Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi):

Ba điểm nhấn được cộng đồng doanh nghiệp đặc biệt quan tâm


Luật Quản lý thuế hiện hành có hiệu lực từ 01/07/2017. Từ thời điểm ban hành Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 của Quốc hội vào năm 2006, Luật này đã được sửa đổi bổ sung ba lần vào các năm 2012, 2014 và 2016, đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu khi ban hành.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Sửa đổi Luật đáp ứng được yêu cầu cải cách thuế

Qua hơn 10 năm triển khai thực hiện, cùng với sự tiến bộ của khoa học công nghệ, sự phát triển mạnh mẽ của doanh nghiệp, những tác động mới của cuộc cạc mạng công nghiệp 4.0, Luật Quản lý thuế hiện hành đã bộc lộ những khiếm khuyết, những nội dung và khoảng trống cần phải chỉnh sửa, bổ sung.

Dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi đang được lấy ý kiến đóng góp của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, các cơ sở nghiên cứu, các chuyên gia, sau 6 lần chỉnh sửa đã trình Quốc hội xem xét cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 diễn ra vào tháng 10/2018 và dự kiến thông qua tại kỳ họp tháng 5/2019.

Dự thảo Luật Quản lý thuế lần này có nhiều sửa đổi, bổ sung, quy định mới, hiện đại hóa công tác quản lý thuế nhằm đáp ứng được yêu cầu cải cách thuế, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế, cũng như cơ quan quản lý thuế, tạo hành lang thông thoáng, minh bạch và công bằng, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

Dự thảo luật đã bổ sung nhiều quy định mới nhằm tạo thuận lợi cho người nộp thuế đồng thời tăng cường quản lý thuế, chống gian lận thương mại, lách thuế, trốn thuế, bổ sung quy định mới về quản lý thương mại điện tử...

Trong dự thảo luật quản lý thuế mới, có ba nội dung được cộng đồng doanh nghiệp đặc biệt quan tâm trong đó có doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI, doanh nghiệp nhỏ và vừa SME và các tập đoàn kinh tế tại Việt Nam.

Tăng cường quản lý hoạt động chuyển giá

“Quản lý hành vi trốn thuế thông qua hoạt động chuyển giá là một thách thức lớn với không chỉ ở Việt Nam mà với các cơ quan tư pháp của mọi quốc gia. Hiện Chính phủ Việt Nam đang đi đúng hướng khi áp dụng những nguyên lý của OECD về quản lý hoạt động chuyển giá, tuy nhiên cần có những bước đi phù hợp hơn về vấn đề này”.

Chuyên gia thuế Wayne Barford Cố vấn cao cấp của trung tâm thuế và đầu tư quốc tế Australia

Cùng với tiến trình toàn cầu hóa và hợp tác kinh tế thương mại quốc tế, các giao dịch xuyên quốc gia của các chủ thể kinh tế giữa công ty mẹ, công ty con, các công ty trong cùng một tập đoàn, các công ty có sở hữu đan xen ngày càng diễn ra nhiều, thường xuyên, đó là xu hướng kinh doanh bình thường diễn ra ngày càng nhiều đặc biệt trong chuỗi sản xuất và cung ứng.

Các giao dịch mua bán hàng hóa, công nghệ, trang thiết bị dây chuyền sản xuất, cung cấp nguyên vật liệu, bán thành phẩm, cung cấp các dịch vụ... trong các chủ thể trên được hiểu là giao dịch liên kết. Nếu các doanh nghiệp thực hiện các giao dịch liên kết với giá cả bất bình thường (so với giao dịch với các bên độc lập, không có quan hệ liên kết trong các điều kiện như nhau) để chuyển lợi nhuận giữa các bên có quan hệ liên kết nhằm lách thuế và trốn thuế thì đó được coi là hoạt động chuyển giá, hoạt động này là vi phạm pháp luật.

