Bộ Tài chính phải giữ vững “tay hòm chìa khóa” ngân sách quốc gia

Bùi Dương

Đó là ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại buổi làm việc với Bộ Tài chính sáng 26/2/2018 tại trụ sở Bộ Tài chính.

Bộ Tài chính phải giữ vững “tay hòm chìa khóa” ngân sách quốc gia - Ảnh 1
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu chỉ đạo.

Cùng tham dự buổi làm việc có Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển; Tổng thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải; Tổng kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc. Về phía Bộ Tài chính có Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng; tập thể Lãnh đạo Bộ Tài chính và đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ vui mừng khi “xông đất” Bộ Tài chính ngay sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán, đồng thời đánh giá cao vai trò Bộ Tài chính trong việc giữ vững “tay hòm chìa khóa” ngân sách quốc gia, tham mưu đề xuất chính sách, pháp luật trong lĩnh vực tài chính, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của Bộ, của ngành Tài chính.

Theo Chủ tịch, năm 2017, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới có nhiều biến động phức tạp, khó lường, đây cũng là một năm đất nước ta trải qua rất nhiều thử thách, khó khăn, đặc biệt là trong công tác thu - chi và điều tiết ngân sách nhà nước (NSNN). Tuy nhiên, với sự nỗ lực vượt bậc, đồng sức, đồng lòng, phát huy truyền thống đoàn kết, nhất trí, cũng như đã có sự phối hợp hết sức hiệu quả đối với các bộ, ngành, cấp ủy và chính quyền các địa phương, ngành Tài chính đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao năm 2017, vì những thành tựu này làm tiền đề cho việc thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách năm 2018 với quyết tâm cao nhất là đảm bảo an ninh tài chính quốc gia, an sinh xã hội và làm tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Bộ Tài chính phải giữ vững “tay hòm chìa khóa” ngân sách quốc gia - Ảnh 2
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng tiếp thu ý kiến chỉ đạo.

Tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội đã nghe Lãnh đạo Bộ Tài chính báo cáo về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 25/2016/QH14 về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020; việc triển khai thực hiện các Luật trong lĩnh vực tài chính, ngân sách mới được Quốc hội thông qua như: Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (trong đó có việc ban hành các văn bản hướng dẫn và chuẩn bị tổ chức thực hiện các luật, việc thành lập các đầu mối liên quan đến quản lý nhà nước về nợ công); việc thành lập và vận hành Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; báo cáo đánh giá tình hình thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến lĩnh vực tài chính, ngân sách, dự kiến kế hoạch xây dựng, sửa đổi chính sách pháp luật liên quan đến lĩnh vực tài chính, ngân sách giai đoạn 2018-2020.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, bước vào năm 2018, ngành Tài chính cần bắt tay triển khai ngay các nhiệm vụ từ đầu năm vì đây là năm giữa nhiệm kỳ, có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với việc hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch 5 năm.

Nhấn mạnh một số nội dung cụ thể, Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng: Việc đảm bảo bội chi NSNN và nợ công trong giới hạn cho phép là một cố gắng lớn của ngành Tài chính. Dư nợ công hiện nay khoảng 61,3% GDP; nợ chính phủ 51,6%; nợ chính phủ bảo lãnh khoảng 9,1%; dư nợ vay nước ngoài của quốc gia khoảng 45% đã góp phần đạt được mục tiêu trung bình cả giai đoạn.

Đối với việc triển khai cụ thể hóa các Luật trong lĩnh vực tài chính - ngân sách, Chủ tịch Quốc hội đánh giá, Bộ Tài chính đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan Quốc hội, các bộ, ngành để quy định chi tiết các điều khoản mà Luật giao cho Chính phủ hướng dẫn. Các Nghị định quy định chi tiết Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) và Luật Quản lý, sử dụng tài sản công cơ bản hoàn thành.

Bộ Tài chính phải giữ vững “tay hòm chìa khóa” ngân sách quốc gia - Ảnh 3
Quang cảnh buổi làm việc.

