Quan điểm, chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam

Việt Liễu

Trong xu thế hội nhập, đổi mới, phát triển mạnh mẽ Việt Nam đã lựa chọn chiến lược phát triển đất nước theo hướng nhanh và bền vững để thực hiện mục tiêu "Dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh". Trong quá trình hội nhập, phát triển, chủ trương, quan điểm về phát triển công bằng, bền vững được Việt Nam không ngừng bổ sung và hoàn thiện.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Quan điểm phát triển nhanh và bền vững

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: Chiến lược phát triển tổng thể của đất nước ta là đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc Đổi mới, phát triển nhanh và bền vững đất nước; bảo đảm gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó: Phát triển kinh tế - xã hội là nhiệm vụ trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên.

Những nội dung mới được khẳng định: "Phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyên đổi số. Phải đổi mới tư duy và hành động, chủ động nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với quá trình hội nhập quốc tế để cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế số, xã hội số, coi đây là nhân tố quyết định để nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Phát huy tối đa lợi thế của các vùng, miền; phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu...

Nhận thức, quan điểm về phát triển nhanh và bền vững của Việt Nam vừa có sự kế thừa nhận thức và xu hướng phát triển chung của thế giới vừa có sự vận dụng, bổ sung, phát triển phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam. Theo đó, trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam xác định:

Một là, phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển đất nước; kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển xã hội và bảo vệ tài nguyên, môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội và bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền quốc gia. Việc xây dựng, thực hiện các chiến lược, chính sách, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội phải đảm bảo yêu cầu phát triển bền vững.

Hai là, phát triển bền vững là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, các cấp chính quyền, các bộ, ngành và địa phương; của các cơ quan, doanh nghiệp, đoàn thể xã hội, các cộng đồng dân cư và mỗi người dân. Huy động mọi nguồn lực xã hội; tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp và các bên liên quan nhằm đảm bảo thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030.

Ba là, con người là trung tâm của phát triển bền vững. Phát huy tối đa nhân tố con người với vai trò là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của phát triển bền vững. Đáp ứng ngày càng đầy đủ hơn nhu cầu vật chất và tinh thần của mọi tầng lớp nhân dân; xây dựng đất nước giàu mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh; xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ và chủ động hội nhập quốc tế để phát triển bền vững đất nước.

Bốn là, tạo điều kiện để mọi người và mọi cộng đồng trong xã hội có cơ hội bình đẳng để phát triển, được tiếp cận những nguồn lực chung và được tham gia, đóng góp và hưởng lợi, tạo ra những nền tảng vật chất, tri thức và văn hóa tốt đẹp cho những thế hệ mai sau. Không để ai bị bỏ lại phía sau, tiếp cận những đối tượng khó tiếp cận nhất trước, bao gồm trẻ em, phụ nữ, người cao tuổi, người nghèo, người khuyết tật, đồng bào vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng biên giới, hải đảo và những đối tượng dễ bị tổn thương khác.

Năm là, khoa học và công nghệ, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số quốc gia sẽ là nền tảng và động lực cho phát triển bền vững đất nước. Công nghệ hiện đại, sạch và 

Phát triển bền vững là cơ sở để phát triển nhanh, phát triển nhanh để tạo điều kiện, nguồn lực cho phát triển bền vững. Phát triển nhanh và bền vững phải luôn gắn chặt với nhau trong quy hoạch, kế hoạch và chính sách phát triển kinh tế - xã hội.

Chiến lược phát triển bền vững đến năm 2030 

Việt Nam xây dựng Chiến lược phát triển giai đoạn 2021-2030 trong bối cảnh quốc tế, khu vực có nhiều khó khăn, biến động... Tuy nhiên, Việt Nam vẫn cam kết thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, cụ thể:

Thứ nhất, phát triển bền vững về kinh tế.

Việt Nam phấn đấu, trong giai đoạn 2020-2030, tốc độ tăng trưởng GDP trung bình tăng từ 5-6%/năm, GDP bình quân đầu người duy trì mức 4-4,45%/ năm; tốc độ tăng năng suất lao động duy trì mức tăng 5% hàng năm.

Mục tiêu đến năm 2030, tăng gấp 1,5 lần năng suất lao động trong nông nghiệp và thu nhập của lao động nông nghiệp với lộ trình đặt ra là thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 43 triệu (2020); 60 triệu (2025) và 90 triệu (2030).

Tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP trên 85%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm bằng khoảng 32 - 34% GDP. Bội chi ngân sách nhà nước không quá 4% GDP. Yếu tố năng suất tổng hợp (TFP) đóng góp vào tăng trưởng khoảng 25 - 30%. Tiêu hao năng lượng tính trên GDP bình quân giảm 1 - 1,5%/năm. Tỷ lệ đô thị hoá đến năm 2020 đạt 38 - 40%.

Thứ hai, phát triển bền vững về xã hội.

Tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội khoảng 35 - 40% (2020). Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 65 - 70%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 25 - 26%. Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%. Mục tiêu có 10 bác sĩ và trên 26 giường bệnh trên 1 vạn dân. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt trên 80% dân số. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân khoảng 1,3 - 1,5%/năm. Đến năm 2020 sẽ không còn hộ nghèo với mức thu nhập dưới 2 USD/ngày. Năm 2025 sẽ không còn tình trạng đói nghèo, chấm dứt nghèo đói ở mọi nơi.

Thứ ba, phát triển bền vững về môi trường.

Xây dựng một nền kinh tế phi phát thải; Giảm phát thải khí nhà kính: 5% năm 2020; 25% năm 2030 và 45% năm 2050. Năm 2030 có thể đạt được các mục tiêu phát triển bền vững về tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Chống sa mạc hóa, phục hồi các vùng đất và đất bị thoái hóa, kể cả đất bị ảnh hưởng bởi sa mạc hóa, hạn hán và lũ lụt, và phấn đấu để đạt được một thế giới không thoái hóa đất.  Phấn đấu đạt 95% dân cư thành thị, 90% dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh  (2020) và 80 - 85% chất thải nguy hại, 95 - 100% chất thải y tế được xử lý. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 44 - 45%...

Để phát triển kinh tế nhanh và bền vững, Việt Nam còn nhiều việc phải làm, trong đó cần thúc đẩy hình thức đầu tư đối tác công tư, thu hút các nhà đầu tư mới để hướng tới phát triển bền vững.

Các dự án giao thông, cơ sở hạ tầng trong nhiều lĩnh vực, thậm chí các dịch vụ công... đều cần có sự hợp tác công tư để phát triển bền vững. Nguồn vốn cho xây dựng cơ sở hạ tầng ở Việt Nam cần ít nhất 20 tỷ USD mỗi năm trong những năm tới.

Trong điều kiện nguồn vốn nhà nước hạn hẹp, trợ giúp phát triển chính thức (ODA) hạn chế, thì hình thức đầu tư đối tác công tư và huy động nguồn vốn đầu tư từ khu vực tư nhân sẽ đóng vai trò quan trọng.

Đối tác công tư không chỉ là sự chung tay giữa nhà nước và tư nhân trong phát triển cơ sở hạ tầng mà cần được mở rộng ra các lĩnh vực cung ứng dịch vụ công và thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp quan trọng có vai trò dẫn dắt nền kinh tế.  

Việt Nam xác định tiếp tục đầu tư mạnh vào cải thiện chất lượng nguồn nhân lực. Chú trọng nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân nghèo, vùng sâu, vùng xa, cả về thể lực và trí lực nhằm đạt mục tiêu thiên niên kỷ như đã cam kết về phát triển con người.

Ưu tiên phục vụ con người, phát huy cao nhất yếu tố con người trong mỗi chiến lược phát triển. Việt Nam đặt mục tiêu thuộc nhóm dẫn đầu các nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và trở thành nước công nghiệp phát triển hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào năm 2045.