Cách tiếp cận sáng tạo cho các Tổ chức Xã hội dân sự Việt Nam

PV.

(Tài chính) Nhằm giải quyết những thách thức lớn của các tổ chức Xã hội Dân sự (CSO) như tự chủ về tài chính, mở rộng tác động xã hội... Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phục vụ Cộng đồng (CSIP) tổ chức hội thảo nhằm giới thiệu về các hoạt động trong chương trình “Hỗ trợ Đổi mới các CSO” với sự tài trợ của Irish Aid.

Đổi mới để đạt được mục tiêu tự chủ hơn về tài chính. Nguồn: CSIP.
Đổi mới để đạt được mục tiêu tự chủ hơn về tài chính. Nguồn: CSIP.

Hội thảo tại Hà Nội là sự kiện khởi đầu cho chuỗi hội thảo giới thiệu về chương trình sẽ  được diễn ra tại 3 miền Bắc Trung Nam (tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng).

Mục tiêu của Chương trình “Hỗ trợ Đổi mới các Tổ chức Xã hội Dân sự” là nhằm giúp các CSO Việt Nam áp dụng cách tiếp cận doanh nghiệp xã hội (DNXH) để đạt mục tiêu tự chủ hơn về tài chính, trong khi tiếp tục tăng cường giá trị xã hội. Qua chương trình này, các CSO có tiềm năng và có cam kết cao sẽ được nhận các hỗ trợ kỹ thuật và tài chính để thử nghiệm mô hình kinh doanh xã hội phù hợp.

Chương trình “Hỗ trợ Đổi mới các Tổ chức Xã hội Dân sự” tập trung hỗ trợ các CSO hoạt động trong ba lĩnh vực sau: Tăng quyền năng cho phụ nữ; Hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số và Hỗ trợ người khuyết tật. Trong 2,5 năm triển khai chương trình, sẽ có: 

30 CSO được nhận hỗ trợ để đánh giá năng lực tổ chức liên quan đến phát triển DNXH và đào tạo nâng cao năng lực.

12 CSO được nhận hỗ trợ tư vấn xây dựng kế hoạch kinh doanh trong 3 tháng.

6 CSO được nhận hỗ trợ chuyên sâu trong 12 tháng bao gồm: Tài trợ không hoàn lại vốn hạt giống tương đương 3,000 EURO cho mỗi CSO, tư vấn kinh doanh và kết nối mạng lưới, hỗ trợ huy động nguồn lực phi tài chính.

 “CSO với những hình thức hoạt động đa dạng và rộng khắp đã và đang đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề xã hội và thúc đẩy sự tiến bộ nói chung. Tuy nhiên một trong những thách thức lớn mà CSO phải khắc phục hiện này là sự tự chủ và bền vững về tài chính. DNXH sẽ là một hướng tiếp cận hiệu quả cho vấn đề này”, Bà Phạm Kiều Oanh – Giám đốc CSIP chia sẻ.

Hiện tại Việt Nam có khoảng 147,900 CSO, bao gồm các tổ chức phi chính phủ, các hợp tác xã, các hiệp hội và các tổ chức cộng đồng (CBO). Trong đó, một tỷ lệ đáng kể các tổ chức này có các đặc tính tương tự với các DNXH và có tiềm năng áp dụng hướng tiếp cận DNXH trong thực tế. Tuy nhiên, một số tổ chức đã thất bại trong việc đạt được nguồn thu kì vọng do hạn chế về khả năng điều hành, kinh doanh và mạng lưới.