Chủ động, khẩn trương ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công


Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 được Quốc hội thông qua và thực hiện được hơn 1 năm. Để triển khai thi hành Luật, thời gian qua, Bộ Tài chính đã chủ động xây dựng trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền nhiều văn bản hướng dẫn. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện rất cần phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành và các địa phương.

Cần tiếp tục hoàn thiện khung quy định tài sản kết cấu hạ tầng đường bộ, một số loại tài sản kết cấu hạ tầng khác.
Cần tiếp tục hoàn thiện khung quy định tài sản kết cấu hạ tầng đường bộ, một số loại tài sản kết cấu hạ tầng khác.

Tạo cơ sở pháp lý đồng bộ

Theo Bộ Tài chính, để triển khai Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, thời gian qua, đã có 24 văn bản, bao gồm: 15 Nghị định của Chính phủ, 01 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 08 Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính. Ngoại trừ Nghị định quy định về việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án theo hình thức Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao, cho đến nay tất cả các văn bản hướng dẫn Luật Quản lý, sử dụng tài sản công đã được ban hành; tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho việc triển khai thực hiện.

Nhìn chung, các bản quy phạm pháp luật được ban hành đã tạo lập cơ sở pháp lý tương đối đầy đủ trong công tác quản lý, sử dụng tài sản công theo hướng quản lý chặt chẽ, sử dụng, khai thác có hiệu quả nguồn lực tài chính từ tài sản công.

Các bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai, phổ biến, tập huấn các nội dung mới của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật đến các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý. Qua đó, giúp các cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý, sử dụng tài sản công nắm bắt được các quy định mới để thực hiện việc quản lý, sử dụng tài sản công theo đúng quy định. Đồng thời, thực hiện việc rà soát các văn bản do bộ, ngành, địa phương ban hành có liên quan đến quản lý, sử dụng tài sản công để sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế cho phù hợp với các quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Đến nay, hầu hết các bộ, ngành, địa phương đã hoàn thành việc ban hành quy định về phân cấp trong quản lý tài sản công theo quy định tại Nghị định số 151/2017/NĐ-CP. Vì vậy, việc quyết định trong quản lý, sử dụng, xử lý tài sản công được thông suốt, tạo sự chủ động cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong quản lý, sử dụng tài sản công.

Vẫn còn hạn chế cần sớm khắc phục

Tài sản công ở nước ta có phạm vi rất rộng, do nhiều chủ thể khác nhau quản lý, sử dụng. Luật Quản lý, sử dụng tài sản công có nhiều đổi mới trong công tác quản lý, sử dụng, khai thác, xử lý tài sản công theo hướng chặt chẽ, công khai, minh bạch; tuy nhiên, đối với một số tài sản công đặc thù cần có quy trình rà soát, chuyển đổi phù hợp.

Hiện tại, một số loại tài sản và lĩnh vực còn thiếu các văn bản quy định chi tiết hoặc không còn phù hợp với Luật Quản lý, sử dụng tài sản công nhưng chưa được thay thế, sửa đổi, bổ sung. Ví dụ: việc chuyển đổi mô hình chợ, việc quản lý, khai thác quỹ nhà, đất do Công ty quản lý kinh doanh nhà quản lý, tài sản kết cấu hạ tầng đường bộ, một số loại tài sản kết cấu hạ tầng khác...

Bên cạnh đó, một trong nguyên nhân dẫn đến chậm tiến độ trong triển khai các quy định của Luật, đó là việc tiến độ ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng diện tích trụ sở chuyên dùng, công trình sự nghiệp, máy móc, thiết bị chuyên dùng còn chậm, ảnh hưởng tới việc đầu tư xây dựng, mua sắm, sửa chữa, nâng cấp, cải tạo và xử lý tài sản.

Theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, đến nay mới có khoảng 50% bộ, ngành, địa phương ban hành tiêu chuẩn, định mức máy móc, thiết bị chuyên dùng; đa số bộ, ngành, địa phương chưa ban hành tiêu chuẩn, định mức diện tích chuyên dùng, diện tích công trình sự nghiệp trong cơ sở hoạt động sự nghiệp.

Một số bộ, ngành, địa phương chưa ban hành kịp thời các văn bản phân cấp thẩm quyền để thi hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật. Trong đó, một số bộ, ngành, địa phương tiếp tục sử dụng quy định phân cấp đã ban hành trước thời điểm Luật Quản lý, sử dụng tài sản công có hiệu lực thi hành. Điều này có thể dẫn đến sai thẩm quyền khi quyết định mua sắm, thuê, sử dụng, xử lý tài sản công, xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân. Ngoài ra, việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP có những khó khăn nhất định.

Tiếp tục hoàn thiện quy định về quản lý, sử dụng tài sản công

Để nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài sản công, cần sớm hoàn thiện các quy định liên quan, đặc biệt là các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, cụ thể:

Thứ nhất, tiếp tục trình Chính phủ ban hành Nghị định sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư. Đồng thời, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương trong việc ban hành quy định về phân cấp quản lý tài sản công; phân cấp thẩm quyền ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công chuyên dùng.

Thứ hai, tập trung triển khai một số nội dung quản lý trọng tâm như: thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất; Phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trong việc ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công; Thực hiện hiện đại hóa công tác quản lý tài sản công và nâng cấp Cơ sở dữ liệu Quốc gia về tài sản công để từng bước cập nhật, quản lý thông tin của tất cả các tài sản công được quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Xây dựng Hệ thống giao dịch điện tử về tài sản công để thực hiện các giao dịch về tài sản (như: bán, chuyển nhượng, cho thuê tài sản, cho thuê quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng, chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng…) đảm bảo công khai, minh bạch trong công tác quản lý, xử lý tài sản công.

Thứ ba, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc quản lý, sử dụng tài sản công tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý; xử lý kịp thời nghiêm minh theo quy định của pháp luật liên quan đối với các tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý có hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng tài sản công.

Thứ tư, tập trung nguồn thu ngân sách nhà nước thông qua việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công, tổ chức xử lý tài sản công dôi dư (bán, chuyển nhượng...) đúng quy định của pháp luật, bảo đảm công khai, minh bạch; thực hiện nghiêm túc việc đăng tải thông tin đấu thầu, đấu giá, niêm yết giá khi thực hiện mua sắm, thuê, sử dụng tài sản công để cho thuê, liên doanh, liên kết, bán, chuyển nhượng tài sản công, cho thuê quyền khai thác, chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng… theo quy định của pháp luật. Đồng thời, rà soát, phân loại, xác định giá trị tài sản kết cấu hạ tầng giao thông (đường sắt quốc gia, hàng hải, hàng không, đường thủy nội địa, đường bộ), tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi hiện có để thực hiện việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản theo quy định.

Thứ năm, tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức tập huấn triển khai Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật.