Điểm sự kiện kinh tế-tài chính nổi bật trong nước tuần qua

PV. (Tổng hợp)

Tạp chí điện tử Tài chính điểm lại các sự kiện kinh tế-tài chính trong nước được độc giả quan tâm tuần vừa qua (từ ngày 03/12 đến 07/12/2018).

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

 24 ngân hàng thương mại đã triển khai nộp thuế điện tử và thông quan 24/7

Theo Tổng cục hải quan, sau một năm triển khai nộp thuế điện tử qua ngân hàng phối hợp thu và thông quan 24/7, Tổng cục Hải quan đã ký thỏa thuận hợp tác phối hợp thu NSNN với 39 ngân hàng thương mại, trong đó có 24 ngân hàng thương mại đã triển khai nộp thuế điện tử và thông quan 24/7. Đến nay có 3.235 doanh nghiệp đã thực hiện thanh toán nộp thuế điện tử 24/7; 21 ngân hàng và chi nhánh có phát sinh giao dịch đạt 14.902 tỷ đồng và 87.006 giao dịch, trong đó có 3 ngân hàng VCB, BIDV, Vietinbank có số thu chiếm khoảng 79,1% tổng số thu nộp thuế điện tử 24/7. Đến hết tháng 11/2018, số thu thuế của cơ quan hải quan qua hệ thống ngân hàng phối hợp thu (thu thuế điện tử) đạt 269.990 tỷ đồng, đạt 95% tổng thu (284.202 tỷ đồng).

Tổng thu NSNN 11 tháng đạt 92,7% dự toán năm, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2017

Bộ Tài chính cho biết, qua 11 tháng năm 2018, tổng thu NSNN đạt hơn 1,22 triệu tỷ đồng, bằng 92,7% dự toán năm, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, số thu nội địa đạt hơn 975 nghìn tỷ đồng, bằng 88,7% dự toán. Không kể các khoản như thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết... số thu nội địa còn lại ước đạt gần 743 nghìn tỷ đồng, bằng 85,6% dự toán năm. Ước đến hết tháng 11/2018, có 48/63 địa phương thu nội địa đạt tiến độ dự toán (trên 92%). Thu từ dầu thô đạt 57,9 nghìn tỷ đồng, bằng 161,4% dự toán năm, tăng 41,1% so cùng kỳ năm 2017. Thu ngân sách từ hoạt động xuất - nhập khẩu là 283,5 nghìn tỷ đồng, bằng 100,2% dự toán năm.

Bên cạnh đó, tổng chi ngân sách đạt hơn 1,21 triệu tỷ đồng, bằng 79,5% dự toán năm. Trong đó, riêng chi thường xuyên là gần 842 nghìn tỷ đồng.

Thị trường chứng khoán tăng điểm trên cả ba sàn

Cụ thể, tính chung cả tuần: trên VN-Index có 3 ngày tăng điểm và 2 ngày giảm điểm. Chốt tuần, VN-Index tăng 3,77 điểm (0,39%) lên 958,59 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 209,59 triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch đạt 4.762,23 tỷ đồng/ngày; HNX-Index có 3 ngày tăng điểm và 2 ngày giảm điểm. Chốt tuần, HNX-Index tăng 0,04 điểm (0,03%) lên 107,14 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 39,45 triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch đạt 581,93 tỷ đồng/ngày; Upcom-Indexcó 4 ngày tăng điểm và 1 ngày giảm điểm. Chốt tuần, Upcom-Index tăng 0,43 điểm (0,81%) lên 53,78 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 12,64 triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 255,16 tỷ đồng/ngày.

 4 vấn đề Việt Nam cần ưu tiên thực để trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao

Ông Ousmane DioneGiám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB), cho biết, để trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao, đạt 10 nghìn USD/người/năm vào năm 2035, Việt Nam cần ưu tiên thực hiện 4 vấn đề. Cụ thể:

Một là, cải cách để thúc đẩy phát triển khu vực tư nhân trong nước cần phải được đẩy mạnh mạnh mẽ, nhằm tăng năng suất lao động và tăng trưởng kinh tế.

Hai là, đầu tư cho các dự án hạ tầng trọng yếu của quốc gia như đường cao tốc Bắc - Nam, đường sắt, Sân bay Long Thành và các cảng biển quan trọng cần được nằm trong chiến lược tổng thể về kết nối vận tải đa phương thức. Đứng trước những khó khăn về tài chính, việc giải phóng nguồn đầu tư tư nhân có thể có ý nghĩa to lớn trong việc đáp ứng nhu cầu đầu tư cao của Việt Nam.

Ba là, Việt Nam cần những kiến thức và kỹ năng của thế kỷ 21 để năng suất lao động cao hơn, điều này đòi hỏi phải tập trung vào chất lượng và sự phù hợp của giáo dục đại học và dạy nghề.

Bốn là, hướng tới tăng trưởng bền vững, thân thiện với môi trường: Sự tăng trưởng nhanh của Việt Nam đang tạo ra chi phí môi trường ngày càng lớn. Sự suy thoái đất và xói mòn đất, phát thải khí nhà kính và ô nhiễm không khí ngày càng tăng nhanh, làm khan hiếm dần nguồn nước, phá rừng…