Chủ tịch Quốc hội đánh giá, “Thời gian qua, ngành Tài chính cũng đã có nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nuôi dưỡng nguồn thu. Trong năm 2018 và những năm tiếp theo, chủ trương hội nhập vẫn phải được coi là mục tiêu ưu tiên trong điều hành của Bộ Tài chính để triển khai việc cải cách đồng bộ hệ thống thuế, phù hợp với định hướng tái cơ cấu NSNN” Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Một điểm quan trọng mà Bộ Tài chính cần làm trong thời gian tới được Chủ tịch Quốc hội lưu ý là: “Trong Luật đã có quy định cơ quan đại diện chủ sở hữu (Ủy ban) phải phối hợp với cơ quan Tài chính cùng cấp (Bộ Tài chính, Sở Tài chính các địa phương) trong nhiều nội dung như thẩm định phương án bổ sung vốn điều lệ, thẩm định phương án bổ sung vốn nhà nước, thẩm định phương án bổ sung vốn để mua lại một phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp. Vậy, vai trò của các cơ quan Tài chính khi hình thành Ủy ban này sẽ như thế nào? Mối quan hệ liên quan giữa Bộ Tài chính với Ủy ban và SCIC như thế nào là những nội dung cần phải làm rõ”.

Về chính sách tài chính đất đai, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu thu tiền sử dụng đất một lần hoặc áp dụng thuế sử dụng đất khi Nhà nước giao đất hoặc cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để phần nào giảm gánh nặng cho DN và tạo nguồn thu bền vững lâu dài, có lợi hơn cho NSNN.

Bộ Tài chính phải giữ vững “tay hòm chìa khóa” ngân sách quốc gia - Ảnh 4
Chủ tịch Quốc hội với Lãnh đạo Bộ Tài chính trao đổi bên lề cuộc họp.

Đối với chính sách thuế với các loại hình kinh doanh dịch vụ mới trong bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0 như Uber, Grab, thương mại du lịch trực tuyến... cũng cần được lưu ý để tránh thất thu, tránh chuyển giá và bảo đảm tính trung lập của thuế.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính nâng cao hơn nữa hiệu quả việc quản lý nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn; triển khai sắp xếp các doanh nghiệp trong thẩm quyền quản lý; tăng cường quản lý thu, thu đúng thu đủ kịp thời theo pháp luật, cải cách công tác thu; giới hạn các Quỹ tài chính để tập trung nguồn lực cho NSNN...

“Mong rằng với những thành tựu đạt được, ngành Tài chính nỗ lực tham mưu tốt cho Chính phủ và thực hiện đầy đủ kịp thời những chính sách pháp luật Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành; phối hợp chặt chẽ với các Ủy ban của Quốc hội và Kiểm toán Nhà nước để hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn chính trị của mình. Kiên quyết, mạnh mẽ hơn khi tham mưu các vấn đề đúng pháp luật” - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói.

Thay mặt Ban cán sự Đảng, tập thể lãnh đạo và cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Tài chính, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trân trọng tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội, đồng thời bày tỏ cảm ơn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cá nhân Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển đã quan tâm đến ngành Tài chính.

Bộ trưởng nhấn mạnh, trong 2 năm qua, ngành Tài chính đã quyết tâm thực hiện tốt mọi nhiệm vụ, đặc biệt là về thu, chi, bội chi, nợ công trong bối cảnh thực hiện nhiệm vụ với yêu cầu ngày càng cao của Chính phủ, Quốc hội và Nhân dân. Những thành tựu đã đạt được của ngành Tài chính trong những năm vừa qua đã nhận được sự ủng hộ, một điểm tựa rất lớn từ Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Chia sẻ về những mục tiêu mà ngành Tài chính hướng tới, Bộ trưởng cho biết ngành Tài chính sẽ kiên quyết triển khai đúng các chỉ tiêu đặt ra trong Kế hoạch Tài chính 5 năm; kiên định triển khai cụ thể hóa các giải pháp trongNghị quyết 07-NQ/TW của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững.

Đồng thời, tích cực rà soát tổ chức bộ máy, cam kết không tăng thêm biên chế; triển khai cơ cấu lại bộ máy Thuế, Kho bạc, Hải quan ngay đầu năm; trình phương án cụ thể và đưa vào Nghị định nội dung khoán và điều tiết xe công để đảm bảo đến 2020 giảm 30-50% đầu xe công như Chính phủ chỉ đạo.