Năng lực tài chính của Agribank ngày càng vững chắc

Ngọc Quyết

(Tài chính) Năm 2013, thực hiện Nghị quyết 02 của Chính phủ, chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, Agribank tiếp tục mở rộng và nâng cao chất lượng tín dụng ở khu vực nông nghiệp, nông thôn. Theo đó, Agribank đang cố gắng tích cực huy động vốn ở tất cả các kênh trong và ngoài nước để có nguồn vốn đáp ứng nhu cầu tăng trưởng tín dụng đối với khu vực nông nghiệp, nông thôn ở mức trên 12%.

Agribank tiếp tục mở rộng và nâng cao chất lượng tín dụng
Agribank tiếp tục mở rộng và nâng cao chất lượng tín dụng

“Tình hình thanh khoản tốt, ổn định, đảm bảo các tỷ lệ an toàn hoạt động theo quy định của NHNN, năng lực tài chính của Agribank ngày càng vững chắc, nợ xấu ở mức thấp, dự kiến đến năm 2013-2014 nợ xấu của Agribank sẽ về dưới mức 3%. Hiện thanh khoản của Agribank luôn luôn đảm bảo an toàn thanh toán, dự trữ thanh toán bao giờ cũng trong mức 70.000 tỷ đồng”, ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch HĐTV Agribank cho biết tại cuộc gặp giới truyền thông mới đây.

Tình hình thanh khoản tốt, ổn định

Theo ông Nguyễn Ngọc Bảo, xét về hệ số an toàn vốn thì trước năm 2011, chỉ số này của Agribank luôn ở mức dưới 7% nhưng từ nửa cuối 2011 và cả 2012, chỉ số này luôn trên 9%; tỷ lệ an toàn chi trả theo quy định là 15% nhưng nay là 16%; tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn trước là 30% nhưng nay chỉ dưới 24%.

Đặc biệt, nợ xấu trước đây luôn trên 6% thì nay chỉ còn 5,6%. Và nếu như sử dụng toàn bộ dự phòng rủi ro mà ngân hàng đã trích lập để xử lý nợ xấu thì nợ xấu thấp hơn rất nhiều so với con số nói trên. Dự kiến đến 2014, tỷ lệ nợ xấu của Agribank sẽ dưới 3%, vượt mục tiêu mà Thống đốc đặt ra cho Agribank.

Bên cạnh đó, trong cơ cấu tiền gửi nếu như trước đây tiền gửi dân cư và DNNVV chỉ chiếm 50%, thì hiện tại, tỷ lệ này là 70%. Nhờ đó, thanh khoản của Agribank trong hai năm qua rất tốt. Từ chỗ là ngân hàng thường xuyên phải vay tái cấp vốn từ NHNN vào dịp Tết Nguyên đán thì trong 2012, ngân hàng này là đơn vị cung cấp vốn trên thị trường liên ngân hàng. Hiện tại, số dư để đảm bảo cho dự trữ thanh khoản luôn ở mức 70 nghìn tỷ đồng.

Trong những ngày qua, tình hình huy động vẫn tăng cao hơn tín dụng, mặc dù theo quy luật, thời điểm giáp Tết thường huy động rất khó. Cụ thể tính bình quân, mỗi ngày tiền gửi vẫn tăng 100 tỷ đồng so với các thời điểm khác trong năm.

Một điểm tích cực nữa là đối với cho vay, tất cả các dự án có quy mô trên 200 tỷ đồng đều được xem xét rất cẩn trọng. Giải thích cách làm này, ông Bảo nói: “Nhiệm vụ của Agribank là cho vay tam nông nên chúng tôi dồn vốn cho khu vực này. Trước đây cho vay hộ gia đình, DNNVV chỉ chiếm 50% dư nợ tín dụng thì nay đã nhích lên trên 52% và thời gian tới sẽ nâng tỷ trọng cho vay khu vực này hơn nữa”.

Ngoài ra, các khoản vay liên quan đến bất động sản đều có tài sản bảo đảm; được phân loại, trích lập dự phòng rủi ro đúng và đủ.

Thiết lập lại kỷ cương kinh doanh

Để tránh được những rủi ro tại một ngân hàng có hệ thống mạng lưới “khủng” như Agribank thì phải đi từ 4 yếu tố mà đầu tiên là bài học về quản lý con người. Theo đó, khi tuyển dụng đầu vào, phải chọn ứng viên có chất lượng, có “nghề” ngân hàng và theo vị trí công việc cụ thể. Khi tuyển xong, phải đào tạo lại nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp.

