Áp dụng mô hình nhóm huấn luyện, góp phần cải tiến dây chuyển sản xuất thức uống dinh dưỡng

PV.

Thời gian qua, Công ty Cổ phần Thực phẩm và Đồ uống Quốc tế đẩy mạnh áp mô hình Nhóm huấn luyện, bước đầu đã đạt những kết quả khả quan, góp phần góp phần cải tiến dây chuyển sản xuất thức uống dinh dưỡng tại Công ty Cổ phần Thực phẩm và Đồ uống Quốc tế.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Công ty Cổ phần Thực phẩm và Đồ uống Quốc tế (INTERBOS) là doanh nghiệp chuyên sản xuất các chế phẩm từ sữa, đây là lĩnh vực phải đối mặt với nhiều sự cố trong sản xuất gây ảnh hưởng tới mục tiêu về sản lượng như: Hao phí bán thành phẩm cao, tỷ lệ hàng hư hỏng cao, hiệu suất thiết bị ở mức thấp và đặc biệt là chất lượng sản phẩm không đồng đều.

Nắm bắt những lợi thế từ mô hình nhóm huấn luyện (TWI) thuộc Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”, INTERBOS mong muốn nâng cao khả năng làm việc cũng như tư duy, phương pháp cho đội ngũ nhân sự quản lý cấp trung để từ đó góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nhân sự, giảm tỉ lệ hao phí sản xuất cũng như giảm sự cố sản xuất.

Nhằm phát huy những lợi thế như: Đội ngũ nhân sự trẻ, khả năng học hỏi nhanh; hệ thống thiết bị hiện đại...  INTERBOS đã lựa chọn đào tạo và áp dụng 3 kỹ năng của TWI là kỹ năng quan hệ công việc, kỹ năng chỉ dẫn việc và kỹ năng cải tiến đối với các cấp quản lý: Trưởng bộ phận, tổ trưởng, nhóm trưởng, trưởng ca để nâng cao chất lượng, năng suất công việc. Với những nỗ lực áp dụng TWI trong thời gian qua đã mang lại những kết quả bước đầu cho INTERBOS như:

Về kỹ năng quan hệ công việc: có hơn 15 vấn đề về quan hệ công việc đã được giải quyết và các vấn đề phát sinh cũng được xem xét và giải quyết theo chỉ dẫn của phương pháp đưa ra.

Về kỹ năng chỉ dẫn việc: nhân viên tham gia đã được thực hành khá nhuần nhuyễn để nắm bắt về phương pháp chỉ dẫn việc. Sau khi tham gia, lớp học đã hoạch định việc xây dựng khoảng 120 bảng phân tích công việc (PTCV), tuy nhiên tới thời điểm hiện tại, mới có khoảng 30 bảng PTCV được thực hiện. Các bảng PTCV còn lại sẽ được viết trong thời gian tiếp theo.

Về kỹ năng cải tiến: Cải tiến dây chuyển sản xuất thức uống dinh dưỡng với mục đích sản phẩm chất lượng đồng đều và giảm nhân sự. Tuy còn nhiều điểm đưa ra chưa thực hiện cải tiến được nhưng về cơ bản đã giảm được 3 nhân sự trên dây chuyền khi phân chia lại mặt bằng khu vực “Lồng lốc” (từ 13 người xuống 10 người), hoàn thiện bảng tổng hợp các lỗi trên chuyền để đào tạo kiểm soát hình dạng chai trên chuyền; Sử dụng các phiếu chế biến nhập trên máy rồi in, thay thế các phiếu viết tay- giảm thời gian tính toán cho người nhập nguyên vật liệu, tăng khả năng chính xác của phiếu...