Chủ động, tích cực triển khai các giải pháp, chính sách tài chính hiệu quả

Bài viết đăng trên Tạp chí Tài chính Kỳ 1 - Tháng 6/2020

Những tháng đầu năm 2020, nhằm khắc khục khó khăn do dịch Covid-19 gây ra, Chính phủ đã quyết liệt triển khai các giải pháp tài chính hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. Các giải pháp tài chính tài chính đã nhanh chóng phát huy hiệu quả, tạo sự đồng thuận đánh giá cao của xã hội.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Không dừng lại ở đó, Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất các giải tài chính hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ. Giải pháp này triển khai không chỉ tiếp thêm động lực cho doanh nghiệp phát triển, mà còn tạo lực đẩy để cán đích mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020.

Đồng bộ các giải pháp tài chính tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Việt Nam được đánh giá là điểm sáng trong “cuộc chiến” chống dịch Covid-19, với những kết quả đáng khích lệ, được cộng đồng quốc tế và nhân dân đánh giá cao. Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở nhiệm vụ phòng, chống dịch, Chính phủ còn luôn đồng hành cùng doanh nghiệp (DN) và người dân vượt qua khó khăn để ổn định và khôi phục sản xuất, kinhdoanh.

Theo đó, ngay trong giai đoạn đầu, khi dịch Covid-19 còn chưa diễn biến căng thẳng, phức tạp, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính cùng các bộ, ngành đã đồng loạt triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ DN và người dân. Trong đó, điểm nhấn quan trọng nhất là quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp tài chính.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/3/2020 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19. Trong đó, 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp gồm: (i) Tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi về tiếp cận vốn, tín dụng, tài chính, thuế, thương mại, thanh toán điện tử; (ii) Rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, chi phí cho doanh nghiệp; (iii) Tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy xuất, nhập khẩu; (iv) Khẩn trương phục hồi và phát triển ngành du lịch, hàng không; (v) Đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư và cải thiện môi trường kinh doanh; (vi) Tập trung xử lý vướng mắc về lao động; (vii) Đẩy mạnh thông tin truyền thông.

Thực hiện nhiệm vụ, giải pháp trên, Bộ Tài chính đã nghiên cứu, đề xuất, xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị định số 41/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất có hiệu lực kể từ ngày ban hành và được áp dụng rộng rãi cho hầu hết DN, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh chịu tác động trực tiếp của dịch Covid-19. Đồng thời, hướng dẫn cụ thể, thống nhất, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nộp thuế. Ước tính có 90.192 DN được gia hạn với tổng số tiền thuế được gia hạn là 26.261 tỷ đồng.

Cùng với đó, Bộ Tài chính đã chủ động, chủ trì phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ rà soát để ban hành theo thẩm quyền hoặc trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản miễn, giảm thuế, phí, lệ phí như: Miễn lệ phí môn bài đối với nhiều đối tượng; miễn thuế nhập khẩu kịp thời đối với nguyên liệu sản xuất và một số mặt hàng phục vụ cho công tác phòng chống dịch bệnh; giảm nhiều khoản phí, lệ phí với mức giảm cao như: giảm 70% mức thu lệ phí đăng ký DN; giảm 67% mức phí công bố thông tin DN; giảm 50% mức phí thẩm định cấp lại giấy phép hoạt động bưu chính; giảm từ 50-70% phí thẩm định cấp sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động bưu chính; Thực hiện điều chỉnh giảm giá 10-50% đối với 9 nhóm dịch vụ và miễn hoàn toàn giá đối với 6 nhóm dịch vụ thuộc lĩnh vực chứng khoán áp dụng tại Sở giao dịch chứng khoán và Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam.

Đồng thời, nhiều loại thuế, phí, lệ phí được miễn, giảm gồm: Thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng vật tư và thiết bị y tế phục vụ phòng chống dịch Covid-19; Điều chỉnh biểu thuế xuất nhập khẩu để tháo gỡ khó khăn cho các DN hoạt động trong lĩnh vực da giày, dệt may, chế biến nông, lâm, sản, thủy sản, cơ khí, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp ô tô... Dự kiến, việc điều chỉnh này sẽ giúp giảm nghĩa vụ nộp NSNN của các DN năm  lên trên 6 nghìn tỷ đồng.

Cùng với các giải pháp trên, Bộ Tài chính đã đề xuất nâng mức giảm trừ gia cảnh của thuế TNCN; trong đó, điều chỉnh tăng mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế từ 09 triệu đồng/tháng lên mức 11 triệu đồng/tháng, cho mỗi người phụ thuộc từ 3,6 triệu đồng/tháng lên mức 4,4 triệu đồng/tháng. Sẽ có khoảng 6,8 triệu người được hưởng lợi từ động thái này, trong đó có khoảng 1 triệu đối tượng sẽ không phát sinh thuế TNCN phải nộp năm 2020. Tổng số thu nhập người lao động được giữ lại để chi tiêu thêm nhờ việc điều chỉnh này trong năm 2020 khoảng 10,3 nghìn tỷ đồng.

Song song với việc triển khai các giải pháp tài chính tháo gỡ khó khăn cho DN, Bộ Tài chính cũng triển khai thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP hỗ trợ trực tiếp cho người dân, người lao động, hộ kinh doanh gặp khó khăn do Covid-19 với tổng kinh phí khoảng 62.000 tỷ đồng. Chính sách hỗ trợ được áp dụng cho nhiều đối tượng người lao động, hộ kinh doanh cá thể, người sử dụng lao động có khó khăn về tài chính, người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo…

Đặc biệt, nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho DN, nhất là các DN siêu nhỏ, Bộ Tài chính đã đề xuất Chính phủ trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết về giảm thuế TNDN phải nộp của năm 2020 đối với DN nhỏ và siêu nhỏ. Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với đề xuất của Chính phủ về việc giảm 30% thuế thu nhập DN (TNDN) cho một số DN theo tiêu chí về doanh thu và lao động thuộc nhóm DN nhỏ, siêu nhỏ.

Theo số liệu thống kê, tính đến cuối năm 2019, Việt Nam có khoảng 760.000 DN hoạt động. Nhóm DN có quy mô nhỏ và vừa chiếm khoảng 97% tổng số DN, trong đó, DN có quy mô siêu nhỏ chiếm hơn 63%, DN quy mô nhỏ chiếm hơn 30% và DN quy mô vừa chiếm gần 4%. Như vậy, các DN nhỏ và siêu nhỏ này có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế cũng như ổn định xã hội.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, DN có quy mô nhỏ luôn là đối tượng được chú trọng trong các chính sách phát triển kinh tế ở nhiều quốc gia. Chính phủ nhiều nước đã thông qua các chính sách và chương trình hỗ trợ trên các phương diện khác nhau nhằm tạo điều kiện thuận lợi và thúc đẩy sự phát triển nhóm DN này, trong đó chính sách hỗ trợ về thuế cũng là công cụ thường được các nước sử dụng. Nhiều nước có quy định áp dụng mức thuế suất thấp hơn mức thuế suất phổ thông như: Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hà Lan, Brasil…

Theo tính toán của các cơ quan chức năng, với việc giảm thuế TNDN, NSNN năm 2020 sẽ giảm thu khoảng 15.840 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, số giảm thu do hỗ trợ DN nhỏ, siêu nhỏ sẽ được bù đắp từ các loại thuế gián thu và các nguồn thu ngân sách khác vì số tiền thuế được giảm sẽ được sử dụng cho tiêu dùng và đầu tư.

Tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp tài chính

Việc khôi phục dần các hoạt động trên cơ sở nới lỏng giãn cách xã hội đang là lực đẩy mạnh mẽ cho sự phát triển và đây cũng chính là thời điểm bước vào giai đoạn mới của thực hiện nhiệm vụ kép vừa tiếp tục chống dịch vừa thực hiện phục hồi kinh tế-xã hội. Để hỗ trợ DN, người dân phục hồi và ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng thời nắm bắt được các cơ hội phát triển, các nhiệm vụ trọng tâm cần được tập trung triển khai gồm:

Thứ nhất, tiếp tục bám sát các nội dung về thuế đã báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội để sớm được ban hành và tổ chức triển khai thực hiện tốt ngay sau khi được ban hành. Đó là, miễn giảm thuế TNDN cho DN nhỏ và siêu nhỏ; Điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh của cá nhân người nộp thuế và người phụ thuộc; Tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2025.

