Đắk Lắk giải ngân vốn đầu tư công quá thấp

Theo Công Lý/nhandan.vn

Ngày 13/9, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk tổ chức phiên họp thường kỳ tháng 8 để đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh tháng 8 và triển khai nhiệm vụ tháng 9/2022. Một trong nội dung được các đại biểu quan tâm là tình hình giải ngân vốn đầu tư công từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh đạt quá thấp.

Tại phiên họp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị chỉ đạo các tổ công tác của tỉnh tăng cường kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn cho các chủ đầu tư, nếu các sở, ngành, địa phương nào chậm giải ngân sẽ chuyển vốn cho đơn vị khác.
Tại phiên họp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị chỉ đạo các tổ công tác của tỉnh tăng cường kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn cho các chủ đầu tư, nếu các sở, ngành, địa phương nào chậm giải ngân sẽ chuyển vốn cho đơn vị khác.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đắk Lắk, kế hoạch đầu tư công năm 2021 trên địa bàn tỉnh đã được cấp có thẩm quyền cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2022 nguồn vốn ngân sách tỉnh quản lý là 614,586 tỷ đồng. Tuy nhiên, tính đến ngày 10/9/2022 chỉ mới giải ngân được 73,276 tỷ đồng, đạt 11,92% kế hoạch.

Đối với kế hoạch đầu tư công năm 2022, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã phân bổ cho các dự án và Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp vừa và nhỏ là 3.682,35 tỷ đồng, trong đó, đã phân bổ chi tiết cho các dự án trong kế hoạch năm 2022 là 3.510,842 tỷ đồng. Tuy nhiên, tính đến ngày 10/9/2022 toàn tỉnh chỉ mới giải ngân 913,194 tỷ đồng, đạt 26% kế hoạch.

Qua theo dõi của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đắk Lắk cho thấy, có 6 đơn vị chưa giải ngân được đồng vốn nào gồm: Sở Y tế, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Tỉnh ủy và 9 đơn vị giải ngân dưới mức bình quân chung của tỉnh 26%, trong đó có 4 đơn vị giải ngân dưới 10%, 5 đơn vị giải ngân dưới 26%; 18 đơn vị giải ngân trên mức bình quân chung của tỉnh 26% kế hoạch.

Cụ thể, đối với 6 đơn vị chưa giải ngân được đồng vốn đầu tư công nào, điển hình như: Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk thực hiện Dự án mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn từ nguồn vốn ODA, kế hoạch nguồn vốn bố trí năm 2022 là 2,384 tỷ đồng, nhưng đến nay chưa giải ngân được đồng vốn nào mà đang làm hồ sơ đề nghị rút vốn gửi Trung ương.

Công tác giải phóng mặt bằng chậm là một trong những lý do chính khiến việc giải ngân vốn đầu tư ở Đắk Lắk đạt thấp.
Công tác giải phóng mặt bằng chậm là một trong những lý do chính khiến việc giải ngân vốn đầu tư ở Đắk Lắk đạt thấp.

Như Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Lắk thực hiện Dự án tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai, kế hoạch nguồn vốn bố trí năm 2022 là 30,560 tỷ đồng, nhưng đến nay vẫn chưa giải ngân được đồng vốn nào, hiện nay chủ đầu đang đôn đốc các đơn vị thi công, đơn vị kiểm tra nghiệm thu hoàn thiện hồ sơ đã hoàn thành để thực hiện giải ngân...

Cũng theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đắk Lắk, trong tổng số nguồn vốn đầu tư công năm 2022 của tỉnh Đắk Lắk, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Đắk Lắk được bố trí kế hoạch vốn năm 2022 là 409,665 tỷ đồng, đến nay chỉ mới giải ngân được 67,552 tỷ đồng, đạt 16,5% kế hoạch.

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk được bố trí kế hoạch vốn năm 2022 là 1.124,922 tỷ đồng, nhưng đến nay chỉ mới giải ngân được 99,249 tỷ đồng, đạt 8,8% kế hoạch.

Các huyện, thị xã, thành phố và các sở, ngành được bố trí kế hoạch vốn năm 2022 là 1.976,255 tỷ đồng, nhưng đến nay chỉ mới giải ngân được 746,393 tỷ đồng, đạt 37,8% kế hoạch.

Đặc biệt, tình hình triển khai đối với dự án khởi công mới nguồn vốn ngân sách Trung ương việc giải ngân vốn đạt rất thấp. Cụ thể, năm 2022 tỉnh Đắk Lắk bố trí mở mới cho 20 dự án với tổng số vốn 951 tỷ đồng, chiếm 83% kế hoạch năm vốn ngân sách Trung ương, nhưng đến ngày 9/9/2022 chỉ mới giải ngân được 29,9 tỷ đồng, đạt 3,1% kế hoạch...

