Bạc Liêu quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công

Theo Kim Trung/Báo Bạc Liêu

Xác định giải ngân vốn đầu tư công đóng vai trò quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, từ đầu năm 2022 đến nay, UBND tỉnh Bạc Liêu đã tích cực lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức cả hội nghị chuyên đề về công tác này. Thế nhưng qua gần 9 tháng, tỷ lệ giải ngân vẫn không đạt kế hoạch đề ra.

Xây dựng công trình thủy lợi tuyến ven biển Bạc Liêu từ vốn đầu tư công. Ảnh: K.T
Xây dựng công trình thủy lợi tuyến ven biển Bạc Liêu từ vốn đầu tư công. Ảnh: K.T

Giải ngân đạt thấp

Tính đến trung tuần tháng 9/2022, giải ngân vốn đầu tư công được 1.322.474 triệu đồng, đạt 40,46% kế hoạch. Trong đó, nguồn ngân sách địa phương 2.128.150 triệu đồng, giải ngân 954.043 triệu đồng, đạt 44,83% kế hoạch; vốn hỗ trợ mục tiêu 922.918 triệu đồng, giải ngân 313.986 triệu đồng, đạt 34,02% kế hoạch và vốn nước ngoài (vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài) 217.343 triệu đồng, giải ngân 54.445 triệu đồng, đạt 25,05% kế hoạch.

Đối với các dự án giao huyện làm chủ đầu tư (dự án tỉnh quyết định đầu tư) chỉ mới giải ngân đạt 39,7%. Những địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp gồm TP. Bạc Liêu (đạt 37,9%), huyện Vĩnh Lợi (25,7%)... Trong khi đó, nhiều sở, ban, ngành cấp tỉnh Bạc Liêu được giao làm chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân rất thấp nhưng các đơn vị này lại được giao rất nhiều vốn. Đơn cử như Sở VH-TT-TT&DL được bố trí 30.743 triệu đồng, giải ngân 2.380 triệu đồng, đạt 7,74% kế hoạch; Sở Y tế được bố trí 144.514 triệu đồng, giải ngân 11.802 triệu đồng, đạt 8,17% kế hoạch...

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương đã thành lập Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022. Đặc biệt gần đây nhất là Nghị quyết 124/NQ-CP của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2022. Theo đó, Chính phủ chỉ đạo rất cụ thể từng khâu công tác như: chuẩn bị đầu tư đến thực hiện đầu tư; công tác giải phóng mặt bằng; cập nhật, điều chỉnh công bố giá vật tư kịp thời…

Thực hiện chỉ đạo này, UBND tỉnh Bạc Liêu đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc, nhắc nhở các ngành, các cấp trong tỉnh và tổ chức cả đoàn kiểm tra đi thực tế để tháo gỡ khó khăn cho từng dự án. Đồng thời giao Sở Kế hoạch và Đầu tư ban hành nhiều văn bản nhắc nhở các chủ đầu tư nghiêm túc triển khai thực hiện, lên kế hoạch thực hiện từng dự án và cam kết giải ngân vốn…

Phấn đấu đạt trên 95%

Mới đây, tại hội nghị sơ kết 9 tháng giải ngân vốn đầu tư công, các chủ đầu tư và các địa phương, Ban Quản lý các dự án đã cam kết với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bạc Liêu sẽ quyết liệt và phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công đến cuối năm đạt trên 95% như chỉ đạo của Chính phủ.

Theo đó, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh, chủ đầu tư, UBND các huyện, thị xã, thành phố cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Đặc biệt là Nghị quyết 124/NQ-CP của Chính phủ, trong đó, ngoài mục tiêu phấn đấu giải ngân từ 95 - 100% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao, phải tập trung giải ngân 100% vốn ngân sách địa phương.

Bên cạnh đó, tổng hợp, rà soát điều chỉnh (tăng/giảm) vốn ngân sách Trung ương năm 2022 gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 25/9/2022 để tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ.

Về công tác giải phóng mặt bằng, đề nghị lãnh đạo các địa phương tiếp tục hỗ trợ tích cực chủ đầu tư để xử lý dứt điểm các trường hợp còn vướng mắc, tồn đọng. Các chủ đầu tư cần báo cáo cụ thể từng trường hợp cho Ban Chỉ đạo công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các dự án trên địa bàn tỉnh, nhằm giải quyết triệt để.

Đối với các chủ đầu tư, báo cáo Tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công nhằm giải quyết triệt để những vướng mắc, khó khăn (nếu có). Khẩn trương hoàn thiện các thủ tục đầu tư để kịp thời khởi công và giải ngân vốn trong năm. Tập trung triển khai quyết liệt từng khâu, từng bước, quyết tâm và tiếp tục phấn đấu nhiều hơn nữa để đạt mục tiêu đề ra. Đồng thời, tiếp tục rà soát tiến độ thực hiện các dự án, chương trình điều chỉnh giảm vốn đối với dự án giải ngân chậm, không có khả năng giải ngân sang những danh mục khác có nhu cầu. Cần mạnh dạn đề xuất bổ sung vốn, nhằm đẩy nhanh tiến độ hoàn thành đối với dự án có khả năng giải ngân tốt, đủ thủ tục đầu tư.

Các sở, ngành chuyên môn tiếp tục hỗ trợ chủ đầu tư (rút ngắn thời gian góp ý, thẩm định dự án, thẩm định thiết kế bản vẽ thi công - dự toán) và nghiên cứu các giải pháp nhằm tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn để thực hiện dự án được thuận lợi và sớm hoàn thành, giải ngân nguồn vốn ở mức cao nhất…