Bộ Tài chính sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, đáp ứng yêu cầu hội nhập

PV. (T/h)

Đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực tài chính - ngân sách, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp (DN) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Tài chính quan tâm, chỉ đạo sát sao. Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã có cuộc trả lời phỏng vấn báo chí về vấn đề này.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng.

Phóng viên: Thưa Bộ trưởng, những cải cách về thể chế, chính sách trong thời gian qua của Bộ Tài chính đã có những tác động gì tới cải cách thủ tục hành chính (TTHC), tạo thuận lợi cho người dân và DN?

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Thời gian qua, công tác cải cách thể chế của Bộ Tài chính luôn được gắn với công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật tài chính, qua đó hệ thống pháp luật tài chính đã có bước hoàn thiện quan trọng với số lượng lớn các văn bản quy phạm pháp luật được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới.

Với nhiều cách làm sáng tạo như một luật sửa nhiều luật, một nghị định sửa nhiều nghị định và một thông tư sửa nhiều thông tư, có nhiều văn bản đã tác động mạnh mẽ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, cải thiện môi trường kinh doanh và tạo cơ sở pháp lý để đơn giản hoá TTHC, cắt giảm điều kiện kinh doanh, hiện đại hoá quản lý. Qua đó, từng bước chuyển đổi phương thức quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm (tuy có tăng áp lực, trách nhiệm lên cơ quan quản lý nhưng tạo thuận lợi cho người dân và DN), cũng như minh bạch thông tin, quy trình, thủ tục để triển khai thực hiện.

Trong giai đoạn 2011 - 2015, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Quốc hội 14 dự án luật; 4 nghị quyết của Quốc hội, 3 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Đồng thời, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 99 nghị định, 109 quyết định và ban hành theo thẩm quyền 1.104 thông tư, thông tư liên tịch. Từ năm 2016 đến nay (tính đến ngày 2/10/2018), Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Quốc hội 4 dự án luật; 3 nghị quyết của Quốc hội, 5 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đồng thời đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 111 nghị định, 28 quyết định và ban hành theo thẩm quyền 551 thông tư.

Đồng thời, Bộ Tài chính đã kịp thời chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm các yêu cầu về cải cách TTHC như: Gắn công tác cải cách TTHC, cắt giảm điều kiện kinh doanh với công tác cải cách thể chế; Kiểm soát chặt chẽ việc ban hành mới các TTHC theo quy định của pháp luật ngay từ khâu dự thảo; Chủ động rà soát, cắt giảm và nâng cao chất lượng TTHC trong lĩnh vực tài chính, nhất là TTHC liên quan tới người dân, DN; Công khai, minh bạch tất cả các TTHC.

Kết quả, giai đoạn 2011-2015, Bộ Tài chính đã thực hiện rà soát cắt giảm 248 TTHC và đơn giản hóa đối với 962 TTHC, cụ thể: Lĩnh vực thuế cắt giảm 147 TTHC, đơn giản hóa 526 TTHC; Lĩnh vực hải quan cắt giảm 42 TTHC, đơn giản hóa 298 TTHC; Lĩnh vực KBNN cắt giảm 04 TTHC, đơn giản hóa 22 TTHC;  Lĩnh vực chứng khoán cắt giảm 19 TTHC, đơn giản hóa 53 TTHC; Lĩnh vực tài chính khác cắt giảm 36 TTHC, đơn giản hóa 63 TTHC.

Qua đó, đến cuối năm 2015, bộ TTHC lĩnh vực tài chính đã được cắt giảm, đơn giản hóa còn lại 1045 TTHC (trong đó: lĩnh vực thuế là 395 TTHC, lĩnh vực hải quan là 219 TTHC, lĩnh vực chứng khoán là 161 TTHC, lĩnh vực KBNN là 57 TTHC và lĩnh vực tài chính khác là 213 TTHC).

Từ năm 2016 đến nay (đến ngày 02/10/2018), Bộ Tài chính đã thực hiện rà soát cắt giảm 174 TTHC và đơn giản hóa 888 TTHC, cụ thể: Lĩnh vực thuế cắt giảm 95 TTHC, đơn giản hóa 300 TTHC; Lĩnh vực hải quan cắt giảm 42 TTHC, đơn giản hóa 181 TTHC; Lĩnh vực KBNN cắt giảm 35 TTHC, đơn giản hóa 22 TTHC;  Lĩnh vực chứng khoán đơn giản hóa 161 TTHC;  Lĩnh vực tài chính khác cắt giảm 02 TTHC, đơn giản hóa 224 TTHC.

Tính đến tháng 10/2018, bộ TTHC lĩnh vực tài chính còn lại là 987 TTHC (trong đó gồm: lĩnh vực thuế là 298 TTHC, lĩnh vực hải quan là 183 TTHC, lĩnh vực chứng khoán là 184 TTHC, lĩnh vực KBNN là 22 TTHC và lĩnh vực tài chính khác là 300 TTHC).

Để tiếp tục thực hiện công tác cải cách hành chính, trọng tâm là kiểm soát TTHC, Bộ Tài chính đã chỉ đạo rà soát, đơn giản hóa, cắt giảm, bãi bỏ những TTHC không cần thiết, gây khó khăn cho tổ chức, cá nhân. Hiện tại, các đơn vị chuyên môn của Bộ Tài chính đã xây dựng được phương án và đang trình Lãnh đạo Bộ xem xét phê duyệt cắt giảm trên 140 TTHC và đơn giản hóa 28 TTHC, cụ thể: Lĩnh vực thuế cắt giảm 07 TTHC, đơn giản 02 TTHC; Lĩnh vực hải quan cắt giảm 05 TTHC, đơn giản 09 TTHC; Lĩnh vực KBNN cắt giảm 10 TTHC, đơn giản 12 TTHC; Lĩnh vực chứng khoán cắt giảm 36 TTHC. Lĩnh vực tài chính khác cắt giảm 88 TTHC, đơn giản 05 TTHC.

Đồng thời, Bộ Tài chính đang trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài chính, dự kiến sẽ cắt giảm 117 điều kiện kinh doanh trong phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài chính.

Bộ Tài chính đã làm thế nào để có thể có sự cải cách mạnh mẽ đến như vậy, thưa Bộ trưởng?

Do có sự lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực tài chính nên không chỉ có kết quả trong từng lĩnh vực mà giữa các lĩnh vực tài chính đã có sự bổ trợ cho nhau, tạo hiệu ứng nâng cao hiệu quả cải cách TTHC đối với toàn ngành.

Công tác cải cách TTHC, cắt giảm điều kiện kinh doanh được triển khai quyết liệt, nhiều TTHC được cắt giảm, đơn giản hóa, giảm thời gian thực hiện và chi phí tuân thủ, tạo thuận lợi cho người dân và DN góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, các chỉ số nộp thuế, chỉ số giao dịch thương mại qua biên giới cải thiện được thứ bậc xếp hạng.

Tổ chức bộ máy của Bộ Tài chính được đổi mới, sắp xếp để phù hợp với yêu cầu quản lý; đội ngũ cán bộ công chức có năng lực, trình độ cơ bản ngày càng được nâng cao đáp ứng yêu cầu thực thi nhiệm vụ;

Công tác tài chính công có nhiều cải cách trong việc huy động và phân bổ, sử dụng các nguồn lực tài chính, an ninh tài chính được đảm bảo;

Công tác hiện đại hóa ngành tài chính được coi trọng, từng bước được đầu tư trang bị, nâng cấp hiện đại hóa trang thiết bị ứng dụng công nghê thông tin để đáp ứng yêu cầu đổi mới, hiện đại hóa trong giải quyết TTHC và quản lý.

Những kết quả cải cách của Bộ Tài chính đã góp phần tác động tích cực đến việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia được xã hội và cộng đồng người dân và DN đánh giá cao. Đồng thời, kết quả cũng được thể hiện qua đánh giá về các chỉ số: Bộ Tài chính luôn nằm trong nhóm 03/19 Bộ, cơ quan ngang Bộ về chỉ số cải cách hành chính (Par Index) trong 4 năm qua (từ năm 2014 đến năm 2017) và là Bộ đứng đầu về chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin (ICT index) trong 6 năm liên tiếp (từ năm 2013 đến năm 2018).

Bên cạnh công tác cải cách hành chính, thời gian qua, việc thu giảm đầu mối, tinh giản bộ máy đang được Bộ Tài chính triển khai quyết liệt và đạt được kết quả đáng kể, Bộ trưởng có thể cho nhân dân cả nước biết thêm về những nội dung ngành Tài chính đã và đang thực hiện được trong lĩnh vực này?

Bên cạnh công tác cải cách hành chính, thực hiện Nghị quyết của Đảng, ngành Tài chính đặc biệt chú trọng đến việc tinh giản biên chế, sắp xếp lại đầu mối theo hướng tinh gọn hiệu quả. Bộ Tài chính là bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực với quy mô quản lý rộng lớn, theo quy định tại Nghị định số 87/2017/NĐ-CP ngày 26/7/2017 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính: ngoài 20 Vụ, Cục chuyên môn và 09 đơn vị sự nghiệp, tại Bộ Tài chính có 05 Tổng cục và tương đương trực thuộc (trong đó có 04 Tổng cục được tổ chức theo ngành dọc từ Trung ương đến địa phương), 183 Cục địa phương, hơn 1.700 Chi cục và tương đương, hơn 5.700 tổ (đội) thuộc Chi cục và tương đương.

