Số doanh nghiệp giải thể tăng nhanh bất thường

Theo Đình Vũ/cafeland.vn

Một trong những con số đáng chú ý trong thống kê kinh tế - xã hội tháng 11 và tính chung 11 tháng của năm 2018 của Tổng cục Thống kê (TCTK - Bộ KH&ĐT) vừa công bố là tỷ lệ số lượng các doanh nghiệp giải thể so với số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng nhanh bất thường.

Ảnh minh họa. Nguồn Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet.

Thêm 10 người mới, mất 7 người cũ

Cụ thể, trong tháng 11, cả nước có 11.637 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký khoảng 118.000 tỉ đồng, giảm 10,5% về số doanh nghiệp và giảm 22% về số vốn đăng ký so với tháng trước. Theo đó, vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp đạt 10,2 tỉ đồng, giảm 13,3%. Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới khoảng 92.000 người, giảm 12%.

Tuy nhiên cũng trong khoảng thời gian này, có 6.353 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động (bao gồm: 1.952 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn và 4.401 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể), 1.554 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể).

Tính chung 11 tháng, cả nước có 121.248 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 1.234.000 tỉ đồng, tăng 4,5% về số lượng và tăng 9,1% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017. Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới 11 tháng năm 2018 là 1.107.000 người, giảm 4,5% so với cùng kỳ năm trước.

Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trong 11 tháng năm 2018 là 83.108 doanh nghiệp, tăng 49,3% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm 25.977 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn và 57.131 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể.

Nếu tính theo tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và đăng ký mới thì con số là 68,5%, có nghĩa là cứ 10 doanh nghiệp thành lập mới thì có 7 doanh nghiệp ngừng hoạt động trong 11 tháng đầu năm 2018.

Cần nhìn lại môi trường kinh doanh

Theo TS. Võ Trí Thành, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) thì con số này là cao bất thường so với những năm trước đây.

Ông Thành cho biết, việc các doanh nghiệp thành lập mới liên tục tăng là một tín hiệu đáng mừng cho nền kinh tế. Điều này cho thấy môi trường kinh doanh đang ngày càng được cải thiện, thủ tục hành chính được giảm bớt. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, giải thể tăng nhanh tại thời điểm này là một hiện tượng đáng lưu ý.

 “Nếu như những năm trước, tỷ lệ doanh nghiệp giải thể/thành lập mới chỉ vào khoảng 40-45%, thì ở năm nay con số này đã ở vào khoảng 70%. Điều này cho thấy còn nhiều vướng mắc, khó khăn, cản trở với doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp mới thành lập”, ông Thành chia sẻ.

Theo thống kê của TCTK, tính theo lĩnh vực hoạt động, có khoảng 10.000 doanh nghiệp trong lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn (chiếm 39,4%), tăng 24% so với cùng kỳ năm trước; 3.800 doanh nghiệp xây dựng (chiếm 14,7%), tăng 24,6%; 3.200 doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 12,3%), tăng 18,8%; 1.500 doanh nghiệp dịch vụ lưu trú và ăn uống (chiếm 5,7%), tăng 28%.

Đối với các doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể, lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy có 20.000 doanh nghiệp (chiếm 35%), tăng 39,8% so với cùng kỳ năm trước; 8.400 doanh nghiệp xây dựng (chiếm 14,7%), tăng 73,6%; 7.100  doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 12,5%), tăng 79%; 3.100 doanh nghiệp dịch vụ lưu trú và ăn uống (chiếm 5,5%), tăng 86,8%.

Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong 11 tháng năm 2018 là 14.861 doanh nghiệp, tăng 37,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, 13.598 doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỉ đồng, chiếm 91,5% và tăng 37,3%. Doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực: bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy có 5.600 doanh nghiệp, tăng 34% so với cùng kỳ năm trước; công nghiệp chế biến, chế tạo có 2.000 doanh nghiệp, tăng 44,6%; xây dựng có 1.700 doanh nghiệp, tăng 48,9%.