Hai là, áp dụng cơ chế khoán công việc, khoán tài chính cho người lao động đong đo năng lực của họ.

Ba là, một yếu tố không thể coi nhẹ, đó là thiết lập hệ thống, cơ chế kiểm soát, giám sát. Hiện tại, Agribank đã thực hiện cơ chế giám sát online hàng ngày qua hệ thống core banking và trách nhiệm này được giao cho bộ phận kiểm soát, giám sát. Theo phân cấp, tất cả các chi nhánh đều có phòng kiểm tra, kiểm soát nội bộ. Với hệ thống core banking  online nói trên, nếu xuất hiện rủi ro, hệ thống luôn cập nhật kịp thời các cảnh báo.

Bốn là, để kiểm soát rủi ro có thể phát sinh từ các chi nhánh, Agribank thực hiện cơ chế phân quyền và áp quyền năng chi nhánh theo hướng chặt chẽ và thận trọng. Các giám đốc chi nhánh chỉ cho phép thực hiện một số quyền năng và ở một mức nhất định nào đó. Chẳng hạn, nếu chi nhánh nào có tỷ lệ nợ xấu trên 3%, thu nhập thấp hơn kế hoạch, lập tức lãnh đạo ngân hàng sẽ “tuýt còi” và giảm ngay quyền của giám đốc chi nhánh đó. Thậm chí, nếu để tiêu cực xảy ra, chi nhánh cũng bị thu quyền, đánh tụt hạng xếp loại.

Tuy nhiên, hiện đã xuất hiện tình trạng ở một số NHTM, đặc biệt là NHTM Nhà nước, nhiều cán bộ tín dụng lo ngại rủi ro và liên đới đến pháp luật đã siết chặt lại điều kiện tiếp cận tín dụng, khiến nhiều DN rất khó tiếp cận vốn hơn. Liên quan đến vấn đề này, ông Bảo khẳng định: tại Agribank chưa có biểu hiện này và nếu có, cũng không phổ biến. Bởi lẽ, Agribank đã đảo chiều tín dụng từ thành phố tập trung nhiều hơn cho nông thôn. Mà ở nông thôn thì các món vay nhỏ lẻ là chủ yếu.

Trong cơ cấu món vay đó, tỷ trọng vốn vay ngân hàng chiếm không lớn vì đất đai, tư liệu sản xuất là của nông dân và DNNVV. Vốn lưu động chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ so với tổng mức vốn phương án sản xuất (30%) và lại được phân tán ra nhiều món nên rủi ro được phân tán theo. Tất cả các khoản vay có giá trị trên 200 tỷ đồng đều bị “soi” rất kỹ và tập thể chịu trách nhiệm quyết định, không tập trung quyền vào một cá nhân nào nên rủi ro là rất thấp.

Mở rộng và nâng cao chất lượng tín dụng “tam nông”

Năm 2013, thực hiện Nghị quyết 02 của Chính phủ, chỉ đạo của NHNN Việt Nam, Agribank tiếp tục mở rộng và nâng cao chất lượng tín dụng ở khu vực nông nghiệp, nông thôn. Theo đó Agribank đang cố gắng tích cực huy động vốn ở tất cả các kênh trong và ngoài nước để có nguồn vốn đáp ứng nhu cầu tăng trưởng tín dụng đối với khu vực nông nghiệp, nông thôn ở mức trên 12%.

Còn ở những địa bàn có nhiều tiềm năng tăng khoảng 15%, tỷ trọng cho vay nông nghiệp nông thôn sẽ đẩy lên trên 70% tổng dư nợ cho vay. Các đối tượng mở rộng cho vay như: kinh tế hộ, các đối tượng theo Nghị định 41 của Chính phủ, đặc biệt chú ý đến các DN sản xuất hàng xuất khẩu, DNNVV, DN công nghiệp hỗ trợ theo Nghị quyết 02 của Chính phủ, các DN ­công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.

Bài học kinh nghiệm lớn cho sự thành công và phát triển của Agribank là Agribank đồng hành với sản xuất nông nghiệp và hộ nông dân; chiến lược phát triển lấy hoạt động kinh doanh ở khu vực nông nghiệp và nông thôn là chính, coi trọng thị trường đô thị để quảng bá thương hiệu, phát triển dịch vụ và tiếp cận khách hàng lớn.