Asia Times: Việt Nam là trường hợp ngoại lệ trong đại dịch Covid-19

Theo Vũ Trọng/thoibaokinhdoanh.vn

Tờ Asia Times nhận định, tương tự như các nước láng giềng, nền kinh tế Việt Nam cũng bị tác động tiêu cực sau thời gian dài ứng phó với đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, Việt Nam được đánh giá là một ngoại lệ với mức tăng trưởng ấn tượng, nhờ các biện pháp chống dịch nhanh chóng và hiệu quả.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Do vậy, nền kinh tế Việt Nam được kỳ vọng sẽ sớm chứng kiến những tín hiệu tích cực sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát. Đây là một điều gần như không thể đối với không ít quốc gia đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi virus.

Asia Times nhấn mạnh, số liệu là minh chứng cụ thể cho những điều này. GDP của Việt Nam trong quý II/2020 đạt gần 0,4%.  Mặc dù đây là con số thấp nhất trong 35 năm qua, nhưng vẫn cao hơn nhiều so với các nước láng giềng. Đáng chú ý, nhiều quốc gia trong khu vực cũng đã ghi nhận mức tăng trưởng âm.

Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể đạt 2,8% trong năm 2020, phục hồi ở mức 6,7% vào năm 2021. Trong khi đó, tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế S&P Global Ratings khẳng định, Việt Nam sẽ là quốc gia có phát triển cao thứ hai trong số các nền kinh tế tại châu Á trong năm nay.

Asia Times: Việt Nam là trường hợp ngoại lệ trong đại dịch Covid-19 (Ảnh minh họa/Internet)
Asia Times: Việt Nam là trường hợp ngoại lệ trong đại dịch Covid-19 (Ảnh minh họa/Internet)
 

Những con số này cho thấy Việt Nam đã sẵn sàng phục hồi sau cuộc khủng hoảng Covid-19. Theo đó, Việt Nam sẽ một lần nữa trở thành một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới.

Ngoài ra, nhờ vào các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, Việt Nam đang dần trở thành một trong những điểm đến thu hút đầu tư nước ngoài. Theo nghiên cứu do Deep Knowledge Group của Hong Kong (Trung Quốc) thực hiện, Việt Nam là địa điểm an toàn thứ 9 tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong giai đoạn đại dịch bùng phát.

Mới đây, Việt Nam đã nối lại các chuyến bay quốc tế và dỡ bỏ phong tỏa tại các điểm nóng dịch bệnh trước đây. Điều này có thể gây lo ngại về nguy cơ lây nhiễm trước làn sóng Covid-19 tiếp theo, song Chính phủ Việt Nam đã nhận thức rõ nguy cơ này và tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình.

Asia Times cho biết, nhờ vào những kinh nghiệm trong việc ứng phó với dịch bệnh cũng như chuẩn bị kỹ lưỡng, Việt Nam đã đạt được sự cân bằng hợp lý giữa việc đảm bảo sức khỏe cộng đồng và tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, Việt Nam sẽ là một trong số ít những điểm sáng của bức tranh kinh tế ảm đạm toàn cầu.