1 triệu USD hỗ trợ sáng kiến chăm sóc mắt

PV.

(Tài chính) Nội dung nằm khuôn khổ Chương trình “Ánh sáng là Niềm tin”, do Ngân hàng Standard Chartered và Tổ chức Phòng chống mù lòa quốc tế (IAPB) phối hợp thực hiện trong vòng 5 năm.

Các sáng kiến này sẽ hướng đến giải quyết những thách thức lớn nhất trong dịch vụ chăm sóc mắt. (Ảnh: Standard Chartered).
Các sáng kiến này sẽ hướng đến giải quyết những thách thức lớn nhất trong dịch vụ chăm sóc mắt. (Ảnh: Standard Chartered).

Gói hỗ trợ trên được chia làm hai loại: gói tài trợ 50 nghìn USD nhằm hỗ trợ các sáng kiến ở giai đoạn đầu thử nghiệm và gói tài trợ 200 nghìn USD hỗ trợ các sáng kiến đã trải qua giai đoạn thử nghiệm ban đầu và chuẩn bị được nhân rộng.

Vừa qua, ban tổ chức chương trình đã trao 8 gói tài trợ với tổng giá trị 1 triệu USD cho một số cơ quan tổ chức như: Các tổ chức phi chính phủ (NGO), Bệnh viện thuộc hệ thống chăm sóc sức khỏe công của Anh (NHS Trust), các trường đại học và một doanh nghiệp tư nhân, nhằm mang dịch vụ chăm sóc mắt chất lượng cao đến cho các nước có thu nhập trung bình thấp.

Với 2 triệu USD nữa sẽ được phân bổ trong tương lai, các gói tài trợ tiếp theo sẽ được công bố trong vòng 5 năm tới, cho biết điều này ngài Peter Ackland, Giám đốc của IAPB tin tưởng: Chúng ta đã có được những sáng kiến tuyệt vời, qua đó, mang đến lời giải mới cho các rào cản trên con đường xóa bỏ hoàn toàn các bệnh mù lòa có thể phòng tránh được trên thế giới. Các sáng kiến này sẽ hướng đến giải quyết những thách thức lớn nhất trong dịch vụ chăm sóc mắt. Làm thế nào để đưa dịch vụ khám chữa mắt đến cho hàng triệu người ở khu vực nông thôn? Làm sao để giải quyết các vấn đề đang ngày càng gia tăng, như bệnh tăng nhãn áp và bệnh màng lưới do tiểu đường? Cho phép các cơ quan tổ chức triển khai và thử nghiệm những sáng kiến của họ sẽ giúp chúng ta tìm ra những bước đột phá mới trong dịch vụ chắm sóc mắt.

Được biết, trước đó, tháng 5/2013, chương trình “Ánh sáng là Niềm tin” đã kêu gọi các cơ quan tổ chức từ khắp nơi trên khắp thế giới tham gia nộp hồ sơ nhận tài trợ cho việc phát triển các sáng kiến mới có tác động tích cực lên cách thức triển khai dịch vụ chăm sóc mắt tại các nước có thu nhập trung bình thấp. Trong số 300 hồ sơ từ hơn 50 nước trên thế giới, 8 đơn vị sau đã được lựa chọn:  

Tổ chức CBM UK – xây dựng phương pháp chữa trị bệnh tăng nhãn áp một cách hiệu quả và tiết kiệm chi phí nhất. Gói tài trợ này sẽ cung cấp tài chính cho dự án thử nghiệm chữa trị bệnh tăng nhãn áp bằng tia laze tại châu Phi nhằm kiểm tra hiệu quả lâm sàng và hiệu quả chi phí trong dài hạn của phương pháp chữa trị bệnh tăng nhãn áp bằng laze mới và không gây đau - Thủ thuật điều chỉnh lưới sợi mô liên kết dùng tia laze có chọn lọc (SLT). Với mục tiêu đưa SLT trở thành phương pháp phổ biến chữa trị bệnh tăng nhãn áp tại châu Phi, CBM sẽ đánh giá xem liệu mức chi phí và tỷ lệ thành công của SLT trong dài hạn có khả quan hơn so với các phương pháp hiện tại sử dụng thuốc nhỏ mắt trong thời gian dài.

Công ty Ellex Medical Pty. Ltd – giảm thiểu một nửa chi phí chữa trị các bệnh về mắt bằng tia laze công nghệ cao tại các nước đang phát triển. Gói tài trợ sẽ cung cấp tài chính cho dự án thử nghiệm phát triển tia laze quét bản mẫu chi phí thấp tại các nước đang phát triển, nhằm nâng cao khả năng tiếp cận của bệnh nhân đối với phương pháp chữa trị bệnh màng lưới do tiểu đường bằng laze.

