Cách nào để phục hồi kinh tế Việt Nam sau đại dịch Covid-19?

Bài viết đăng trên Tạp chí Tài chính Kỳ 2 - Tháng 7/2020

Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ suy giảm tổng cung và tổng cầu trong nền kinh tế, do tác động xấu của dịch Covid-19.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Làm cách nào để hồi phục nền kinh tế nhanh chóng mà không gây ra hệ lụy trong tương lai là vấn đề đặt ra. Chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ là hai công cụ quan trọng nhằm điều chỉnh nền kinh tế, ngăn chặn đà suy giảm tăng trưởng và khắc phục những bất cập.

Trước cú sốc do dịch Covid-19 gây ra, việc lựa chọn liều lượng hợp lý của từng chính sách cụ thể là không dễ dàng. Minh chứng từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 cho thấy, các chính sách của Nhà nước dường như tỏ ra chưa sẵn sàng triệt tiêu các tác nhân gây ra khủng hoảng, đặc biệt là chưa khắc phục được các yếu tố mang tính chất cơ cấu trong nền kinh tế. Bài viết này cung cấp các bằng chứng thực tiễn và đưa ra giải pháp phù hợp giúp Việt Nam đối phó với tình trạng mất cân đối trong cơ cấu của nền kinh tế.

Nguồn gốc của khủng hoảng kinh tế

Trong nền kinh tế, sự thay đổi của tổng cầu, tổng cung, khối lượng sản xuất và thu nhập xảy ra theo chu kỳ. Chu kỳ đó là sự thay đổi lặp đi lặp lại, sự vận động từ một trạng thái cân bằng kinh tế vĩ mô này sang trạng thái cân bằng kinh tế vĩ mô khác. Trong mỗi chu kỳ, nền kinh tế trải qua các trạng thái bùng nổ, suy thoái (khủng hoảng), sau đó lại lặp lại trạng thái bùng nổ. Tác phẩm “Học thuyết tổng quát về việc làm, lãi suất và tiền tệ” của  Keynes (1937) chỉ ra, chu kỳ kinh tế là kết quả của sự tác động qua lại giữa 3 yếu tố: Thu nhập quốc dân- tiêu dùng- tích lũy.

Cách nào để phục hồi kinh tế Việt Nam sau đại dịch Covid-19?  - Ảnh 1

Theo Keynes, nguồn gốc của chu kỳ là do sự phát triển của mặt cầu. Trong khi đó Fridmen (1970) cho rằng, nguyên nhân chủ yếu của chu kỳ kinh tế nằm trong sự bất ổn của thị trường tiền tệ, mà dư cung tiền bắt nguồn từ chính sách kinh tế của Nhà nước. Theo ông, để ổn định nền kinh tế, cần hạn chế và điều tiết khối lượng tiền mặt trong lưu thông, tức là Nhà nước cần sử dụng chính sách tiền tệ (CSTT) để kiểm soát các cú sốc ngắn hạn trong nền kinh tế.

Về tính chất chu kỳ kinh tế, rõ ràng tác nhân đại dịch hoặc chiến tranh, thời tiết chỉ tác động ngắn hạn và là xúc tác để dẫn đến khủng hoảng kinh tế trong tương lai gần. Lịch sử cho thấy, tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng đến mọi mặt của nền kinh tế là do chính các yếu tố cấu trúc nội tại, mà không trực tiếp liên quan đến sự xuất hiện của cuộc khủng hoảng. Minh chứng rõ ràng nhất là cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Nguyên nhân chính gây ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 xuất phát từ yếu tố mang tính chất cơ cấu. Đây là bài học để các nhà quản lý có sự thay đổi hợp lý trước các cú sốc hiện tại, đặc biệt là đại dịch Covid-19 hiện nay.

 Như vậy, phương thức để khôi phục sự cân bằng kinh tế vĩ mô hiện nay đòi hỏi phải thay thế cơ chế tự điều chỉnh bằng một cơ chế tổ chức nhằm khắc phục nhanh chóng các mất cân đối mang tính chất cục bộ và khu vực. Rõ ràng, đại dịch Covid-19 toàn cầu không quá lo ngại đối với nền kinh tế các nước mà lo ngại nhất là đại dịch này sẽ làm bộc lộ và thay đổi cơ cấu nội tại nền kinh tế, từ đó gây ra khủng hoảng kinh tế. Các quan niệm khoa học và các luận cứ thực tiễn cho thấy, không chỉ nhận diện những đặc điểm của quá trình phát triển trước, trong khủng hoảng, mà còn thấy rõ những thay đổi cơ cấu ở thời kỳ sau khủng hoảng. Các giải pháp vĩ mô hợp lý để triệt tiêu các nguyên nhân gây ra khủng hoảng ở từng quốc gia cụ thể là rất cần thiết trong thời điểm hiện nay.

