yết giao dịch ban đầu, đến nay, thị trường đã có hơn 1.600 mã cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết/đăng ký giao dịch (ĐKGD), cùng gần 500 mã trái phiếu được niêm yết trên TTCK.
Tính đến cuối tháng 5/2025, quy mô thị trường cổ phiếu đạt hơn 7,4 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 65% GDP năm 2024, tăng gấp 10,3 lần so với năm 2010 và gấp 1,4 lần so với năm 2020. Cùng với đó, hệ sinh thái nhà đầu tư và các tổ chức trung gian trên thị trường cũng không ngừng lớn mạnh, với gần 10 triệu tài khoản giao dịch (tương đương khoảng 9,6% dân số), hơn 82 công ty chứng khoán và 43 công ty quản lý quỹ đang hoạt động.
Đặc biệt, trong những năm gần đây, các quỹ hoán đổi danh mục ETF tại Việt Nam phát triển cả về số lượng lẫn quy mô. Nếu như trước năm 2020, thị trường chỉ có 2 quỹ ETF thì đến cuối năm 2024, TTCK Việt Nam đã có tổng cộng 16 quỹ ETF được thành lập trong nước. Một số quỹ tiêu biểu có thể kể đến như: quỹ ETF VFMVN Diamond, quỹ ETF SSIAM VNFin Lead và quỹ ETF VinCapital VN100. Tổng giá trị tài sản ròng của các quỹ ETF đến cuối năm 2024 đạt gần 24.600 tỷ đồng, tăng khoảng 4 lần so với thời điểm đầu năm 2020.
Quan trọng hơn cả, TTCK ngày càng khẳng định rõ vai trò là kênh huy động vốn hiệu quả cho nền kinh tế thực. Nhiều doanh nghiệp đã thành công trong việc gọi vốn thông qua thị trường để mở rộng sản xuất – kinh doanh, đổi mới công nghệ và nâng cao năng lực cạnh tranh. Bên cạnh đó, TTCK còn góp phần thúc đẩy tính công khai, minh bạch trong hoạt động của doanh nghiệp, nâng cao chất lượng quản trị công ty và chuyên nghiệp hóa các chủ thể tham gia thị trường.
Phóng viên: Hiện nay, nâng hạng TTCK Việt Nam từ cận biên lên mới nổi đang là vấn đề được rất nhiều nhà đầu tư quan tâm và đón đợi. Ông đánh giá như thế nào về tiến trình này?
Ông Bùi Hoàng Hải: Trong thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, UBCKNN đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai đồng thời nhiều nhiệm vụ để thúc đẩy tiến trình nâng hạng TTCK trong năm 2025, nhằm thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế năm 2025 theo Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 08/01/2025 của Chính phủ, phấn đấu đạt được mục tiêu đã đề ra trong Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030.
Trong nước, UBCKNN tăng cường trao đổi, làm việc với các nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN), lắng nghe những khó khăn, vướng mắc khi tham gia trên TTCK Việt Nam. Trên cơ sở các đề xuất, kiến nghị của NĐTNN, nhiều biện pháp đã được triển khai quyết liệt, mang lại hiệu quả hỗ trợ cho sự tham gia của NĐTNN trên thị trường.
Có thể kể đến như: cơ chế không yêu cầu nhà đầu tư tổ chức nước ngoài có đủ 100% tiền khi đặt lệnh mua cổ phiếu; yêu cầu tổ chức niêm yết, công ty đại chúng phải thực hiện công bố thông tin đồng thời bằng tiếng Anh theo lộ trình; bỏ yêu cầu hợp pháp hóa lãnh sự đối với các tài liệu trong hồ sơ mở tài khoản đầu tư gián tiếp (ĐTGT); đơn giản hóa các yêu cầu về dịch tài liệu sang tiếng Việt; cho phép mở thêm tài khoản ĐTGT tương ứng với mã số giao dịch chứng khoán được cấp cho các đối tượng là công ty chứng khoán nước ngoài, quỹ đầu tư nước ngoài, tổ chức đầu tư thuộc Chính phủ, tổ chức tài chính quốc tế. Đây được đánh giá là những chính sách mới, mang tính thay đổi lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho các NĐTNN tiếp cận tốt hơn TTCK Việt Nam.
Bên cạnh đó, ngày 05/5/2025, hệ thống công nghệ thông tin quản lý và vận hành giao dịch trên TTCK (KRX) đã chính thức đi vào vận hành. Việc triển khai hệ thống KRX mở ra nhiều cơ hội cho UBCKNN, các sở giao dịch chứng khoán (SGDCK) và Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam (VSDC) trong việc triển khai các cơ chế tiên tiến như cơ chế đối tác bù trừ trung tâm (CCP), giao dịch chứng khoán chờ về, bán khống và nhiều sản phẩm mới khác. Đây là những yếu tố cần thiết để tiệm cận các chuẩn mực quốc tế. Theo đó, hệ thống mới không chỉ tạo ra các giải pháp kỹ thuật mà còn được kỳ vọng tạo điều kiện để Việt Nam đáp ứng các tiêu chí nâng hạng, từ đó thu hút dòng vốn lớn hơn từ nhà đầu tư quốc tế.

Song song với các nhiệm vụ được triển khai tích cực trong nước, Bộ Tài chính (UBCKNN) đã chủ động phối hợp với các tổ chức lớn tổ chức thành công nhiều diễn đàn xúc tiến đầu tư. Mới đây nhất là Diễn đàn xúc tiến đầu tư tại Hồng Kông, Thâm Quyến (Trung Quốc) và New York (Hoa Kỳ) vào tháng 4/2025. Diễn đàn đã thu hút sự tham gia của rất nhiều đại biểu đến từ các tổ chức tài chính, ngân hàng đầu tư, quỹ đầu tư và các công ty tư vấn quốc tế hàng đầu như: Ngân hàng Thế giới, Warburg Pincus, Citibank, JP Morgan, Morgan Stanley, HSBC, Deutsche Bank, BNY Mellon, Standard Chartered...
Các đại biểu quốc tế đã đánh giá cao quyết tâm cải cách của Việt Nam, trong đó nổi bật là giải pháp gỡ bỏ yêu cầu có đủ tiền trước khi đặt lệnh mua chứng khoán của nhà đầu tư tổ chức nước ngoài. Điều này phản ánh rõ quyết tâm, cũng như hướng đi đúng đắn của Việt Nam trong việc thực hiện mục tiêu nâng hạng TTCK từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi.
Phóng viên: Với vai trò cơ quan quản lý và giám sát thị trường, UBCKNN rút ra bài học lớn nhất nào trong suốt 25 năm qua?
Ông Bùi Hoàng Hải: Sau 25 năm hình thành và phát triển, TTCK Việt Nam đã đạt được những bước tiến vượt bậc cả về quy mô, tính đa dạng lẫn mức độ hội nhập. Với vai trò là cơ quan quản lý và giám sát, bài học lớn nhất mà UBCKNN đúc kết được chính là: kiên định bám sát chủ trương, đường lối của Đảng cùng các mục tiêu, kế hoạch mà Chính phủ đề ra; đồng thời, luôn đặt mục tiêu phát triển thị trường song hành với việc tăng cường tính minh bạch và ổn định của hệ thống, để TTCK trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn hiệu quả cho nền kinh tế; hoàn thành nhiệm vụ chiến lược nâng hạng thị trường, đưa TTCK Việt Nam ngày càng tiệm cận gần hơn với TTCK quốc tế.
Phóng viên: Hiện nay, Chính phủ Việt Nam đang tập trung phát triển đồng bộ các nguồn lực quan trọng nhằm hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng kinh tế bình quân hai con số. Với vai trò là cơ quan quản lý, UBCKNN sẽ có những giải pháp gì để phát triển TTCK, đóng góp vào mục tiêu chung của đất nước?
Ông Bùi Hoàng Hải: Nhằm hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng bình quân hai con số mà Chính phủ đã đề ra, UBCKNN nhận định rằng trong thời gian tới, nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển của nền kinh tế là rất lớn. Do đó, TTCK cần phát triển mạnh mẽ hơn nữa để thực sự đảm nhận vai trò là kênh cung cấp vốn trung và dài hạn chủ đạo cho nền kinh tế quốc dân.
Trên cơ sở đó, UBCKNN sẽ quyết liệt triển khai các giải pháp được xác định trong Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030, ban hành kèm theo Quyết định số 1726/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Các giải pháp sẽ tập trung vào những trọng tâm như: cải cách thể chế, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng của thị trường, tăng nguồn cung, thúc đẩy cầu đầu tư trên thị trường. Cụ thể:
– Về cải cách thể chế: Bộ Tài chính (UBCKNN) đã trình và được Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán ngày 29/11/2024. Đây là một cải cách quan trọng trong việc phát triển thị trường theo hướng tiệm cận với các thông lệ và chuẩn mực quốc tế về chứng khoán và TTCK. Hiện Bộ Tài chính (UBCKNN) cũng đang tiến hành sửa đổi các nghị định, thông tư khác để ban hành hoặc trình Chính phủ ban hành. Trong đó, trọng tâm là cải cách thể chế, tạo điều kiện thông thoáng cho việc triển khai các sản phẩm, dịch vụ mới; đồng thời quyết liệt thực hiện cắt giảm 30% thủ tục hành chính và 30% điều kiện kinh doanh.
– Về hiện đại hóa cơ sở hạ tầng cho thị trường: UBCKNN đã chỉ đạo triển khai thành công hệ thống công nghệ thông tin KRX từ ngày 05/5/2025. Đây là một hệ thống hiện đại, đáp ứng được nhu cầu phát triển của thị trường với nhiều sản phẩm, dịch vụ và nghiệp vụ mới được tích hợp. UBCKNN đã giao VSDC khẩn trương triển khai các bước để thực hiện bù trừ – thanh toán theo cơ chế đối tác bù trừ trung tâm (CCP) đối với TTCK cơ sở, bao gồm việc thành lập công ty con của VSDC để thực hiện chức năng CCP; thực hiện công tác chuẩn bị về quy trình nghiệp vụ và cấp phép thành viên bù trừ. Dự kiến, cơ chế CCP sẽ được triển khai trong đầu năm 2027.
– Về phát triển nguồn cung: Ngoài việc giảm điều kiện kinh doanh, rút ngắn thủ tục hành chính, tạo thuận lợi và thông thoáng cho doanh nghiệp huy động vốn, rút ngắn quy trình IPO; hiện UBCKNN cũng đang nghiên cứu các giải pháp đặc thù về huy động vốn cho doanh nghiệp theo mô hình đối tác công – tư (PPP), doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN), cũng như huy động vốn trên thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, UBCKNN đang thúc đẩy đa dạng hóa bộ chỉ số nhằm tạo nền tảng cho việc phát triển các sản phẩm phái sinh, công cụ đầu tư xanh và bền vững trên thị trường.
Về thúc đẩy cầu đầu tư trên thị trường: UBCKNN hiện đang quyết liệt triển khai các giải pháp nhằm đáp ứng các điều kiện cho việc nâng hạng thị trường. Việc được nâng hạng giúp thu hút được nguồn vốn từ các tổ chức đầu tư tài chính hàng đầu trên thế giới, góp phần huy động được hàng chục tỷ USD/năm. UBCKNN cũng chú trọng phát triển nguồn cầu dài hạn từ thị trường trong nước thông qua việc phát triển các nhà đầu tư có tổ chức, các quỹ đầu tư. Đây được kỳ vọng là nguồn huy động vốn dài hạn và ổn định cho phát triển TTCK nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Phóng viên: Nhân kỷ niệm 25 năm TTCK Việt Nam hoạt động và phát triển, ông có kỳ vọng gì cho giai đoạn phát triển tiếp theo?
Ông Bùi Hoàng Hải: Trong giai đoạn tiếp theo, UBCKNN tập trung vào các nhiệm vụ để phát triển TTCK ổn định, an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững và hội nhập; phát triển các công cụ tài chính xanh, tài chính bền vững; đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực chứng khoán; xây dựng hệ thống quản lý, giám sát thị trường gắn với ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại; tăng cường liên kết và hội nhập quốc tế, từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển giữa TTCK Việt Nam so với TTCK các nước phát triển.
Bộ Tài chính (UBCKNN) sẽ tích cực phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành để triển khai Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030. Với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự đồng hành của doanh nghiệp và nhà đầu tư, chúng tôi kỳ vọng TTCK Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn phát triển mới, sâu sắc và bền vững hơn, không chỉ tăng trưởng về quy mô mà còn nâng cao chất lượng, góp phần vào sự phát triển kinh tế – xã hội bền vững của Đất nước.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!