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đắk Lắk Đinh Xuân Hà cho biết, lý do giải ngân đầu tư công còn thấp là do một số dự án thuộc kế hoạch vốn kéo dài năm 2021 sang năm 2022 đang chờ phê duyệt quyết toán, đang chờ nghiệm thu khối lượng hoàn thành và đang chờ kết luận của Thanh tra, Kiểm toán nên chưa thực hiện giải ngân và dự kiến sẽ giải ngân trong quý III và quý IV năm 2022.

Tình trạng thiếu đất đắp cho công trình do chưa quy hoạch mỏ đất khai thác thực hiện công trình cũng là nguyên nhân khiến việc giải ngân vốn đầu tư công nhiều công trình trên địa bàn tỉnh đạt thấp.
Tình trạng thiếu đất đắp cho công trình do chưa quy hoạch mỏ đất khai thác thực hiện công trình cũng là nguyên nhân khiến việc giải ngân vốn đầu tư công nhiều công trình trên địa bàn tỉnh đạt thấp.

Công tác giải phóng mặt bằng thực hiện chậm do nhiều vướng mắc như: kiểm đếm, đo đạc, lập phương án, phê duyệt phương án... Chủ đầu tư chưa tích cực phối hợp chính quyền địa phương để thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng; nhiều dự án vừa thi công vừa lập phương án bồi thường giải phóng mặt bằng dẫn đến chậm bàn giao mặt bằng thi công, ảnh hưởng đến tiến độ thi công và giải ngân, đồng thời làm phát sinh chi phí, tăng tổng mức đầu tư phải làm thủ tục điều chỉnh dự án, điều chỉnh chủ trương đầu tư dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện dự án.

Bên cạnh đó, tình trạng thiếu đất đắp cho công trình do chưa quy hoạch mỏ đất khai thác thực hiện công trình; biến động giá vật liệu xây dựng 6 tháng đầu năm tăng cao dẫn đến một số nhà thầu thi công sợ lỗ nên hoạt động cầm chừng chờ giá vật liệu ổn định mới thi công nên không có khối lượng.

Đối với vốn ngân sách Trung ương, các công trình mở mới của kế hoạch trung hạn 2021-2025 chủ yếu tập trung trong năm 2022 và trong năm 2022 tỉnh bố trí mở mới cho 24/27 dự án, còn 3 dự án chuyển tiếp với tổng vốn 951 tỷ đồng, hầu hết là các dự án nhóm B. Do đó, quy trình kéo dài, mất nhiều thời gian do yêu cầu phải đấu thầu 2 bước.

Mặc dù, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk bố trí vốn chuẩn bị đầu tư từ năm 2021, nhưng đến nay các dự án vẫn đang trong quá trình phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công tổng dự toán, chưa phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, dự kiến trong tháng 9/2022 mới hoàn thành thủ tục để đấu thầu xây lắp và thực hiện giải ngân kế hoạch vốn được giao.

Đối với nguồn vốn ngân sách địa phương, phần lớn đầu tư từ nguồn thu sử dụng đất nhưng việc thu tiền sử dụng đất còn chậm nên thiếu vốn để thực hiện giải ngân cho các dự án.

Mặt khác, qua kiểm tra của các Tổ công tác giải ngân của tỉnh còn cho thấy, các dự án đã hoàn thành nghiệm thu đưa vào sử dụng hoặc đang trình quyết toán nhưng các chủ đầu tư không thực hiện giải ngân mà chờ phê duyệt quyết toán xong mới giải ngân.

Đối với các dự án ODA, ngoài các nguyên nhân nêu trên, còn do các chủ đầu tư đã đăng ký vốn kế hoạch năm 2022 cao so nhu cầu thực tế, vì lý do tránh trường hợp Trung ương không cho phép kéo dài kế hoạch năm 2021 sang năm 2022 để thực hiện giải ngân.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đắk Lắk Đinh Xuân Hà cho biết thêm, ngày 23/6/2022, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã thành lập 4 Tổ công tác kiểm tra giải ngân, do 3 đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và 1 đồng chí Giám đốc Sở làm Trưởng đoàn.

Hiện nay, Tổ công tác vẫn đang tiến hành làm việc với các chủ đầu tư để kiểm tra đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 trên địa bàn tỉnh cho từng dự án.

Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh tập trung chỉ đạo đối với từng chủ đầu tư và giải quyết khó khăn, vướng mắc từng dự án và sẽ kịp thời tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh điều chuyển vốn đối với các dự án không có khả năng giải ngân sang các dự án có nhu cầu giải ngân vốn.