Trong dự thảo luật, có hai nguyên tắc được định nghĩa rất cụ thể: (i) “Nguyên tắc giao dịch độc lập là nguyên tắc được áp dụng trong kê khai, xác định giá tính thuế đối với người nộp thuế có phát sinh giao dịch liên kết nhằm phản ánh điều kiện giao dịch trong giao dịch giữa các bên có quan hệ liên kết tương đương với điều kiện trong giao dịch giữa các bên độc lập (các bên không có mối quan hệ liên kết)”; (ii) “Nguyên tắc bản chất quyết định hình thức là nguyên tắc được áp dụng trong quản lý thuế đối với người nộp thuế có phát sinh giao dịch nhằm phân tích hoạt động sản xuất kinh doanh của người nộp thuế để xác định bản chất của giao dịch trên cơ sở đối chiếu với các giao dịch tương đồng, đảm bảo các giao dịch thể hiện đúng bản chất thương mại, kinh tế, tài chính phát sinh”.

Những nguyên tắc trên là phù hợp với nguyên lý và khuyến cáo của tổ chức hợp tác phát triển kinh tế OECD. Những giao dịch chuyển giá thực hiện hành vi lách thuế, trốn thuế thường phát sinh nhiều hơn trong các giao dịch liên kết xuyên quốc gia (tập trung vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài FDI với công ty mẹ hoặc công ty cùng một tập đoàn ở nước ngoài).

Song nó cũng có thể xảy ra trong các giao dịch liên kết của các công ty trong hệ thống liên kết trong nội địa, khi các công ty thực hiện hoạt động chuyển giá giữa các công ty có mức thuế thu nhập doanh nghiệp khác nhau hoặc đang được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp để trốn tránh nghĩa vụ thuế.

Để quản lý hoạt động trốn thuế thông qua chuyển giá, Khoản 4 Điều 42 của dự luật nêu ra ba nguyên tắc kê khai xác định giá tính thuế đối với giao dịch liên kết:

Thứ nhất, kê khai, xác định giá giao dịch liên kết theo nguyên tắc giao dịch độc lập và nguyên tắc bản chất quyết định hình thức để xác định nghĩa vụ thuế phải nộp như trong điều kiện giao dịch giữa các bên độc lập.

Thứ hai, giá giao dịch liên kết được điều chỉnh theo giao dịch độc lập để kê khai, xác định số thuế phải nộp theo nguyên tắc không làm giảm thu nhập chịu thuế.

Thứ ba, người nộp thuế có quy mô nhỏ, rủi ro thấp được miễn thực hiện quy định tại điểm a, điểm b khoản này và được áp dụng cơ chế đơn giản hoá trong kê khai, xác định giá giao dịch liên kết.

Tạo sự bình đẳng, minh bạch đối với hộ kinh doanh

Theo điều 51 của dự thảo luật, “những hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có quy mô về doanh thu, lao động đáp ứng từ mức cao nhất về tiêu chí của doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phải thực hiện chế độ kế toán và nộp thuế theo phương pháp kê khai”. Những hộ kinh doanh có quy mô nhỏ hơn sẽ áp dụng phương pháp thuế khoán.

Đây là giải pháp quản lý tạo bình đẳng và minh bạch đối với các hộ kinh doanh, đồng thời thúc đẩy quá trình chuyển đổi hộ kinh doanh có đủ điều kiện đăng ký thành lập doanh nghiệp.

Tạo thuận lợi chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp

Tại điểm c Khoản 1 dự thảo Luật Quản lý thuế quy định đại lý thuế được cung cấp “Dịch vụ kế toán cho doanh nghiệp siêu nhỏ; doanh nghiệp siêu nhỏ được xác định theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa”.

Đây là một quy định rất phù hợp cho phép các đơn vị kinh doanh đại lý thuế thêm chức năng cung cấp dịch vụ kế toán ngoài việc cung cấp dịch vụ đại lý thuế đang thực hiện, điều này phù hợp với luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, giúp những doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ tiết kiệm chi phí khi thay vì thuê hai đơn vị thực hiện hai dịch vụ (tư vấn thuế và kế toán) nay chỉ cần một đơn vị thực hiên hai nhiệm vụ trên. Các đại lý thuế cũng được mở rộng phạm vi kinh doanh, tạo điều kiện cạnh tranh lành mạnh và phát triển.

Bên cạnh đó, cũng như quy định phân loại hộ kinh doanh để có phương pháp tính thuế khác nhau, quy định tăng chức năng dịch vụ kế toán cho đại lý thuế không những góp phần tạo thuận lợi và tiết kiệm chi phí cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa mà còn tạo thuận lợi cho các hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, góp phần đạt mục tiêu cả nước có một triệu doanh nghiệp vào năm 2020.