Triển khai Kết luận số 64-KL/TW ngày 28/5/2013 của Hội nghị Trung ương 7 (khóa XI) một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ Tài chính đã quan tâm, chỉ đạo, quán triệt và tổ chức thực hiện một số giải pháp đổi mới, sắp xếp bộ máy của Bộ Tài chính theo hướng tinh gọn, hiệu quả; theo đó, kết quả từ đầu năm 2013 đến tháng 10/2018, Bộ Tài chính đã cắt giảm khoảng 3.000 đầu mối các đơn vị từ cấp trung ương đến cấp tổ (đội) tại địa phương (trong đó giảm 180 đầu mối cấp phòng và tương đương; khoảng 2.800 đầu mối cấp tổ (đội) tại địa phương).

Kết quả bước đầu triển khai Kết luận 64-KL/TW cho thấy, số các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính đã giảm từ 35 đơn vị (cuối năm 2016) xuống còn 28 đơn vị do đã tổ chức lại, giải thể, dừng hoạt động.

Triển khai Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XII, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã thực hiện kiện toàn, sắp xếp các đơn vị của ngành theo hướng tinh gọn, quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, giảm cấp trung gian, thống nhất nguyên tắc một việc chỉ giao cho một đơn vị thực hiện.

Theo đó, Bộ Tài chính đã thực hiện cắt giảm 53 Chi cục và tương đương thuộc Cục địa phương, trong đó: giải thể 01 Chi cục hải quan, hợp nhất, sáp nhập 10 Chi cục DTNN thành 05 Chi cục, giải thể 43 phòng giao dịch trực thuộc KBNN các tỉnh, hợp nhất 07 chi cục thuế thành 03 chi cục thuế khu vực; Cắt giảm 357 tổ (đội) và tương đương thuộc Chi cục thuộc Cục địa phương; Tiếp tục thực hiện sắp xếp, sáp nhập các chi cục thuế để tổ chức hoạt động theo khu vực, đảm bảo đến năm 2020 giảm còn 420 Chi cục thuế; Tổ chức lại các đơn vị cấp phòng thuộc Cục thuế địa phương theo quy định tại Quyết định số 41/2018/QĐ-TTg ngày 25/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thuế trực thuộc Bộ Tài chính (để triển khai hợp nhất các chi cục thuế theo khu vực trong toàn hệ thống), Bộ Tài chính đã hợp nhất 7 chi cục thuế huyện thành 03 chi cục thuế khu vực thuộc Cục thuế tỉnh Quảng Ninh, qua đó đã kiện toàn bộ máy, sắp xếp giảm 04 Chi cục thuế và 19 đội thuế; Trong tháng 10, tiếp tục thực hiện hợp nhất chi cục thuế khu tại các tỉnh Hải Dương, Yên Bái, Quảng Ngãi, Lâm Đồng và Cà Mau.

Thời gian tới, tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 08/NQ-CP ngày 24/01/2018 của Chính phủ về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, trong đó có nhiệm vụ xây dựng Đề án sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng của Bộ Tài chính theo hướng sáp nhập 05 cơ sở đào tạo, bồi dưỡng thuộc Tổng cục vào Trường Bồi dưỡng cán bộ Tài chính trực thuộc Bộ Tài chính. Trước mắt, trong giai đoạn 2018- 2020, sẽ thực hiện sắp xếp, sáp nhập từ 02-03 đơn vị, đến năm 2021 sẽ tiếp tục sắp xếp, sáp nhập các cơ sở còn lại.

Trong thời gian tới, Bộ Tài chính vấn đề cải cách TTHC sẽ được Bộ Tài chính triển khai như thế nào, thưa Bộ trưởng?

Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai công tác cải cách hành chính, cải cách TTHC đáp ứng yêu cầu hội nhập, phấn đấu các chỉ số cải cách đạt chuẩn xếp hạng các nước ASEAN 4 và hướng tới tiêu chuẩn của các nước OECD, tập trung vào một số giải pháp như: Tăng cường công tác chỉ đạo, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu; Phát huy tính sáng tạo, nâng cao chất lượng công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; Cải cách TTHC, lấy người dân, DN làm trung tâm;Xây dựng bộ máy hành chính tinh gọn hiệu lực, hiệu quả; Xây dựng đội ngũ công chức, viên chức ngành tài chính đủ phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ; Cải cách tài chính công theo hướng huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực góp phần đảm bảo an ninh tài chính; Chủ động triển khai, tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng 4.0.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!