Chuyên gia kinh tế Nguyễn Thị Nhung - Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội:

Điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh, giảm bớt khó khăn cho người nộp thuế

PV.

Đề xuất nâng mức giảm trừ gia cảnh Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh được kỳ vọng sẽ góp phần đảm bảo quyền lợi cho người dân, giảm bớt khó khăn cho người nộp thuế. Vấn đề đặt ra là việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh có nên thực hiện mỗi năm một lần để đảm bảo quyền lợi của người dân theo mức độ tăng thu nhập, trượt giá hàng năm?

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Thị Nhung.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Thị Nhung.

Ngày 28/2/2020, Bộ Tài chính gửi công văn xin ý kiến rộng rãi các tổ chức, cá nhân về mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân. 

Mức điều chỉnh Bộ Tài chính đề xuất đang nhận được sự quan tâm của dư luận, trong đó có ý kiến đồng thuận nhưng có cũng ý kiến trái chiều với đề xuất của Bộ Tài chính.

Tuy nhiên, so sánh chỉ số giá tiêu dùng (CPI), Tổng cục Thống kê công bố tại thời điểm cuối tháng 12/2019 với thời điểm 01/7/2013 là 123,2% (tăng 23,2%) thấy rằng, nghiên cứu điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân là cần thiết.

Trong bối cảnh giá cả, lạm phát tăng so với thời điểm năm 2013, việc điều chỉnh nâng mức giảm trừ gia cảnh (cho người nộp thuế từ 9 triệu đồng/tháng lên 11 triệu đồng/tháng; người phụ thuộc từ 3,6 triệu đồng/tháng lên 4,4 triệu đồng/tháng) cơ bản góp phần giảm bớt khó khăn cho người nộp thuế.

Số thuế phải nộp được giảm cho mọi đối tượng nộp thuế, trong đó mức độ giảm số thuế phải nộp của nhóm người nộp thuế ở bậc thuế thấp sẽ cao hơn so với những người nộp thuế ở bậc thuế cao.

Việc điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh cũng sẽ đảm bảo thực hiện mục tiêu chính sách động viên hợp lý, công bằng, góp phần nâng cao đời sống của người nộp thuế, tạo động lực khuyến khích mọi cá nhân ra sức lao động, sản xuất kinh doanh, gia tăng thu nhập làm giàu chính đáng… 

Vấn đề đặt ra là việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh có nên thực hiện mỗi năm một lần để đảm bảo quyền lợi của người dân theo mức độ tăng thu nhập, trượt giá hàng năm? Theo tôi, chính sách thuế cần sự ổn định nhất định, đảm bảo tính khả thi khi thực hiện, tiết kiệm chi phí cho người nộp thuế cũng như cơ quan quản lý thuế. 

Nghiên cứu cho thấy, pháp luật thuế thu nhập cá nhân của các nước phát triển và đang phát triển đều có quy định về mức giảm trừ gia cảnh, cụ thể như:

- Ở các nước phát triển (Anh, Mỹ): Do chính sách thuế thu nhập cá nhân là sắc thuế quan trọng, chiếm số thu lớn trong hệ thống thuế, nên tần suất điều chỉnh khá thường xuyên, mỗi năm một lần, cơ bản điều chỉnh tăng tương ứng theo chỉ số CPI hàng năm. 

- Ở các nhóm nước đang phát triển (Indonesia, Malaysia): Do tần suất điều chỉnh ít thường xuyên hơn và thường duy trì ổn định trong một thời gian nhất định; đồng thời, khác với nhiều nước phát triển, phần lớn các nước đang phát triển không quy định nguyên tắc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh mà việc điều chỉnh thường được thực hiện thông qua việc sửa luật thuế thu nhập cá nhân.

Mức giảm trừ gia cảnh quy định tại Luật thuế Thu nhập cá nhân được tính toán ổn định trong một khoảng thời gian và đảm bảo cao hơn GDP bình quân đầu người, tiền lương tối thiểu vùng, mức thu nhập và chi tiêu trung bình xã hội cho năm hiện tại và một số năm về sau.

(*) Ý kiến đề cập trong bài viết là của cá nhân tác giả, không phản ánh quan điểm của đơn vị công tác - Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội).