Tỉnh Cà Mau:

Chống dịch song hành phục hồi kinh tế

Theo Phương Lài/Báo Cà Mau

Những tháng đầu năm nhiều địa phương của tỉnh Cà Mau nỗ lực thực hiện hiệu quả mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch COVID-19, vừa phát triển sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới. Sự đồng lòng, đoàn kết của chính quyền và Nhân dân đã tạo động lực để địa phương thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đề ra.

Do dịch bệnh, đầu ra không ổn định nên giá các loại thuỷ sản khai thác trên địa bàn thị trấn Sông Ðốc giảm so với cùng kỳ năm 2020. Ảnh: Hoàng Vũ
Do dịch bệnh, đầu ra không ổn định nên giá các loại thuỷ sản khai thác trên địa bàn thị trấn Sông Ðốc giảm so với cùng kỳ năm 2020. Ảnh: Hoàng Vũ

Trong đó, kinh tế nông nghiệp, giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thu ngân sách, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm… đạt và vượt kế hoạch đề ra, từ đó tạo sinh khí phấn khởi trong các tầng lớp Nhân dân.

Cụ thể, 9 tháng đầu năm, tổng giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ước đạt 901 tỷ đồng, đạt 63,81% kế hoạch, tăng 5,63% so với cùng kỳ; thu ngân sách 81 tỷ đồng, đạt 83,7% chỉ tiêu tỉnh giao; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế ước đạt 92,3%, bảo hiểm xã hội bắt buộc đạt 95,93%, bảo hiểm thất nghiệp đạt 98,61%.

Diện tích lúa gieo trồng đạt 59.302 ha, năng suất bình quân ước đạt 5,94 tấn/ha, sản lượng lúa năm 2021 ước thực hiện 352.179 tấn, đạt 114% kế hoạch, bằng 102,1% so với cùng kỳ. Ðối với diện tích lúa hè thu, mặc dù thu hoạch trùng với thời điểm giãn cách xã hội nhưng ban chỉ đạo sản xuất các cấp đã mời gọi, tạo điều kiện thuận lợi để các công ty, doanh nghiệp, thương lái thu mua hết lúa thương phẩm của người dân.

Vụ mùa vừa qua, gia đình ông Ngô Hoàng Việt (Ấp 19/5, xã Khánh Bình) sạ giống lúa OM18, tuy thời điểm thu hoạch lúa trùng thời gian thực hiện giãn cách xã hội nhưng thương lái địa phương vẫn đến thu mua, giá giảm so với cùng kỳ khoảng 1.000 đồng/kg. Hiện ông tiếp tục chuẩn bị giống lúa chất lượng, cải tạo đất và đợi lịch thời vụ sẽ tiến hành gieo sạ.

Ông Việt chia sẻ: “Tôi và bà con xung quanh đã cải tạo đất, chờ có lịch thời vụ sẽ tiến hành gieo sạ. Vụ mùa này gia đình tôi sạ giống lúa Ðài thơm 8, giống lúa này ngon cơm, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Ai cũng mong dịch bệnh ổn định để vụ mùa tới lúa có giá hơn, thu nhập của nông dân khấm khá hơn”.

Mùa dịch nhưng gia đình ông Quách Vĩnh Phương (Ấp 5, xã Trần Hợi) và các hộ dân lân cận vẫn duy trì trồng các loại rau màu như khổ qua, dưa leo, rau thơm, rau muống… Mặc dù có những đợt thu hoạch phải ngưng nhiều ngày vì giãn cách xã hội, nhưng sau đó thương lái vẫn đến tận nơi để thu mua.

Ông Phương chia sẻ: “Dịch bệnh, việc đi lại khó khăn, giá các loại rau củ giảm là tình hình chung nên nông dân phải chấp nhận. Vụ dưa leo tới tôi trồng diện tích nhỏ hơn so với mọi năm. Khi dịch bệnh ổn định, hàng hoá thông thương thuận lợi thì gia đình sẽ mở rộng diện tích trồng lớn hơn”.

2 con trăng phải neo tàu vì dịch Covid-19, gia đình ông Huỳnh Văn Nhựt (Khóm 1, thị trấn Sông Ðốc) dự kiến tiếp tục neo đậu tàu đến khi dịch bệnh được kiểm soát, hàng hoá lưu thông, giá cả ổn định mới ra khơi. Thế nhưng, vì gia đình 23 bạn tàu gặp rất nhiều khó khăn, nên để đảm bảo cuộc sống vợ con bạn tàu, hơn 10 ngày qua 3 chiếc tàu của ông Nhựt đã bắt đầu ra khơi đánh bắt lại.

Ông Nhựt chia sẻ: “3 tàu đã đi được 10 ngày, do biển động, lượng cá, tôm giảm nên tiền bán tôm, cá, mực vẫn chưa đủ chi phí dầu, nước đá. Do dịch bệnh nên đầu ra của thuỷ sản gặp khó. Biết là lỗ, nhưng nếu mình không cho tàu đi thì đời sống của anh em bạn tàu biết dựa vào đâu. Thôi thì chia sẻ với nhau lúc khó khăn, hoạn nạn để khi dịch bệnh được kiểm soát, việc lưu thông thuận lợi, các mặt hàng thuỷ sản có đầu ra ổn định và giá cả cũng khá hơn”.

Ðến nay, tổng sản lượng nuôi và khai thác thuỷ sản trên địa bàn huyện Trần Văn Thời ước 113.800 tấn, đạt 77,4% kế hoạch, bằng 91% so với cùng kỳ. Trong đó, sản lượng nuôi 21.470 tấn, sản lượng khai thác trên 92.300 tấn.

Những tháng cuối năm, huyện Trần Văn Thời tập trung chỉ đạo sản xuất vụ đông xuân theo lịch thời vụ với việc chọn giống năng suất cao, dễ tiêu thụ, giá trị hàng hoá cao, chất lượng tốt để gieo sạ. Song song đó, chỉ đạo điều hành sản xuất linh hoạt, phù hợp với điều kiện thời tiết, điều kiện tự nhiên và điều kiện từng hộ gia đình, nhằm phát huy cao nhất hiệu quả sản xuất của bà con nông dân ở vùng ngọt. Ðối với khai thác thuỷ sản, huyện tạo mọi điều kiện để các công ty, xí nghiệp, các loại hình dịch vụ phục vụ thuỷ sản duy trì hoạt động, giúp tiêu thụ hết lượng sản phẩm khai thác được. 

Ông Trần Tấn Công - Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời thông tin, nhờ thực hiện nghiêm túc các chủ trương về phòng, chống dịch của cấp trên nên dịch Covid-19 trên địa bàn huyện được kiểm soát. Bên cạnh đó, huyện tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất, kinh doanh nhằm ổn định đời sống người dân và mục tiêu kép đạt kết quả khả quan.

“Tuy nhiên, để đạt mục tiêu này, rất cần các cơ quan, ban, ngành cấp trên hỗ trợ kêu gọi các doanh nghiệp lớn vào thu mua, tiêu thụ nông sản. Có như thế mới có thể kích cầu kinh tế phát triển, ổn định đời sống Nhân dân”, ông Trần Tấn Công cho biết