Dấu ấn 10 năm hoạt động và phát triển thị trường trái phiếu chính phủ

Bài viết đăng trên Tạp chí Tài chính Kỳ 1 - Tháng 12/2019

Ngày 24/9/2009, thị trường trái phiếu chính phủ chính thức khai trương và đi vào hoạt động. Đến nay, sau 10 năm hoạt động, thị trường này đã trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho đầu tư phát triển, hỗ trợ công tác phối hợp điều hành chính sách tài chính - tiền tệ của Chính phủ, góp phần củng cố hình ảnh và độ tín nhiệm của Việt Nam trên thị trường tài chính quốc tế.

Dấu ấn 10 năm hoạt động  và phát triển thị trường  trái phiếu chính phủ.
Dấu ấn 10 năm hoạt động và phát triển thị trường trái phiếu chính phủ.

Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, thúc đẩy thị trường phát triển

Trong 10 năm qua, hệ thống khuôn khổ pháp lý đối với thị trường trái phiếu (TPCP) từng bước được hoàn thiện, giúp thị trường trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho đầu tư phát triển. Cụ thể, việc Quốc hội ban hành Luật Quản lý nợ công, Luật Ngân sách Nhà nước (NSNN), Luật Đầu tư công, Luật Chứng khoán… đã tạo ra nền tảng pháp lý quan trọng cho việc tổ chức phát hành, giao dịch và sử dụng công cụ giao dịch TPCP.

Kể từ năm 2011, để đáp ứng nhu cầu huy động vốn của NSNN và phù hợp với thực trạng phát triển của thị trường, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành các cơ chế chính sách để phát triển thị trường trái phiếu (TTTP) một cách đồng bộ trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp, phát triển cơ sở nhà đầu tư (NĐT) và nâng cao hiệu quả công tác quản lý ngân quỹ nhà nước. Đồng thời, Bộ Tài chính cũng đã ban hành 02 thông tư hướng dẫn tổ chức phát hành TPCP vào năm 2012 và năm 2015 theo hướng minh bạch hóa, từng bước tiếp cận các thông lệ quốc tế.

Để xây dựng một hành lang pháp lý thống nhất và xuyên suốt, tạo được định hướng rõ ràng cho việc phát triển TTTP nói chung và thị trường TPCP nói riêng, trên cơ sở quy định tại Luật Quản lý nợ công năm 2017, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 95/2018/NĐ-CP ngày 30/6/2018 quy định về phát hành, đăng ký, lưu ký, niêm yết và giao dịch công cụ nợ Chính phủ trên thị trường chứng khoán, đồng thời ban hành 03 Thông tư hướng dẫn gồm: Thông tư số 111/2018/TT-BTC về tổ chức phát hành; Thông tư số 30/2019/TT-BTC về tổ chức đăng ký, lưu ký, niêm yết và giao dịch; Thông tư số 110/2018/TT-BTC về tái cơ cấu danh mục nợ TPCP; trong đó tập trung vào các giải pháp thúc đẩy giao dịch trên thị trường thứ cấp nhằm cải cách mạnh mẽ thị trường này sau khi thị trường sơ cấp đã được vận hành theo thông lệ quốc tế.

Làm tốt chức năng huy động vốn, phục vụ đầu tư phát triển, gắn với tái cơ cấu nợ Chính phủ

Từ năm 2009 đến nay, kênh phát hành TPCP đã huy động được 1,96 triệu tỷ đồng cho NSNN, gấp hơn 40 lần so với giai đoạn 2000-2008. Đặc biệt trong giai đoạn 2015-2019, khối lượng phát hành TPCP bình quân đạt trên 230.000 tỷ đồng/năm, tăng 55% so với bình quân giai đoạn 2009-2014. Quy mô thị trường TPCP đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 27%/năm trong 10 năm qua, được đánh giá có mức tăng trưởng dẫn đầu các nền kinh tế mới nổi tại khu vực Đông Á cũng như khu vực ASEAN + 3.

Đồng thời, với việc tập trung phát hành các kỳ hạn dài từ năm 2015 đến nay, kỳ hạn phát hành bình quân TPCP đang ở mức kỷ lục 13,6 năm vào cuối tháng 11/2019, cao hơn 9-10 năm so với giai đoạn 2009-2014, trong khi lãi suất phát hành tiếp tục duy trì ở mức thấp nhất trong vòng 10 năm, bình quân ở mức 4,58%/năm, thấp hơn 6,4%-7,6%/năm so với giai đoạn 2009-2014. Nhờ đó, đã tạo điều kiện cho Chính phủ tăng vay nợ tại thị trường trong nước, giảm vay nợ nước ngoài, danh mục nợ công ngày càng bền vững.

Thanh khoản thị trường thứ cấp được cải thiện

Để tăng thanh khoản trên thị trường thứ cấp, từ năm 2015, Kho bạc Nhà nước bắt đầu phát hành trái phiếu theo lô lớn, góp phần nâng cao chất lượng hàng hóa TPCP. Số lượng mã trái phiếu đã giảm từ mức khoảng 300 mã năm 2009 xuống còn 170 mã năm 2019, quy mô bình quân của các mã tăng khoảng 9 lần lên khoảng 6.000 tỷ đồng, trong đó các mã chuẩn tăng lên mức 10.000-12.000 tỷ đồng. Khối lượng giao dịch trái phiếu bình quân hiện nay đạt khoảng 8.500-9.000 tỷ đồng/phiên, tăng mạnh so với mức dưới 1.000 tỷ đồng/phiên giai đoạn 2009-2011. Trên thị trường thứ cấp đã hình thành 4 phương thức giao dịch trái phiếu, gồm giao dịch mua bán thông thường, giao dịch mua bán lại, giao dịch bán kết hợp mua lại và giao dịch vay và cho vay.

Đa dạng hóa hệ thống nhà đầu tư và sản phẩm trên thị trường

Từ năm 2015, để đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu quản lý ngân quỹ Nhà nước, Bộ Tài chính đã phát hành 2 loại TPCP mới là trái phiếu có kỳ trả lãi dài và trái phiếu không trả lãi định kỳ. Qua đó, góp phần đa dạng hóa các loại sản phẩm, kỳ hạn phù hợp với nhu cầu của NĐT.

Cơ cấu NĐT trên thị trường đã có sự thay đổi tích cực, đến cuối tháng 11/2019, tỷ lệ nắm giữ TPCP của các NHTM giảm xuống mức khoảng 45%, giảm 3% so với cuối năm 2018, giảm 34,6% so với cuối năm 2011; tỷ lệ nắm giữ trái phiếu của NĐT dài hạn là 55% (tăng 34,6% so với cuối năm 2011); trên thị trường đã có sự tham gia của NĐT 100% vốn nước ngoài là các quỹ đầu tư và các tổ chức đầu tư chuyên nghiệp... 

Chú trọng phát triển hạ tầng công nghệ phục vụ nhà đầu tư

Ông Nguyễn Như Quỳnh - Phó Tổng Giám đốc phụ trách Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết: Trong thời gian qua, HNX đã tập trung phát triển hạ tầng công nghệ phục vụ cho hoạt động đấu thầu giao dịch và công bố thông tin. Hệ thống đấu thầu điện tử được chính thức triển khai từ năm 2012 và thường xuyên được nâng cấp, bổ sung các tính năng mới phục vụ tốt nhất cho các NĐT cũng như đáp ứng tiêu chuẩn công nghệ quốc tế.

Năm 2014, hệ thống của HNX đã có thể kết nối được giao dịch với Bloomberg và các sàn giao dịch trên quốc tế. Năm 2015, HNX bổ sung phân hệ internet cho phép các NĐT có thể giao dịch trực tuyến trên hệ thống. Năm 2016, NĐT có thể tham gia hệ thống đấu thầu điện tử trực tuyến, cho phép các NĐT sẵn sàng tiếp cận và tiết kiệm chi phí cũng như thời gian giao dịch. Quy trình từ khi phát hành đến khi giao dịch TPCP được cải tiến liên tục, rút ngắn dần từ 15 ngày xuống còn 2 ngày, tạo điều kiện cho NĐT có thể sớm giao dịch ngay trên thị trường thứ cấp...

Bên cạnh đó, HNX tích cực nghiên cứu và chuẩn bị hạ tầng công nghệ để đón các sản phẩm mới nhằm tăng tính thanh khoản trên thị trường. Ngoài ra, HNX chủ động xây dựng các chỉ báo trên thị trường nhằm hỗ trợ thông tin cho các NĐT trong việc ra quyết định đầu tư, đảm bảo tính minh bạch của thị trường.

Phát triển thị trường trái phiếu động bộ, hiện đại, phù hợp với thông lệ quốc tế

Lộ trình phát triển TTTP Việt Nam giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2030 đề ra mục tiêu phấn đấu đưa quy mô của TTTP đạt mức 45%GDP vào năm 2020 và khoảng 65% GDP vào năm 2030... Để hoàn thành được mục tiêu này, tới đây, các bộ, ngành liên quan cần tiếp tục phối hợp hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đồng bộ về công tác tổ chức phát hành, gắn với quản lý ngân sách, quản lý ngân quỹ, tạo điều kiện cho thị trường TPCP phát triển. Tiếp tục gắn phát hành TPCP với tái cơ cấu danh mục nợ công, thực hiện thường xuyên các nghiệp vụ tái cơ cấu nợ chủ động như mua lại, hoán đổi trái phiếu...

Bên cạnh đó, tiếp tục mở rộng cơ sở NĐT, tạo điều kiện tham gia thị trường đối với các công ty bảo hiểm, công ty tài chính, quỹ hưu trí… khuyến khích sự tham gia của NĐT nước ngoài. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống nhà tạo lập thị trường TPCP với đầy đủ quyền lợi và nghĩa vụ trên thị trường sơ cấp và thứ cấp theo thông lệ quốc tế.

Cùng với đó, HNX sẽ tập trung phát triển hạ tầng công nghệ có độ mở cao theo hướng module hóa các khối chức năng nhiệm vụ chuyên biệt; bố cục lại các hệ thống thành phần để đáp ứng yêu cầu giao dịch của các NĐT. Trên cơ sở đó, HNX sẽ xây dựng các đề án tái cấu trúc TTTP bao gồm cả TPCP và trái phiếu DN, đồng thời, xây dựng website cung cấp thông tin liên quan đến trái phiếu DN.