Bộ Giao thông vận tải: Sửa chữa đường cất hạ cánh sân bay là cấp thiết


Bộ Giao thông vận tải có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định phương án sử dụng 10% dự phòng chung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, cân đối, bổ sung thêm vốn cho Bộ Giao thông vận tải để triển khai ngay các dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn tại Nội Bài và Tân Sơn Nhất.

Nứt vỡ đường cất hạ cánh và đường lăn sẽ làm tăng nguy cơ gây mất an toàn khai thác bay.
Nứt vỡ đường cất hạ cánh và đường lăn sẽ làm tăng nguy cơ gây mất an toàn khai thác bay.

Theo Bộ Giao thông vận tải, hiện 2 cảng hàng không quốc tế lớn nhất cả nước là Nội Bài và Tân Sơn Nhất đang phải chịu sức ép rất lớn do nhu cầu vận tải tăng cao. Đặc biệt, hệ thống đường cất hạ cánh và đường lăn của 2 cảng hàng không này đã khai thác vượt tần suất thiết kế, dẫn tới bị xô dịch, gãy vỡ, hằn lún mặt đường, phùi bùn tại các khe co giãn, bong bật, nứt vỡ các tấm bê tông.

Mặc dù, các cảng hàng không Nội Bài và Tân Sơn Nhất đã được Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) tự bỏ kinh phí để khắc phục tạm thời tại các điểm hư hỏng (trám vá bê tông nhựa, phun Uretek…) để đảm bảo phục vụ an toàn bay, tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế. Nếu không sớm đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống đường cất hạ cánh và đường lăn sẽ làm tăng nguy cơ gây mất an toàn khai thác bay.

Trước đó, năm 2018, Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ việc đầu tư nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất theo 3 phương án: Sử dụng vốn đầu tư công từ nguồn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020; sử dụng vốn ACV và dùng nguồn thu từ hoạt động khu bay để thực hiện.

Trong văn bản số 4979/BKHĐT ngày 23/8/2019 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ, việc bố trí vốn cho đầu tư cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh và đường lăn tại Cảng hàng không Nội Bài và Tân Sơn Nhất có thể được xem xét trong cơ chế tổng thể của Đề án giao quản lý, sử dụng và khai thác kết cấu hạ tầng hàng không do Nhà nước đầu tư, quản lý, sau khi được Quốc hội phê duyệt.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề nghị Bộ Giao thông vận tải đánh giá sự cần thiết, cấp bách của việc bố trí vốn cho các dự án đầu tư, cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh và đường lăn tại Cảng hàng không Nội Bài và Tân Sơn Nhất để đề xuất Thủ tướng sử dụng trong số 10% dự phòng chung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 dự kiến giao cho Bộ Giao thông vận tải.

Trong quá trình đề xuất Chính phủ về phương án sử dụng dự phòng chung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 của Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải đã rà soát, tổng hợp và có đề xuất danh mục nhu cầu bố trí vốn cho ngành giao thông vận tải. Trong đó, ngoài việc ưu tiên trả nợ xây dựng cơ bản, các dự án chuyển tiếp, Bộ có đề xuất một số dự án mới; trong đó có 2 dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh và đường lăn tại Nội Bài và Tân Sơn Nhất.

Bộ Giao thông vận tải cho rằng việc sửa chữa đường băng sân bay là cấp bách.
Bộ Giao thông vận tải cho rằng việc sửa chữa đường băng sân bay là cấp bách.

Tuy nhiên, trong phương án trình Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ dự kiến bố trí cho Bộ Giao thông vận tải từ nguồn 10% dự phòng chung kế hoạch đầu tư công trung hạn này để trả nợ các dự án BT (xây dựng – chuyển giao) và bố trí cho một số dự án giao thông cần thiết, cấp bách của các lĩnh vực khác như đường bộ cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Mỹ Thuận - Cần Thơ, kênh Chợ Gạo giai đoạn 2…

Về ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, việc đầu tư cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh và đường lăn của 2 cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất là hết sức cấp bách. Trên cơ sở đó, Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề nghị bố trí vốn để cải tạo, nâng cấp hệ thống đường băng, đường lăn tại các Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất.