Tuyên Quang chú trọng nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa

Khánh Chi

Thực hiện Quyết định số 712/QĐ-TTg ngày 21/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”, thời gian qua, tỉnh Tuyên Quang đã tích cực, chủ động chỉ đạo các cấp, ngành trên địa bàn triển khai các hoạt động phục vụ nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa và đạt nhiều kết quả khả quan.

Tuyên Quang tổ chức các lớp tập huấn về áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN IS0 9001:2008
Tuyên Quang tổ chức các lớp tập huấn về áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN IS0 9001:2008

Theo đó, Sở Khoa học và Công nghệ, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng và các sở, ngành trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã tích cực tổ chức, triển khai các hoạt động phục vụ nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Điển hình như: Tổ chức các lớp tập huấn về áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN IS0 9001:2008 (gồm: 01 lớp tập huấn cho 57 cán bộ thuộc các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh; 07 lớp tập huấn tại 07 UBND xã, phường, thị trấn thuộc 07 UBND huyện, thành phố; 01 lớp tập huấn tại UBND huyện Lâm Bình); tổ chức Hội nghị phổ biến quy định về nhãn hàng hóa, tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng sản phẩm, hàng hoá cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang; tổ chức 02 Hội nghị “Nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ và hoạt động sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn đo lường chất lượng trong các doanh nghiệp.

Về hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đổi mới công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng và các sở, ngành trên địa bàn Tỉnh đã nghiên cứu, cùng với các ngành tham mưu, đề xuất HĐND tỉnh Tuyên Quang ban hành Nghị quyết số 31/2013/NQ-HĐND ngày 12/12/2013 về cơ chế chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp, doanh nhân đầu tư nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đổi mới công nghệ, xác lập quyền sở hữu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.

Cùng với đó, tham mưu, đề xuất UBND tỉnh Tuyên Quang ban hành Quyết định số 439/QĐ-UBND ngày 26/12/2016 về Chương trình ứng dụng khoa học và đổi mới công nghệ nâng cao năng suất, chất lượng, phát triển thương hiệu các sản phẩm chủ lực và đặc sản trên địa bàn Tỉnh giai đoạn 2016-2020.

Đặc biệt, tỉnh Tuyên Quang cũng thường xuyên hướng dẫn các doanh nghiệp đề xuất các nhu cầu cần hỗ trợ theo Nghị quyết số 31/2013/NQ-HĐND ngày 12/12/2013 của HĐND tỉnh Tuyên Quang về cơ chế chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp, doanh nhân đầu tư nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đổi mới công nghệ, xác lập quyền sở hữu công nghiệp trên địa bàn Tỉnh.

UBND tỉnh Tuyên Quang cũng phê duyệt hỗ trợ kinh phí cho 15 tổ chức, cá nhân, để thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ sản xuất, xây dựng áp dụng hệ thống quản lý chất lượng và đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp; hướng dẫn, quản lý công bố tiêu chuẩn áp dụng, công bố hợp quy đối với 166 sản phẩm hàng hóa của 46 doanh nghiệp (trong đó 48 sản phẩm công bố hợp chuẩn, 115 sản phẩm công bố tiêu chuẩn cơ sở, 03 sản phẩm công bố hợp quy).

Sở Khoa học và Công nghệ, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng và các sở, ngành trên địa bàn Tỉnh hướng dẫn 02 doanh nghiệp lập hồ sơ tham dự Giải thưởng chất lượng quốc gia (Công ty Cổ phần Mía đường Sơn Dương tham dự năm 2012 và Công ty Cổ phần xi măng Tân Quang tham dự năm 2017); đề xuất thành lập Hội đồng sơ tuyển Giải thưởng chất lượng Quốc gia; tổ chức đánh giá Hồ sơ tham dự. Kết quả 02 doanh nghiệp đạt giải Bạc chất lượng quốc gia... Ngoài ra, tỉnh Tuyên Quang đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ thuộc chương trình ứng dụng khoa học và đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất chất lượng, phát triển thương hiệu các sản phẩm chủ lực và đặc sản.

Nhờ đó, các doanh nghiệp trên địa bàn Tỉnh đã đẩy mạnh ứng dụng các kết quả nghiên cứu, lựa chọn giống mía tốt, cơ cấu giống phù hợp, đáp ứng yêu cầu về năng suất, chất lượng, rải vụ để phát triển vùng sản xuất nguyên liệu mía trên địa bàn Tỉnh; ứng dụng công nghệ sinh học nhân giống mía bằng phương pháp nuôi cấy mô để xây dựng bộ giống mía năng suất, rải vụ thu hoạch, phù hợp với điều kiện lập địa từng vùng sản xuất; xây dựng, bảo vệ và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm chủ lực và đặc sản của tỉnh (Cam sành Hàm Yên, các sản phẩm chè đặc sản: Chè Khau Mút-Thổ Bình, Chè Shan Tuyết- Sinh Long..., Rượu ngô Na Hang, rượu thóc  Lâm Bình, nước khoáng thiên nhiên Mỹ Lâm, vịt bầu Minh Hương, trâu ngố Chiêm Hóa, bưởi Xuân Vân, hồng Xuân Vân.