Thứ hai, sớm ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định số 134/2016/NĐ-CP và Nghị định số 125/2017/NĐ-CP của Chính phủ về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, trong đó đã đề xuất giảm thuế 24 nhóm mặt hàng; miễn thuế toàn bộ nguyên liệu, linh kiện, vật tư để sản xuất các ngành công nghiệp cơ khí, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp ô tô; để gia công, sản xuất sản phẩm xuất khẩu. Ngoài ra, các quy định tại dự thảo đã tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho DN hoạt động trong lĩnh vực da giày, dệt may, chế biến nông, lâm, thủy sản…

Thứ ba, sớm thực hiện giảm tiền thuê đất cho các cơ sở sản xuất kinh doanh bị ngừng sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Thứ tư, tiếp tục rà soát, cắt giảm các khoản phí, lệ phí để giảm chi phí cho DN, người dân.

Thứ năm, đẩy mạnh thực hiện các giải pháp đã ban hành để DN, người dân nhanh chóng được hưởng hỗ trợ theo hướng tạo thuận lợi nhất, đồng thời tiếp tục theo dõi sát tình hình thực tế, nghiên cứu, rà soát đánh giá tổng thể để đề xuất giải pháp về thuế, phí và lệ phí phù hợp, báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định;

Thứ sáu, giảm tiền chậm nộp đối với các DN sản xuất, trực tiếp nhập khẩu hàng hóa để tạo tài sản cố định bị cơ quan hải quan ấn định thuế giá trị gia tăng.

Thứ bảy, xem xét thực hiện gia hạn thời hạn nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa; chấp nhận C/O sử dụng chữ ký, con dấu điện tử hoặc bản chụp/bản scan C/O để nộp cơ quan hải quan để tháo gỡ kịp thời khó khăn cho các DN xuất nhập khẩu.

Thứ tám, tiếp tục nghiên cứu, đề xuất giải pháp hỗ trợ thị trường chứng khoán như: lùi thời hạn tổ chức Đại hội cổ đông thêm 03 tháng (đến trước ngày 30/9/2020), giảm thời hạn công bố thông tin mua cổ phiếu quỹ (từ 7 ngày xuống còn 1-2 ngày); cho phép DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài nếu đủ điều kiện được niêm yết trên thị trường chứng khoán. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng tạo thuận lợi cho người dân, DN.

Cùng với các giải pháp tài chính trên, cần nhanh chóng triển khai các chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ đồng bộ, qua đó hỗ trợ nền kinh tế và cộng đồng DN vượt qua khó khăn. Trong thời gian tới, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi sau giai đoạn khó khăn, cần tiếp tục rà soát triển khai các chính sách hỗ trợ nền kinh tế nói chung và cộng đồng DN, người nộp thuế nói riêng.

Trong đó, tích cực đẩy mạnh tuyên truyền các quy định của Chính phủ hỗ trợ cộng đồng DN, người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ. Thông tin tuyên truyền phải thường xuyên, liên tục theo nhiều hình thức, bảo đảm DN, hộ kinh doanh, người lao động tiếp cận và hiểu rõ phạm vi, đối tượng, điều kiện, trình tự, thủ tục để các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ thực hiện đúng và kịp thời nhận được gói hỗ trợ của nhà nước, tháo gỡ khó khăn cho người dân, DN.

Chính sách hỗ trợ nền kinh tế nói chung và DN và người dân nói riêng cần có sự kết hợp chặt chẽ, đồng bộ, đồng điệu giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Do vậy, các cơ quan liên quan cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với nhau trong việc kiến nghị, đề xuất các chính sách trình Chính phủ, trình Quốc hội nhưng vẫn đảm bảo sự ổn định kinh tế vĩ mô.

Ngoài ra, cần sớm nghiên cứu và triển khai kế hoạch phục hồi phát triển kinh tế-xã hội phù hợp với diễn biến của dịch trong và ngoài nước; Sớm trình Chính phủ ban hành Nghị quyết về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Tài liệu tham khảo:
1. Thủ tướng Chính phủ (2020), Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/3/2020 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19;
2. Chính phủ (2020), Tờ trình về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ;
3. Chính phủ (2020), Nghị định số 41/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 về việc gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất;
4. Bộ Tài chính (2020), Tờ trình Chính phủ số 47/TTr-BTC ngày 26/3/2020 về dự thảo Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất.