Chuyển đổi số nông nghiệp phát huy vai trò trụ đỡ nền kinh tế

Theo Mỹ Thanh/Báo Cần Thơ

Nông nghiệp Việt Nam tiếp tục khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Hậu COVID-19, nông nghiệp Việt Nam tiếp tục đứng trước nhiều cơ hội lẫn thách thức. Ðể tận dụng tối đa cơ hội, giảm bớt khó khăn, việc nhanh chóng chuyển đổi số cho nền nông nghiệp đang là giải pháp tối ưu trong giai đoạn hiện nay.

Mô hình trồng rau thủy canh áp dụng công nghệ điện toán đám mây để quản lý nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng tại Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Minh Hòa. Ảnh: MT
Mô hình trồng rau thủy canh áp dụng công nghệ điện toán đám mây để quản lý nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng tại Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Minh Hòa. Ảnh: MT

Đón xu thế

Tại diễn đàn quốc tế Chuyển đổi số nông nghiệp Việt Nam 2021, với chủ đề “Bắt kịp các xu thế thị trường, phát huy vai trò trụ đỡ của nền kinh tế trong bối cảnh đại dịch và hậu đại dịch COVID-19”, nhiều chuyên gia cho rằng, vai trò trụ đỡ của nông nghiệp đã được khẳng định trong những năm qua, đặc biệt là trong bối cảnh dịch COVID-19 hoành hành gần 2 năm qua.

Tuy nhiên, nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước những thách thức từ biến đổi khí hậu, biến động thị trường, biến chuyển từ xu thế tiêu dùng. Ðiều này đòi hỏi nông nghiệp nước ta phải chuyển mình phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế.

Song song đó, thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp phải dựa trên nền tảng dữ liệu; chuyển đổi số mạnh mẽ trong công tác quản lý để đề ra chính sách, giải pháp kịp thời phát triển nông nghiệp như: dự báo, cảnh báo thị trường, quản lý quy hoạch.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh: Trước những tác động tiêu cực của dịch COVID-19, doanh nghiệp, nông dân đã nhận thức sâu sắc phải ứng dụng công nghệ thông minh, công nghệ số vào nông nghiệp để duy trì sự thông suốt ổn định trong sản xuất, cung ứng nông sản và chuẩn bị nền tảng cho sự phục hồi, phát triển vững chắc sau này. Và diễn đàn này nhằm thúc đẩy đối thoại giữa nhà hoạch định chính sách, địa phương, chuyên gia, doanh nghiệp trong nước và quốc tế về những vấn đề then chốt trong chiến lược phát triển nông nghiệp Việt Nam theo hướng số hóa. Qua đó, đề xuất giải pháp đột phá để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của nông nghiệp Việt Nam trong bối cảnh thế giới đang có những biến chuyển nhanh, khó lường, đặc biệt là dưới tác động của đại dịch toàn cầu.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, thế giới đang hướng đến nền kinh tế xanh, bền vững và thân thiện môi trường. Người tiêu dùng không chỉ mua giá trị hữu hình mà còn quan tâm giá trị vô hình như nguồn gốc xuất xứ, nông nghiệp xanh, trách nhiệm xã hội...

Do đó, chúng ta phải hướng đến nền nông nghiệp đa giá trị dựa trên lợi thế, tài nguyên bản địa sẵn có và gắn liền với những câu chuyện về phát triển, xây dựng thương hiệu. Song song đó, phải xây dựng hệ thống dữ liệu và thực hiện minh bạch dữ liệu, thông tin mới có thể đưa nông sản Việt Nam vươn xa, tạo được bước đột phá mới cho nền nông nghiệp nước nhà.

Thay đổi tư duy, tìm hướng đi phù hợp

Bên cạnh những tác động tiêu cực, dịch COVID-19 cũng là cơ hội để nông nghiệp Việt Nam chuyển đổi số mạnh mẽ, ghi tên mình trong bản đồ cung ứng nông nghiệp quốc tế. Ông David John Whitehead - đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Australia tại Việt Nam, cho biết: Người dân Australia rất ưa chuộng sản phẩm từ Việt Nam nên cơ hội để nông sản Việt xuất khẩu sang Australia là khá lớn. Hiện nông sản Việt Nam thâm nhập được nhiều thị trường khó tính và thị trường Australia cũng tương tự như vậy. Với người tiêu dùng ở Australia, nhà sản xuất, doanh nghiệp Việt Nam cần xây dựng thương hiệu rõ ràng, đảm bảo chất lượng ổn định, để họ luôn tin sản phẩm Việt Nam an toàn, chất lượng cao.

Nhiều địa phương ở Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn với các sản phẩm nông sản chủ lực có kim ngạch xuất khẩu cao. Do đó, các bộ, ngành, địa phương cần phối hợp, đẩy mạnh số hóa để tăng cường xúc tiến thương mại, kết nối thị trường, phát huy tiềm năng hiện có. Ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Cà Mau, cho biết: Cà Mau là tỉnh trọng điểm về sản xuất tôm với diện tích nuôi lên đến 300.000ha nuôi tôm; có 38 nhà máy chế biến tôm, công suất hằng năm 2 triệu tấn; kim ngạch xuất khẩu tôm hằng năm hàng tỉ USD.

Ðặc biệt, thế mạnh của tỉnh là tôm sinh thái giá trị cao và chúng tôi đang phấn đấu để xay dựng thương hiệu, đạt chứng nhận quốc tế, gắn với công nghệ số. Tỉnh xây dựng phần mềm truy xuất nguồn gốc cho dòng sản phẩm này và tiến hành khoảng 6 tháng nay. Cà Mau mong các doanh nghiệp, hộ nuôi cùng phối hợp, hỗ trợ để phát triển ngành tôm đúng với định hướng qua đó nâng tầm giá trị con tôm của tỉnh.

Quá trình chuyển đổi số cho ngành Nông nghiệp, việc chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu áp dụng công nghệ là vấn đề cấp thiết và cần phải được tính toán những phương án dài hơi trong tương lai. Theo Phó Giáo sư Tiến sĩ Trần Ðăng Xuân, Trường Ðại học Hiroshima (Nhật Bản), hiện nay, người dân Việt Nam sử dụng điện thoại thông minh khá nhiều, tuy nhiên hầu hết dùng để giải trí thay vì phục vụ cho việc sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp.

Bên cạnh đó, nhiều nông dân còn e ngại cải tiến, tiếp cận các phương thức canh tác theo hướng nông nghiệp số. Do đó, Chính phủ nên có chính sách tăng cường phát triển nông nghiệp số; tuyên truyền để nông dân hiểu nông nghiệp số sẽ giúp nông dân giảm thiểu tác động tiêu cực của khí hậu; đào tạo kiến thức, kỹ năng để nông dân tiếp cận cách thức giao dịch trực tuyến...