Góc nhìn chính sách vĩ mô của Việt Nam từ khủng hoảng kinh tế năm 2008

CSTT giữ vai trò quan trọng trong kiểm soát lạm phát. Xây dựng CSTT phù hợp để kiềm chế lạm phát là mối quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu, chuyên gia kinh tế. Theo các chuyên gia kinh tế, Việt Nam đang rơi vào vòng luẩn quẩn lạm phát - đình đốn - giảm phát - lạm phát, nguyên nhân chính là trong hai thập niên đầu của thế kỷ XXI, Việt Nam quá xem trọng chính sách về hướng tổng cầu. Rõ ràng, giai đoạn trước cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008, Việt Nam rơi vào trạng thái đánh đổi giữa lạm phát- tăng trưởng. Từ năm 2000-2007, CSTT của Việt Nam thực hiện theo hướng đơn mục tiêu là kiểm soát lạm phát, đồng thời hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế.

Cách nào để phục hồi kinh tế Việt Nam sau đại dịch Covid-19?  - Ảnh 2

Tuy nhiên, giai đoạn chuẩn bị xảy ra cuộc khủng hoảng kinh tế từ năm 2007 đến tháng 9/2008 thì dường như CSTT không có tác dụng trong việc thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát. Đây là nguyên nhân lạm phát cao và tăng trưởng kinh tế bị chậm lại, xuất phát từ nguyên nhân cơ cấu nội tại của nền kinh tế nhiều hơn so với sự xuất hiện của khủng hoảng kinh tế.

Giai đoạn xảy ra và hậu khủng hoảng thì CSTT của Việt Nam lại theo hướng đa mục tiêu. Tuy nhiên, hiệu quả của CSTT lại đi ngược với mong muốn, không thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà tạo ra nguy cơ xấu trên thị trường tài chính của nước ta trong giai đọan sau đó.

Trong Kết luận số 02-KL/TW ngày 16/3/2011 của Bộ Chính trị về tình hình kinh tế - xã hội năm 2011 đã khẳng định tính đúng đắn của Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/02/2011 về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội. Tuy nhiên, những vấn đề đặt ra ở thời điểm đó gồm:

Thứ nhất, chính sách tài khóa (CSTK) được điều hành theo hướng ngày càng mở rộng với nhiều chương trình tài trợ vốn của Chính phủ, điều này gây sức ép và thu hẹp không gian vận hành của CSTT, đặc biệt ảnh hưởng đến kênh tín dụng ngân hàng. CSTT vẫn theo đuổi mục tiêu là ổn định giá cả trong trung và dài hạn, nhưng từ năm 2010-2014 phải theo đuổi mục tiêu tăng trưởng trong ngắn hạn thông qua tài trợ vốn cho các chương trình của Chính phủ. Hệ thống ngân hàng sử dụng kênh tín dụng trực tiếp và gián tiếp đầu tư thay cho ngân sách thông qua các chương trình hỗ trợ lãi suất (17.000 tỷ đồng năm 2009), chương trình cho vay (30.000 tỷ đồng đối với thị trường bất động sản năm 2012), cho vay với điều kiện ưu đãi, kế hoạch tái chiết khấu trái phiếu đặc biệt của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng hoặc tình trạng đầu tư của hệ thống ngân hàng thương mại vào thị trường trái phiếu chính phủ… Chính sách đó theo đuổi mục tiêu nới rộng tổng cầu nhằm kích thích tăng trưởng. (Sơn & Tú, 2013)

Cách nào để phục hồi kinh tế Việt Nam sau đại dịch Covid-19?  - Ảnh 3

Thứ hai, mức độ bành trướng chi tiêu công và đầu tư công cho khu vực doanh nghiệp nhà nước thiếu hiệu quả khiến mức bội chi hàng năm ngày càng tăng, gánh nặng chi tiêu một phần làm gia tăng gánh nặng ngân sách, một phần chuyển sang kênh tín dụng ngân hàng thông qua chương trình cho vay ưu đãi lãi suất, đưa hệ thống ngân hàng vào tình trạng rủi ro đồng nghĩa với việc ngăn cản CSTT theo đuổi mục tiêu ổn định giá cả.

