Chỉ tăng 2,6% trong 7 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng thấp nhất trong nhiều năm qua


Với việc chỉ tăng 2,6% trong 7 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng thấp nhất trong nhiều năm qua. Trong đó, mức tăng của tháng 7 cũng không thể đột phá như một tháng trước đó.

Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 7/2020 chỉ tăng 3,6% so với tháng trước
Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 7/2020 chỉ tăng 3,6% so với tháng trước

Mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua

Dịch bệnh Covid-19 bùng phát trên toàn cầu chưa có xu hướng giảm cùng với việc xuất hiện trở lại tại một số tỉnh, thành của Việt Nam khiến cho hoạt động sản xuất công nghiệp của nước ta tiếp tục gặp khó. Chuỗi cung ứng nguyên liệu sản xuất đầu vào của nền kinh tế cũng bị gián đoạn.

Điều này thể hiện qua các con số thống kê vừa được Tổng cục Thống kê công bố trong Báo cáo Tình hình kinh tế - xã hội 7 tháng đầu năm 2020. Theo đó, trong 7 tháng đầu năm, chỉ số IIP tăng 2,6%, là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua, thấp hơn nhiều so với mức tăng 9,4% của cùng kỳ năm 2019. Riêng trong tháng 7, chỉ số sản xuất công nghiệp chỉ tăng 3,6% so với tháng trước và tăng 1,1% so với cùng kỳ năm trước, không đạt được mức tăng đột phá trong thời kỳ Covid-19 như tháng 6/2020. 

Trong 7 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 2,6%, là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua. Riêng trong tháng 7, chỉ số sản xuất công nghiệp chỉ tăng 3,6% so với tháng trước và tăng 1,1% so với cùng kỳ năm trước, không đạt được mức tăng đột phá trong thời kỳ Covid-19 như tháng 6/2020.

Trong đó, ngành Chế biến, Chế tạo tăng 4,2% (cùng kỳ năm 2019 tăng 10,7%), đóng góp 3,5 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 2,1%, đóng góp 0,2 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 3,3%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 7,8%, làm giảm 1,2 điểm phần trăm trong mức tăng chung...

Nhiều ngành công nghiệp đối mặt với tình trạng "giảm sâu"

Theo nhận định của Tổng cục Thống kê, tại các ngành công nghiệp cấp II, một số ngành có chỉ số sản xuất 7 tháng giảm sâu hoặc tăng rất thấp so với cùng kỳ năm trước. Có thể kể đến như: Hoạt động dịch vụ hỗ trợ khai thác mỏ và quặng giảm 42,7%; sản xuất xe có động cơ giảm 15,4%; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 11,3%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc, thiết bị giảm 8,9%; sản xuất đồ uống giảm 6,3%...

Bên cạnh đó, một số ngành công nghiệp có chỉ số sản xuất 7 tháng tăng khá so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 27,1%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 15,9% (sản xuất sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 16,7%); khai thác quặng kim loại tăng 15,7%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 8,2%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 8,1%; sản xuất sản phẩm thuốc lá, sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất cùng tăng 7,4%.

Thậm chí, ngay cả một số sản phẩm công nghiệp chủ lực cũng theo đà xu hướng giảm sâu. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 7 tháng giảm sâu hoặc tăng thấp so với cùng kỳ năm trước: Khí đốt thiên nhiên dạng khí giảm 8,8%; xe máy giảm 7,7%; quần áo mặc thường giảm 7,1%; điện thoại di động giảm 6,3%; khí hóa lỏng LPG giảm 5,4%; thép cán giảm 4,9%; thức ăn cho gia súc giảm 3,9%...

Trong bối cảnh khá ảm đảm đó, vẫn còn một vài điểm sáng khi mà một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng khá so với cùng kỳ năm trước: Xăng dầu các loại tăng 18,6%; thép thanh, thép góc tăng 13,8%; ti vi tăng 12,4%; linh kiện điện thoại tăng 11,4%; bột ngọt tăng 10,5%; phân ure tăng 9%; thuốc lá điếu tăng 7,4%; nước máy thương phẩm tăng 5,4%...

Theo một số chuyên gia, khả năng tình hình sản xuất công nghiệp từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn hơn khi mà dịch Covid-19 đang xuất hiện trở lại và Chính phủ đang phải dồn sức để khoanh vùng, dập dịch. Các chính sách kích cầu nền kinh tế của nhiều nước trên thế giới vẫn chưa kịp phát huy tác dụng khi mà các biện pháp giãn cách xã hội vẫn phải được triển khai để dập dịch.

Đối với Việt Nam, cuộc chiến chống dịch bệnh đang tái khởi động trở lại. Dù hiện nay, Chính phủ và các bộ, ngành đang dồn sức hỗ trợ nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp song chắc chắn sẽ tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong thời gian tới. Do vậy, một số ý kiến cho rằng, đòi hỏi đặt ra hiện nay là tiếp tục chuẩn bị các kịch bản, các phương án triển khai dự phòng để không ảnh hưởng đến hoạt động của nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp.