Quốc hội thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)
Quốc hội vừa thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) với đại đa số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành.
Trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh đã trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).
Theo Chủ nhiệm Nguyễn Đắc Vinh, việc sửa đổi Luật Di sản văn hóa cần quy định rõ hơn trách nhiệm của Nhà nước, có cơ chế, chính sách để tăng cường nguồn lực cho bảo vệ di sản văn hóa bảo đảm khả thi, hiệu quả. Để thực hiện yêu cầu này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo nghiên cứu, quy định Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong việc bảo đảm và phát triển hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa; huy động nguồn lực cho hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa của các vùng miền, của đồng bào các dân tộc; ưu tiên ngân sách nhà nước, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong việc tài trợ, hỗ trợ, tặng cho, đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất cho bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa. Đồng thời, quy định cụ thể cơ chế quản lý, vận hành, chính sách huy động nguồn lực tài chính cho hoạt động bảo vệ di sản văn hóa.
Về các hành vi bị nghiêm cấm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát các quy định về hành vi bị nghiêm cấm và chỉnh lý bảo đảm cụ thể, rõ ràng, chính xác, phù hợp với quy định tại Điều 229 Bộ luật Dân sự, làm cơ sở cho việc quy định, hướng dẫn thực hiện, phát hiện kịp thời, xử lý có hiệu quả các hành vi vi phạm pháp luật trong quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Cùng với quy định nghiêm cấm việc thực hiện bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh khi chưa có ý kiến hoặc không thực hiện đúng quyết định, phê duyệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, dự thảo Luật quy định cụ thể các trường hợp cần phải lập, phê duyệt dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích và quy định hoạt động bảo quản thường xuyên, sửa chữa nhỏ, tu sửa cấp thiết di tích để tạo sự chủ động cho các tổ chức, cá nhân thực hiện biện pháp phù hợp, kịp thời, đáp ứng yêu cầu bảo vệ di tích trong trường hợp khẩn cấp.
Về Quỹ bảo tồn di sản văn hóa, để bảo đảm phù hợp với điều kiện của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát, chỉnh lý, hoàn thiện theo hướng Quỹ chỉ hỗ trợ kinh phí cho một số hoạt động trọng tâm, trọng điểm. Đồng thời, chỉnh lý, bổ sung quy định Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế về yêu cầu, khả năng huy động nguồn lực, tính hiệu quả, khả thi để xem xét, quyết định có hay không thành lập Quỹ bảo tồn di sản văn hóa ở địa phương.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh, dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm 09 chương, 95 điều, giảm 07 điều so với dự thảo trình tại Kỳ họp thứ 7, đã bám sát các mục tiêu, quan điểm, chính sách lớn được Quốc hội thông qua, thể chế hóa chủ trương của Đảng, khắc phục những bất cập, hạn chế trong quá trình thực hiện Luật Di sản văn hóa, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.