Quản lý an toàn thực phẩm phù hợp với mô hình chính quyền địa phương hai cấp
Thời gian qua, tình hình vi phạm trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng như thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm chức năng, thực phẩm thiết yếu… có xu hướng gia tăng với tính chất, mức độ ngày càng tinh vi và phức tạp.

Trước tình hình đó, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các văn bản chỉ đạo quan trọng nhằm siết chặt quản lý và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Cụ thể, ngày 17/4/2025, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 41/CĐ-TTg về việc tăng cường kiểm tra, xử lý tình trạng sản xuất, buôn bán thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả, không bảo đảm chất lượng. Ngày 15/5/2025, ban hành Công điện số 65/CĐ-TTg phát động đợt cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Tiếp đó, các Công điện số 72/CĐ-TTg (ngày 24/5/2025) và 82/CĐ-TTg (ngày 4/6/2025) tiếp tục yêu cầu các bộ, ngành, địa phương mở rộng và nâng cao hiệu quả đợt cao điểm đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật trong sản xuất, kinh doanh. Thực hiện các chỉ đạo trên, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Kế hoạch cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý.
Nhằm tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, vi phạm về an toàn thực phẩm, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên vừa ký ban hành chỉ thị 12/CT-BCT ngày 16/7 về việc tăng cường quản lý an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thuộc trách nhiệm của Bộ Công Thương, phù hợp với mô hình chính quyền địa phương hai cấp.
Theo đó, Bộ yêu cầu các đơn vị trực thuộc, lực lượng quản lý thị trường, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố, Công đoàn Công Thương Việt Nam, các hiệp hội ngành hàng và cơ quan báo chí ngành Công Thương triển khai đồng bộ các nội dung.
Đối với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố, tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước tại địa phương theo mô hình chính quyền hai cấp. Chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm về sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Đặc biệt chú trọng kiểm tra các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, hộ kinh doanh cá thể và các kênh thương mại điện tử. Kịp thời báo cáo và đề xuất với UBND tỉnh, thành phố các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý.
Đối với các đơn vị trực thuộc bộ Bộ Công Thương, cần tham mưu Bộ trưởng ban hành văn bản hướng dẫn UBND cấp tỉnh và cấp xã thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong các công tác chuyên môn như đấu tranh, phòng chống buôn lậu, an toàn thực phẩm,...
Đối với các hiệp hội ngành hàng, cần phát huy vai trò cầu nối giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp; tuyên truyền, vận động hội viên tuân thủ nghiêm các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm, không sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc.