Chính sách tài khóa đồng bộ giúp cộng đồng doanh nghiệp vượt khó


Ngày 8/4/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 41/2020/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất nhằm kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân vượt qua khó khăn trước tác động bất lợi của đại dịch Covid-19. TS. Vũ Đình Ánh - chuyên gia kinh tế đã chia sẻ về những giải pháp được đề cập tại Nghị định này.

Chính sách tài khóa đồng bộ giúp cộng đồng doanh nghiệp vượt khó.
Chính sách tài khóa đồng bộ giúp cộng đồng doanh nghiệp vượt khó.

Phóng viên: Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 41/2020/NĐ-CP với gói hỗ trợ 180 nghìn tỷ đồng. Ông đánh giá thế nào về đề xuất bổ sung các ngành, lĩnh vực của Bộ Tài chính trong bối cảnh dịch Covid-19 đã và đang gây ra không ít khó khăn cho nguồn thu ngân sách nhà nước?

TS. Vũ Đình Ánh.
TS. Vũ Đình Ánh.

TS. Vũ Đình Ánh: Có thể thấy, vừa qua, Bộ Tài chính đã tiếp thu cơ bản ý kiến các bộ, ngành và địa phương vào nội dung dự thảo Nghị định. Trong đó, đã bổ sung các ngành, lĩnh vực vào đối tượng được gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất và điều chỉnh quy mô của gói hỗ trợ tài khóa để hỗ trợ tốt hơn cho người dân và cộng đồng doanh nghiệp gặp khó khăn.

Việc liên tục điều chỉnh mở rộng quy mô, đối tượng hỗ trợ được cơ quan soạn thảo căn cứ trên những đánh giá thực tế về tình hình, tác động của dịch bệnh đối với nền kinh tế tại từng thời điểm, đặc biệt là đối với khu vực doanh nghiệp. Qua đó, tạo điều kiện tốt hơn để cộng đồng doanh nghiệp có thêm cơ hội vượt qua những khó khăn, giảm thiểu những thiệt hại về kinh tế do tác động của dịch Covid-19 trong thời gian tới.

Tôi cho rằng, với 98% trong tổng số hàng trăm nghìn doanh nghiệp của Việt Nam được hưởng gói hỗ trợ theo tinh thần Nghị định số 41/2020/NĐ-CP thì gần như tuyệt đại đa số doanh nghiệp sẽ được hưởng sự hỗ trợ rất tích cực này từ phía Nhà nước. Đây là một tín hiệu rất mừng trong bối cảnh những tác động của dịch bệnh khá toàn diện và tiêu cực đối với nền kinh tế.

Ông đánh giá thế nào khi cơ quan soạn thảo đã bổ sung các tổ chức tín dụng và các doanh nghiệp bất động sản vào đối tượng thụ hưởng hỗ trợ?

Trong nền kinh tế, các bộ phận của nền kinh tế có tác động lẫn nhau, nghĩa là khó khăn của khu vực này sẽ kéo theo khó khăn của khu vực khác. Khi dịch kéo dài, không chỉ những doanh nghiệp bị tác động trực tiếp mà còn tác động gián tiếp đến các ngành nghề lĩnh vực khác.

Chính vì vậy, không ít ngành nghề chịu tác động gián tiếp từ dịch bệnh Covid-19 có thể có cơ hội phát triển nếu như được giảm bớt gánh nặng, áp lực tài chính, từ đó tác động ngược lại đến các đối tượng bị tác động trực tiếp và giúp các đối tượng này phát triển.

Tôi đánh giá rất cao ở gói hỗ trợ này là Nhà nước không chỉ hỗ trợ các ngành nghề gặp khó khăn trong tiêu thụ, sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu mà còn hướng tới hỗ trợ phát triển thị trường trong nước cho cân bằng cũng như giúp khu vực sản xuất, kinh doanh chuyển hướng kinh doanh đồng thời với duy trì, tái cơ cấu lại doanh nghiệp.

Có thể nói, Nghị định được ban hành kịp thời là một giải pháp quan trọng, thiết thực giúp doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân vượt qua khó khăn trước tác động bất lợi của đại dịch Covid-19. 

Bên cạnh đó, phạm vi đối tượng hỗ trợ lần này có tác động bao trùm, xử lý được cả vấn đề mối liên quan giữa các bộ phận khác nhau trong nền kinh tế. Đây chính là điểm mấu chốt của một chính sách tài khóa được sử dụng đồng bộ để đạt được đa mục tiêu như vừa hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp trong giai đoạn đặc biệt khó khăn này, vừa đảm bảo ổn định kinh tế, chính trị quốc gia.

Để triển khai gói hỗ trợ có hiệu quả và đặc biệt tránh tình trạng bị trục lợi, theo ông, cần chú ý những vấn đề gì?

Thực tế, Việt Nam đã có những kinh nghiệm nhất định về triển khai những gói hỗ trợ về mặt tài khóa nói riêng cũng như các chính sách tài chính, tín dụng, tiền tệ nói chung. Đặc biệt là kinh nghiệm cách đây hơn 10 năm khi đối mặt với khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008-2009, cụ thể:

Thứ nhất, quan trọng nhất là phải hỗ trợ đúng 5 nhóm đối tượng mà Nghị định số 41/2020/NĐ-CP đã  đề cập. Việc xác định đúng đối tượng rất quan trọng để tránh bị lạm dụng, kể cả từ phía cơ quan quản lý cũng như đối tượng thụ hưởng.

Thứ hai, là xác định đúng vấn đề để hỗ trợ cho trúng đối tượng. Tôi đơn cử như các đối tượng không có nhu cầu về mặt vay vốn để mở rộng hay duy trì sản xuất thì việc cho vay vốn sẽ không có ý nghĩa. Hay như các đối tượng không đi thuê đất thì người ta cũng sẽ không quan tâm đến việc gia hạn tiền thuê đất.

Thứ ba, là chống lạm dụng, trục lợi khi hưởng các gói hỗ trợ. Điều này cần được cơ quan quản lý quan tâm, thậm chí có những chế tài để làm sao hạn chế thấp nhất.

Thứ tư, là tính khả thi của những biện pháp, điều kiện chúng ta đưa ra khi triển khai gói hỗ trợ này.

Cuối cùng, việc hỗ trợ này cần phải dựa trên nguyên tắc công khai, minh bạch và bình đẳng.

Trong thời gian gia hạn, nguồn thu sẽ giảm đi, điều này có tác động ra sao đến công tác điều hành ngân sách nhà nước, thưa ông?

Chắc chắn tình hình ngân sách nhà nước năm 2020 sẽ gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh các khoản thu ngân sách đều chịu tác động rất lớn của dịch bệnh và sự giảm sút nguồn thu ngân sách thông qua sản xuất, dịch vụ, xuất nhập khẩu, giá dầu…

Trong khi đó, các khoản chi ngân sách lại tăng lên rất nhiều, bao gồm cả các khoản chi bất thường trực tiếp liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19 cũng như các khoản chi gián tiếp là gói hỗ trợ có quy mô lớn, ví dụ như gói hỗ trợ tài khóa 180 nghìn tỷ đồng khi đưa vào triển khai.

Tuy nhiên, có thể thấy, về kỹ thuật, gói hỗ trợ chủ yếu tập trung vào biện pháp gia hạn các khoản thu nộp ngân sách nên khó khăn trong điều hành chỉ mang tính tạm thời, không ảnh hưởng đến cân đối chung về ngân sách nhà nước của cả năm 2020.

Mặc dù vậy, theo tôi, cũng phải lường trước các trường hợp tác động trực tiếp ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước năm 2020. Theo đó, Bộ Tài chính vẫn nên có các phương án điều hành phù hợp với diễn biến của tình hình dịch bệnh, giúp cho ngân sách nhà nước có thể đồng thời thực hiện cả 3 nhiệm vụ thu - chi - hỗ trợ mà vẫn đảm bảo sự ổn định, bền vững,

Xin cảm ơn ông!