113 dự án thoát khỏi tình trạng "thừa điện mà thiếu đường dây"

Theo Văn Phúc/sggp.org.vn

Số lượng dự án điện mặt trời, điện gió tăng lên nhanh chóng thời gian gần đây nhưng lại vướng phải tình trạng thừa điện mà thiếu đường dây truyền tải. Tuy nhiên, hôm nay 4-9, EVN thông báo đã giải tỏa công suất cho 113 dự án điện này.

Các dự án điện mặt trời phát triển nhanh ở Việt Nam nhưng gặp khó khăn về giải tỏa công suất, thiếu đường dây truyền tải.
Các dự án điện mặt trời phát triển nhanh ở Việt Nam nhưng gặp khó khăn về giải tỏa công suất, thiếu đường dây truyền tải.

Ngày 4/9, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có thông cáo về việc đã đưa vào vận hành 21 công trình lưới điện từ 110kV đến 500kV, với tổng chiều dài đường dây trên 750km và các trạm biến áp có tổng dung lượng 5.025MVA để giải tỏa công suất cho 113 dự án điện mặt trời và điện gió (có tổng công suất trên 5.700MW) vốn lâu nay bị “mắc kẹt” do tình trạng “dư điện mà thiếu đường dây”.

Theo EVN, sau khi Thủ tướng ban hành cơ chế khuyến khích phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo, nhiều nhà đầu tư đã tích cực tham gia nghiên cứu và đề xuất đầu tư các dự án nguồn điện năng lượng tái tạo.

Tính đến cuối tháng 8/2020, tổng công suất các nguồn điện gió và điện mặt trời đã được phê duyệt bổ sung quy hoạch gần 23.000MW (trong đó, điện mặt trời khoảng 11.200MW; điện gió khoảng 11.800MW).

Để hỗ trợ, tạo điều kiện cho các chủ đầu tư điện mặt trời hòa lưới, kịp thời hưởng cơ chế ưu đãi của Chính phủ, EVN đã chỉ đạo các đơn vị thành viên tăng cường tối đa nhân lực, kể cả làm thêm ngoài giờ và các ngày nghỉ lễ, cuối tuần để kịp thời hỗ trợ tối đa cho các chủ đầu tư triển khai công tác đấu nối lưới điện, kết nối hệ thống, thử nghiệm tấm pin năng lượng...

Nhờ vậy, đến nay, trên cả nước đã đưa vào vận hành được thêm 102 dự án điện mặt trời với tổng công suất 6.314MWp (tương đương 5.245MWac).

Tuy nhiên, theo EVN báo cáo, do các nguồn điện năng lượng tái tạo được đưa vào vận hành đồng loạt trong một thời gian rất ngắn, tập trung với mật độ lớn tại các tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận, nên xuất hiện tình trạng quá tải cục bộ lưới điện vào thời điểm các dự án điện mặt trời phát công suất cao đồng thời.

Để khắc phục tình trạng quá tải lưới điện tại khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận, EVN cùng các đơn vị thành viên đã và đang tập trung mọi nguồn lực, thực hiện đồng bộ các giải pháp trong đầu tư xây dựng để đẩy nhanh tiến độ các công trình lưới điện phục vụ giải tỏa công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo.

Thời gian qua, các đơn vị của EVN đã đưa vào vận hành được 21 công trình lưới điện từ 110kV đến 500kV phục vụ giải tỏa các nguồn điện năng lượng tái tạo với tổng chiều dài đường dây trên 750km và các trạm biến áp tổng dung lượng 5.025MVA.

Trong đó đã hoàn thành vượt tiến độ một số công trình trọng điểm, như: nâng công suất các trạm 500kV Vĩnh Tân, Di Linh; nâng công suất các trạm 220kV Tháp Chàm, Hàm Tân; hoàn thành đưa vào vận hành các trạm 220kV mới như Ninh Phước, Phan Rí; đầu tư mới và cải tạo nâng cấp các tuyến đường dây 110kV trong khu vực...

Nhờ vậy, đến nay hạ tầng lưới điện truyền tải đã cơ bản đáp ứng giải tỏa hết công suất của tổng cộng 113 dự án điện mặt trời và điện gió đã đưa vào vận hành với tổng công suất trên 5.700MW (bao gồm cả các dự án vận hành trước ngày 30/6/2019 và các dự án mới được đưa vào vận hành trong năm 2020).