Cần khẩn trương xây dựng đề án khôi phục kinh tế

Theo Thảo Khuy/Báo Bình Định

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), thời gian qua, tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động kinh tế - xã hội (KT-XH). Dù vậy, tình hình phát triển KT-XH 8 tháng đầu năm của vùng Trung bộ và Tây nguyên đã đạt được những kết quả khả quan.

Cần khẩn trương xây dựng đề án khôi phục kinh tế. Ảnh: Thảo Khuy
Cần khẩn trương xây dựng đề án khôi phục kinh tế. Ảnh: Thảo Khuy

Theo thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư tốc độ tăng trưởng bình quân 6 tháng của 2 vùng đều cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Một số địa phương có tốc độ tăng trưởng cao như: Thanh Hóa (8,66%), Nghệ An (7,58%), Quảng Nam (11,72%), Ninh Thuận (14,57%); xuất khẩu của 2 vùng đạt 12,5 tỷ USD (tăng 15% so với cùng kỳ năm 2020).

Bên cạnh đó, trong 8 tháng đầu năm 2021, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn của 2 vùng là 162 nghìn tỷ đồng (đạt 87% dự toán thu cả năm của 2 vùng). Đồng thời, 2 vùng đã thu hút được 66 dự án với tổng vốn đăng ký 1,5 tỷ USD.

Về việc xây dựng kế hoạch năm 2022, các địa phương vùng miền Trung, Tây Nguyên tiếp tục thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch Covid-19 vừa phục hồi phát triển kinh tế; đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân và giảm nghèo bền vững.

Cụ thể, vùng miền Trung dự kiến đề ra một số chỉ tiêu như: Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GRDP) đạt 7 - 8%, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 665.000 tỷ đồng; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 20 tỷ USD; thu ngân sách nhà nước đạt 176 nghìn tỷ đồng…

Tại Bình Định, trong 8 tháng đầu năm 2021, tỉnh đã triển khai thực hiện tốt “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch Covid-19 vừa phục hồi và phát triển KT-XH. Theo đó, tổng sản phẩm địa phương 6 tháng đầu năm tăng 6,14% so với cùng kỳ, xếp thứ 2 trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (sau tỉnh Quảng Nam).

Hoạt động sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản tăng trưởng khá toàn diện, giá trị sản xuất toàn ngành tăng 3,8% so với cùng kỳ. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,38% so với cùng kỳ. Tuy nhiên hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch trên địa bàn tỉnh trong 8 tháng chịu ảnh hưởng lớn do dịch Covid-19. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8 giảm 5,8% so với cùng kỳ.

Về thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp, lũy kế 8 tháng đầu năm có 3 dự án FDI được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng số vốn đăng ký 40,34 triệu USD; có 7 lượt dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn điều chỉnh tăng 32,23 triệu USD… Tổng thu ngân sách nhà nước 8 tháng đầu năm là 8.797 tỷ đồng, đạt 83,3% dự toán năm và tăng 38% so với cùng kỳ; đã giải ngân 49,1% kế hoạch vốn đầu tư Thủ tướng Chính phủ giao.

Năm 2022, Bình Định phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm địa phương (GRDP) tăng 6 - 6,5%; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6 - 7%; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 1.250 triệu USD; tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt hơn 10.950 tỷ đồng; tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn tỉnh tăng 6%. Dự kiến kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2022, gồm: Vốn ngân sách Trung ương (hơn 2.412 tỷ đồng); vốn ODA (gần 347 tỷ đồng); vốn ngân sách tỉnh (hơn 4.402 tỷ đồng).

Ngoài ra, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông đề nghị các địa phương cần khẩn trương xây dựng đề án khôi phục kinh tế; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nhất là những công trình trọng điểm. Đồng thời xây dựng kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022 theo Chỉ thị 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Thứ trưởng cũng yêu cầu các địa phương trong quá trình xây dựng kế hoạch và triển khai cần ưu tiên ngành, lĩnh vực, chương trình trọng tâm, thực hiện có hiệu quả các mục tiêu kế hoạch phát triển KT-XH.