5 nhóm giải pháp chống suy giảm kinh tế của Chính phủ

Theo Chinhphu.vn

Đánh giá những tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới đối với kinh tế nước ta, chủ trì phiên họp Thường trực Chính phủ ngày 27/11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp tập trung mọi nỗ lực, mọi biện pháp ngăn chặn suy giảm kinh tế; hỗ trợ sản xuất kinh doanh, duy trì mức tăng trưởng hợp lý.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận định, từ đầu năm đến nay, dưới sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, sự nỗ lực của các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp, chúng ta đã thực hiện được mục tiêu: Kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, duy trì đà tăng trưởng hợp lý.

Tuy nhiên, trước tình hình mới, cuộc khủng hoảng tài chính thế giới đang tiếp tục diễn biến phức tạp, và lan rộng. 3 trung tâm kinh tế lớn là Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản đã lâm vào suy thoái có tác động lớn đến nền kinh tế nước ta như: Sản xuất công nghiệp giảm, xuất khẩu, du lịch, vận chuyển, vận tải, sức mua giảm. Bên cạnh đó, thiên tai, lũ lụt liên tiếp gây khó khăn tổn thất rất nhiều trên khắp mọi miền của đất nước. “Trên nhiều lĩnh vực kinh tế đang trong chiều hướng suy giảm, chưa có dấu hiệu dừng lại, làm đình trệ sản xuất”, Thủ tướng lưu ý.

Tình hình nào, nhiệm vụ đó”, Thủ tướng nhấn mạnh đến sự linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành. Mà trước hết các Bộ, ngành, địa phương, nhân dân, doanh nghiệp tập trung mọi nỗ lực, mọi biện pháp để ngăn chặn suy giảm kinh tế; ngăn chặn đình trệ sản xuất kinh doanh, duy trì được mức tăng trưởng hợp lý.

Thủ tướng phân tích và nhấn mạnh gói giải pháp đồng bộ gồm 5 điểm chính để ngăn chặn suy giảm kinh tế, bao gồm:

Nhóm giải pháp thứ nhất: Thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu. Tập trung giải quyết dứt điểm những thủ tục còn phiền hà, giảm đến mức thấp nhất thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. Đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng, nhất là các mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch lớn, có khả năng tăng trưởng cao.

Nhóm giải pháp thứ hai: Kích cầu đầu tư và tiêu dùng. Thực hiện các biện pháp thúc đẩy đầu tư xây dựng nhà giá rẻ cho người thu nhập thấp, các đối tượng chính sách, nhà ở cho người lao động ở các khu kinh tế, khu công nghiệp tập trung, nhà ở cho học sinh, sinh viên.

Nhóm giải pháp thứ ba: Chính sách tài chính, tiền tệ phải hết sức linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp và nhân dân sản xuất, kinh doanh, nâng cao đời sống.

Nhóm giải pháp thứ tư: Đảm bảo an sinh xã hội, tăng cường chăm lo cho đồng bào nghèo, đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng thiên tai, lũ lụt không để bị thiếu đói.

Nhóm giải pháp thứ năm: Tổ chức, chỉ đạo điều hành năng động, quyết liệt. Trong đó chú trọng rà soát lại các loại thủ tục, nhất là thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản; tiếp cận vốn; nộp thuế, hoàn thuế...

Chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền để nhân dân không chỉ thấy những thành quả đất nước đã đạt được mà cả những khó khăn thách thức, từ đó cùng nhau chung sức chung lòng, quyết tâm vượt qua mọi trở ngại.

Thủ tướng đã có chỉ đạo cụ thể, yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho các doanh nghiệp vay không lãi suất để thu mua 1 triệu tấn lúa hàng hóa còn tồn trong nhân dân; chú trọng bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển sản xuất.