Bệnh viện Gloucestershire Hospitals NHS Foundation Trust – Áp dụng kinh nghiệm thực tiễn trong dịch vụ chăm sóc sức khỏe công vào đào tạo cán bộ y tế về các nguyên nhân chính gây mù lòa. Gói tài trợ sẽ cung cấp tài chính cho mô hình đào tạo trực tuyến đã được chứng minh rất hiệu quả trong đào tạo cán bộ ý tế cách chuẩn đoán và phát hiện chính xác bệnh màng lưới do tiểu đường cho các bệnh nhân ở Anh. Mô hình này sẽ được nhân rộng và thử nghiệm trên phạm vi quốc tế, bước đầu tập trung vào đào tạo cán bộ y tế tại Indonesia, Botswana và Bangladesh.

Trường London School of Hygiene & Tropical Medicine – kỹ năng quản lý cho lớp cán bộ y tế ít được quan tâm chú trọng. Gói tài trợ sẽ cung cấp tài chính cho dự án thử nghiệm và phát triển việc sử dụng cổng thông tin điện tử để đào tạo miễn phí các kỹ năng quản lý và kỹ năng lập kế hoạch cho cán bộ ý tế bậc trung ở các khu vực xa xôi hẻo lánh tại Botswana, Ghana and Kenya. Thay vì tập trung vào đội ngũ cán bộ cấp cao tại khu vực thành thị, dự án này sẽ mang đến cho các cán bộ ý tế bậc trung một cái nhìn rõ ràng hơn về thực tế nhu cầu chăm sóc mắt, qua đó, giúp họ cải thiện đáng kể khả năng và kinh nghiệm quản lý.

Trường London School of Hygiene & Tropical Medicine – thử nghiệm bước tiếp cận mới trong chữa trị bệnh tăng nhãn áp – nguyên nhân thứ 2 gây mù lòa tại châu Phi. Gói tài trợ sẽ được sử dụng để đánh giá hiệu quả chi phí trong sử dụng phương pháp phỏng vấn tạo động lực, một phương pháp điều trị nghiện ma túy, nhằm gia tăng số lượng bệnh nhân tăng nhãn áp tham gia chữa trị. Nhóm nghiên cứu cũng sẽ đánh giá xem liệu chữa trị bằng laze có hiệu quả hơn phương pháp phẫu thuật truyền thống.

Tổ chức Operation Eyesight Universal (Operation Eyesight) – phương thức tiếp cận mới trong kiểm tra mắt học đường tại châu Phi. Gói tài trợ sẽ cung cấp tài chính cho một dự án thử nghiệm, qua đó, Operation Eyesight sẽ đánh giá liệu có thể cải thiện hiệu quả của hoạt động kiểm tra mắt học đường bằng cách sử dụng một loại điện thoại thông minh chuyên biệt có tên gọi “Thiết bị khám mắt di động” (Peek). Dự án thử nghiệm sẽ được tập trung triển khai tại Kenya, và có thể sẽ được nhân rộng ra toàn châu Phi và các khu vực khác.

Tổ chức The Royal Society for the Blind (RSB) – cho các nhà tuyển dụng thấy rằng, với những sự giúp đỡ nhất định, người mù có thể trở thành những nhân viên làm việc hiệu quả tại Đông Nam Á. Gói tài trợ sẽ cung cấp tài chính cho một dự án thử nghiệm nhằm đánh giá xem liệu cung cấp cho nhà tuyển dụng các thiết bị chuyên dụng, như các dụng cụ sử dụng hệ thống chữ nổi Braille, có thể giúp gia tăng tỷ lệ tuyển dụng người mù và người khiếm thị tại khu vực Đông Nam Á.

Trường Wake Forest University Health Sciences – thu hẹp khoảng cách giữa lý thuyết và thực tế trong phẫu thuật để chữa trị bệnh đau mắt hột gây mù lòa tại châu Phi. Gói tài trợ sẽ cung cấp tài chính cho dự án nhằm thu hẹp khoảng cách giữa các kiến thức được đào tạo trên lớp và cuộc phẫu thuật trên thực tế cho các y bác sỹ chữa trị bệnh Lông quặm – chứng bệnh gây đau đớn và mù lòa cho những người bị đau mắt hột. Dự án này sẽ kiểm tra xem liệu có thể sử dụng các phương pháp đặc biệt mô phỏng thực tế để nâng cao tỷ lệ thành công trong chữa trị bệnh Lông quặm - tỷ lệ này trước đây vốn rất thấp.

Richard Medding, Chủ tịch Chương trình “Ánh sáng là Niềm tin” cho biết: “Khi chúng tôi công bố sẽ tài trợ việc tìm kiếm các giải pháp mới, mang tính đột phá trong dịch vụ chăm sóc mắt tại các nước có thu nhập trung bình thấp, thì đây chính là những sáng kiến mà chúng tôi cần. Những sáng kiến này hứa hẹn sẽ có tác động đáng kể lên cách mà chúng ta chữa trị các bệnh về mắt, cũng như hỗ trợ dịch vụ chăm sóc mắt. Nếu được thử nghiệm và triển khai thành công, chúng sẽ được nhân rộng sang các bệnh viện và địa phương khác tại châu Phi, châu Á và các khu vực khác trên thế giới.”