Trong khi CSTT ngay lập tức phản ứng theo yêu cầu của Chính phủ nhằm đạt mục tiêu vĩ mô từng thời kỳ bằng cách thắt chặt, hoặc nới rộng các điều kiện tiền tệ, sử dụng mọi biện pháp và khả năng, CSTK luôn nhất quán với chiến lược mở rộng chi tiêu ngân sách. Điều này khiến hệ thống ngân hàng rơi vào tình trạng căng thẳng thanh khoản hệ thống, các ngân hàng thiếu nguồn nội tệ cho nhu cầu vay. CSTT bị đặt trong tình thế lựa chọn: Tiếp tục duy trì CSTT thận trọng và chấp nhận lãi suất tăng hay quay lại duy trì tốc độ tăng trưởng, nới rộng tín dụng, hạ lãi suất và rơi vào vòng xoáy của rủi ro thanh khoản.

Trong thực tế, CSTT đã rơi vào điểm bẫy vĩ mô khi vừa chống đỡ tình trạng thiếu vốn vừa phải khống chế lãi suất huy động vốn nhằm giảm lãi suất cho vay vì mục tiêu tăng trưởng và chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp.

Chính sách tiền tệ trước và sau đại dịch Covid-19

Trước năm 2019, CSTT thực hiện theo hướng “từ uyển chuyển đến linh hoạt” kết hợp với quản lý tỷ giá linh hoạt. Năm 2019, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước điều hành CSTT theo hướng “chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp chặt chẽ với CSTK và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng”.

Cách nào để phục hồi kinh tế Việt Nam sau đại dịch Covid-19?  - Ảnh 4

Cụ thể là bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính, tiền tệ trong nước và quốc tế để kịp thời đề xuất các giải pháp điều hành CSTT; Điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường và mục tiêu CSTT nhằm ổn định ngoại tệ, phấn đấu tăng dự trữ ngoại hối nhà nước; Chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung vốn vào những lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên, hạn chế tín dụng đen và kiểm soát chặt tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Kết quả đạt được của 4 năm (từ 2016 đến 2019) rất khả quan cả về tăng trưởng lẫn kiểm soát được lạm phát. Tuy nhiên, cuối năm 2019, thế giới phải đối mặt với đại dịch Covid-19 và các quốc gia có nhiều động thái điều chỉnh chính sách phù hợp để phản ứng trước diễn biến xấu của đại dịch gây ra cho nền kinh tế.

Mục tiêu của Việt Nam đã thay đổi so với giai đoạn trước đó là chuyển sang thực hiện mục tiêu kép của năm 2020 là "phòng chống dịch Covid-19 thành công và khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế", để thực hiện mục tiêu này Chính phủ đã chỉ đạo và thực hiện các gói hỗ trợ cả lĩnh vực tài chính - tiền tệ lẫn CSTK.

Các quốc gia trên thế giới và cả Việt Nam đã bắt đầu triển khai các gói kích thích tài khóa và tiền tệ với quy mô gói kích cầu rất lớn. Thực tế Chính phủ đã bắt đầu triển khai các gói tài khóa như khởi động dự án đường cao tốc Bắc – Nam (trị giá 33.610 tỷ đồng), đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công, gói hỗ trợ về tài khóa (khoảng 180 nghìn tỷ đồng, theo tinh thần Nghị định số 41/2020/NĐ-CP và có thể tăng thêm); Gói hỗ trợ an sinh xã hội (62 nghìn tỷ đồng, cho hơn 20 triệu người lao động, người yếu thế…); Cuối cùng, các chính sách gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cũng đang được triển khai nhằm hỗ trợ kinh tế trong giai đoạn hiện nay.

Ngoài ra, thực hiện CSTT bằng các giải pháp như giảm các lãi suất điều hành, cơ cấu lại nợ, giãn-hoãn nợ, giảm lãi/phí, giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản vay hiện hữu, gói tín dụng với lãi suất ưu đãi trị giá 600 nghìn tỷ đồng. Việc hạ các lãi suất điều hành tại Việt Nam hiện nay chủ yếu để hỗ trợ và ổn định cho hệ thống.

Gợi ý chính sách cho Việt Nam

Việt Nam đang đối mặt với sự suy giảm của cả tổng cung và tổng cầu trong nền kinh tế do đại dịch Covid 19 gây ra. Tuy nhiên, mối quan ngại lớn nhất đối với nước ta và toàn cầu không chỉ dừng lại ở việc xử lý cú sốc ngắn hạn do đại dịch Covid-19, mà là cách xử lý các nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng kinh tế.

Cần phải khẳng định rằng, trong quá trình chống đỡ đại dịch trên quy mô toàn cầu, đã thiếu một hệ thống các định chế mang tầm quốc tế thống nhất phù hợp với tổng thể nền kinh tế thế giới và bổ sung cho cơ chế tự điều chỉnh. Phản ứng chính sách của Việt Nam là rất kịp thời và đúng liều lượng, đúng đối tượng trước đại dịch Covid 19 gây ra. Tuy nhiên, chính sách của nước ta phải hướng đến mục tiêu là ổn định ngắn hạn và duy trì tăng trưởng trong dài hạn của nền kinh tế.

