Công nghệ thông tin - Chìa khóa cải cách hành chính của ngành BHXH

PV.

Cắt giảm hàng trăm thủ tục hành chính, giảm đáng kể thời gian chờ đợi của người dân… là những thành tựu nổi bật trong triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý và phân tích dữ liệu của ngành Bảo hiểm Xã hội thời gian qua.

Công nghệ thông tin là công cụ hữu hiệu quản lý an toàn quỹ bảo hiểm.
Công nghệ thông tin là công cụ hữu hiệu quản lý an toàn quỹ bảo hiểm.

Tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân

Ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) đã ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào hầu hết các hoạt động nghiệp vụ quản lý như: Giao dịch điện tử trong công tác thu BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), cấp sổ BHXH, thẻ BHYT; giám định điện tử chi phí khám chữa bệnh (KCB) BHYT thông qua hệ thống thông tin giám định BHYT; số hóa hồ sơ lưu trữ; các phần mềm phục vụ công tác tài chính - kế toán, quản lý văn bản… Hạ tầng kỹ thuật, thiết bị CNTT đã được trang bị đầy đủ và đang vận hành hiệu quả.

Từ năm 2015, BHXH Việt Nam đã đẩy mạnh việc tiếp nhận hồ sơ và giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) theo cơ chế một cửa, triển khai giao dịch điện tử trên phạm vi toàn quốc đối với việc đăng ký, thu nộp BHXH.

Để thực hiện có hiệu quả công tác này, BHXH Việt Nam đã thành lập Tổ cán bộ chuyên trách, rà soát tổng thể 115 TTHC của Ngành. Nhờ đó, trong vòng một năm, số TTHC đã giảm từ 115 xuống còn 33, giúp giảm 56% số lượng hồ sơ, 82% chỉ tiêu trên tờ khai, mẫu biểu; giảm 78% quy trình, thao tác thực hiện. Đồng thời, BHXH Việt Nam đã quy định nhiều hình thức tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả để doanh nghiệp lựa chọn như giao dịch điện tử, giao dịch qua dịch vụ bưu chính…

Năm 2016, BHXH Việt Nam tiếp tục cắt giảm thêm 1 TTHC; giảm 38% số lượng hồ sơ; giảm 42% chỉ tiêu trên tờ khai, mẫu biểu; giảm 54% quy trình, thao tác thực hiện. Đến năm 2017, BHXH tiếp tục cắt giảm thêm 4 thủ tục. Thời gian hoàn thành việc kê khai tham gia BHXH bắt buộc đối với doanh nghiệp cũng giảm còn 45 giờ.

BHXH Việt Nam đưa ra quy trình triển khai thực hiện Nghị định 166/2016/NĐ-CP ngày 24/12/2016 của Chính phủ quy định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN. Theo đó, các đơn vị lựa chọn hình thức giám định điện tử sẽ không phải mất thời gian đi lại, chờ đợi nộp hồ sơ đăng ký tham gia trực tiếp tại cơ quan BHXH.

Theo BHXH Việt Nam, nhờ việc ứng dụng mạnh mẽ CNTT trong các hoạt động nghiệp vụ của Ngành, đến nay, cơ quan BHXH đã triển khai ứng dụng đồng bộ nhiều hệ thống phần mềm quan trọng.

Cụ thể, Ngành đã triển khai bộ công cụ tập trung dữ liệu tại trung ương để quản lý các nghiệp vụ quan trọng như thu, sổ - thẻ; xây dựng hệ thống trao đổi và tích hợp thông tin thống nhất; xây dựng, hoàn thiện Cổng Thông tin điện tử của Ngành.

Để xây dựng hệ thống cấp số định danh và quản lý BHYT hộ gia đình, BHXH Việt Nam tiếp tục đầu tư đồng bộ hạ tầng, phần mềm và cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm.

Nâng cao hiệu quả quản lý Quỹ BHYT

Từ tháng 3/2016, BHXH Việt Nam đã triển khai đồng bộ việc kết nối với các cơ sở KCB từ tuyến xã, Trung ương đến Hệ thống Thông tin giám định BHYT. Sau khi hoàn thành kết nối, ngành BHXH tiếp tục phối hợp với ngành Y tế chuẩn hóa danh mục sử dụng trên 12.000 cơ sở y tế, đồng bộ dữ liệu lên Hệ thống và thử nghiệm giám định, thanh toán BHYT điện tử; triển khai đào tạo cho trên 2.000 giám định viên và hàng trăm nhân viên các cơ sở y tế.

Sau hơn 1 năm triển khai Hệ thống Thông tin giám định BHYT, đến nay, Hệ thống này đã tiếp nhận và giám định trên 120 triệu hồ sơ điện tử với gần 70.000 tỷ đồng đề nghị thanh toán BHYT; trên toàn quốc tính đến tháng 9/2017 là 12.108 cơ sở kết nối với cơ quan BHXH, tỷ lệ liên thông dữ liệu đạt 95,3% kế hoạch.

Thông qua Hệ thống giám định tự động, BHXH Việt Nam đã phát hiện 17,9 triệu hồ sơ sai sót, trong đó từ chối thanh toán trên 400 tỷ đồng, yêu cầu cơ sở KCB chuẩn hóa lại dữ liệu sai danh mục Bộ Y tế quy định gần 3.000 tỷ đồng. Hệ thống cũng đã ghi nhận kết quả giám định chủ động của BHXH các tỉnh, thành phố 6 tháng đầu năm 2017, phát hiện số tiền thanh toán sai quy định trên 115 tỷ đồng.

Để khắc phục tình trạng sai sót trong thanh toán BHYT, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH 63 tỉnh, thành phố kịp thời kiểm tra, chấn chỉnh các đơn vị cơ sở KCB có dấu hiệu chỉ định quá mức cần thiết, thu dung người bệnh, kéo dài ngày điều trị, thanh toán chưa đúng quy định. Khi phát hiện các đơn vị có dấu hiệu chỉ định quá mức, kéo dài ngày điều trị với người bệnh cần thông báo sớm tới cơ quan BHXH để có biện pháp ngăn chặn kịp thời.

Thông qua Hệ thống giám định tự động, BHXH Việt Nam đã phát hiện 17,9 triệu hồ sơ sai sót, từ chối thanh toán trên 400 tỷ đồng, yêu cầu cơ sở khám chữa bệnh sai danh mục Bộ Y tế quy định với gần 3.000 tỷ đồng. Hệ thống cũng đã ghi nhận kết quả giám định chủ động của BHXH các tỉnh, thành phố 6 tháng đầu năm 2017 với số tiền thanh toán sai quy định trên 115 tỷ đồng.