Từ những thực tiễn trên, tác giả gợi mở một số vấn đề như: Xem xét nâng liều lượng CSTK so với CSTT; Xây dựng chính sách kinh tế trọng cung ở Việt Nam để đảm bảo tăng trưởng trong dài hạn; Thực hiện các chính sách đảm bảo an toàn vĩ mô. Cụ thể:

Cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 cho thấy, CSTT đã không mang lại kết quả tích cực. Điều này khẳng định sự cần thiết phải làm rõ ý nghĩa của CSTK trong các giai đoạn suy thoái kinh tế. Nghĩa là cần làm rõ những cơ sở lý thuyết về  trách nhiệm của Chính phủ trong việc bảo đảm khả năng phòng ngừa khủng hoảng thông qua công cụ CSTK, khi năng lực của CSTT tỏ ra hạn chế. Cochrane (2020) cho rằng, CSTT sẽ ít có hiệu lực trong giai đoạn bùng nổ của đại dịch Covid-19 và CSTK nên được cân nhắc vì các lý do sau:

- Đại dịch Covid-19 là một cú sốc tác động tiêu cực đến cả tổng cung và tổng cầu. CSTT có thể chống lại cú sốc liên quan đến tổng cầu, nhưng không thể làm gì để giảm bớt tác động của việc suy giảm tổng cung mà không hy sinh mục tiêu ổn định giá cả. Hơn nữa, bài học từ cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008 cho thấy, suy giảm tổng cầu trong tương lai có thể xảy ra do khủng hoảng niềm tin của công chúng, mà CSTT không thể giải quyết vấn đề này. Do vậy, CSTT trong giai đoạn này chủ yếu nhằm hỗ trợ thanh khoản và ổn định thị trường tài chính.

- Các chương trình hỗ trợ trực tiếp của Chính phủ có tốc độ lan tỏa vào nền kinh tế nhanh hơn so với các công cụ của CSTT.

Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng tăng trưởng, tăng năng suất lao động và tăng khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, Việt Nam cần xây dựng các chính sách trên cơ sở trọng cung. Nước ta cần thực thi các chính sách trọng cung như: Phá vỡ các độc quyền nhà nước và tạo tính cạnh tranh trong nền kinh tế, phát huy vai trò khu vực kinh tế tư nhân trong nền kinh tế; Giảm điều tiết thị trường, mở cửa các thị trường để cạnh tranh mạnh hơn, tăng cung thị trường và mở rộng các lựa chọn của người tiêu dùng; Các chính sách cạnh tranh bao gồm các biện pháp kiềm chế một số thất bại thị trường mà có thể sinh ra từ sức mạnh độc quyền; Tự do hóa thương mại giữa các quốc gia tạo ra cạnh tranh và tăng chất xúc tác để cải thiện chi phí và giảm giá cho người tiêu dùng; Khuyến khích thành lập các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ; Đầu tư và đổi mới, các chính sách khuyến khích đầu tư phát triển như giảm thuế suất DN; Tăng chi tiêu vào giáo dục đào tạo…

Ngoài CSTK, CSTT, chính sách giám sát an toàn vĩ mô cần được các cơ quan chức năng phối hợp triển khai linh hoạt theo các mục tiêu đề ra. Rõ ràng, hệ thống tài chính vẫn tồn tại những lỗ hổng, những điểm yếu mà nguyên nhân xuất phát từ chính sự liên kết phức tạp của các định chế theo chiều không gian và thời gian đã dẫn đến rủi ro mang tính hệ thống. Đây là tác nhân nguy cơ gây ra khủng hoảng kinh tế, do đó, chính sách an toàn vĩ mô là công cụ bổ sung cho hệ thống chính sách hiện hành nhằm duy trì ổn định của hệ thống tài chính, đảm bảo sự phục hồi bền vững của kinh tế Việt Nam trong tương lai.

 

Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Hồng Sơn, Trần Thị Thanh Tú (2013), Tái cơ cấu các ngân hàng thương mại ở Việt Nam: Những kết quả đạt được và chặng đường phía trước, Kỷ yếu Hội thảo quốc tế Cải cách thị trường tài chính trong chiến lược tái cơ cấu nền kinh tế”, tr.32;
2. Keynes, J. (1937), Lý thuyết tổng quát về việc làm, lãi suất và tiền tệ (Bản dịch 1994), NXB Giáo dục, Hà Nội;
3. Cochrane, J. H. (2020, March 23), Covid-19 and economy (H. v. Briefing, Interviewer);
4. Friedman, Milton (1970), “A Theoretical Framework for Monetary Analysis”. Journal of Political Economy, 193–238.