Điều hành NSNN: Tích cực, chủ động trong điều kiện thu khó khăn

Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính

Bộ Tài chính vừa công bố số liệu về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2012. Theo đó, tình hình kinh tế vĩ mô tháng 8/2012 tiếp tục có chuyển biến tích cực so với tháng trước, đáng chú ý là chỉ số tồn kho giảm, tỷ giá ngoại hối tương đối ổn định, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng nhẹ (0,63%); lãi suất cho vay giảm.... góp phần tạo niềm tin của thị trường và thúc đẩy hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Tính chung 8 tháng, trong điều kiện phát sinh rất nhiều khó khăn, thách thức, một số chỉ tiêu kinh tế chủ yếu vẫn duy trì được mức tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2011, trong đó: tăng trưởng GDP quý sau cao hơn quý trước, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) cũng tăng dần qua các tháng; kim ngạch xuất khẩu duy trì ở mức cao.., cho thấy các giải pháp quyết liệt của Chính phủ nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp đang phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, do giữa sự phát triển kinh tế và số thu NSNN luôn có độ trễ, lại chịu ảnh hưởng của việc thực hiện các giải pháp ưu đãi thuế để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, nên nhìn chung kết quả thu chi NSNN trong kỳ vẫn chưa có chuyển biến rõ rệt.

Tổng thu NSNN 8 tháng đạt 447.000 tỷ đồng       

Thu cân đối NSNN thực hiện tháng 8 ước đạt 45.020 tỷ đồng, luỹ kế thu 8 tháng đạt 447.000 tỷ đồng, bằng 60,4% dự toán, bằng 98,4% so với cùng kỳ năm 2011.

Về thu nội địa, thực hiện tháng 8 ước đạt 25.500 tỷ đồng, bằng khoảng 78% (giảm trên 7.000 tỷ đồng) so với tháng trước, chủ yếu do số thuế thu nhập doanh nghiệp phát sinh của năm 2011 và quý II/2012 (khoảng trên 10.000 tỷ đồng) đã được nộp tập trung trong tháng 7, sang tháng 8 không phát sinh; không kể yếu tố biến động này thì số thu trong kỳ tăng khoảng 3,3% so với tháng trước.

So với cùng kỳ năm 2011 thì số thu tháng 8 năm nay giảm trên 10%, một số sắc thuế và khoản thu quan trọng giảm lớn, như: thuế thu nhập doanh nghiệp giảm 28,3% do hoạt động của nhiều doanh nghiệp khó khăn, không có thu nhập chịu thuế; thuế tiêu thụ đặc biệt giảm 11,4%, do sản lượng xe ô tô tiêu thụ sụt giảm(trên 22% so với cùng kỳ); thu tiền sử dụng đất giảm 40%, do thị trường bất động sản tiếp tục trầm lắng, tỷ lệ giao dịch thành công thấp, chủ yếu là giao dịch giá trị nhỏ..... Đây cũng là tháng thứ 3 liên tiếp có số thu nội địa suy giảm so với cùng kỳ.

Lũy kế thực hiện đến hết tháng 8/2012, thu nội địa ước đạt 286.530 tỷ đồng, bằng 57,9% dự toán, tăng 0,5% so với cùng kỳ 2011; trong đó: thu từ khu vực kinh tế quốc doanh đạt 60,7% dự toán, tăng 11,2%; thu từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 53,8% dự toán, tăng 5,5%; thu thuế công thương nghiệp ngoài quốc doanh đạt 52,3% dự toán, giảm 3,2%; lệ phí trước bạ đạt 44,1% dự toán, giảm 32,2%; thu tiền sử dụng đất đạt 53,8% dự toán, giảm 40% so với cùng kỳ.... Ước tính cả nước chỉ có 12/63 địa phương thu đạt và cao hơn tiến độ dự toán (khoảng 67% dự toán); 37/63 địa phương thu đạt từ 55 - 67% dự toán; còn lại 14/63 địa phương thu đạt dưới 55% dự toán, bao gồm cả một số địa phương có số thu lớn, như: Đà Nẵng, Hải Dương, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Cần Thơ…; nếu so với cùng kỳ năm trước thì chỉ có 27/63 địa phương có số thu tăng trưởng dương. Bộ Tài chính đang tích cực phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương tập trung chỉ đạo cơ quan Thuế tăng cường kiểm tra, đánh giá rà soát lại các khoản thu để thu kịp thời các khoản phát sinh và tồn đọng vào ngân sách.

Thu từ dầu thô, giá dầu thô thị trường thế giới tháng 8 nhìn chung ổn định; nhờ đó, giá dầu thô Việt Nam trong kỳ duy trì ở mức 110 - 113 USD/thùng, thu ngân sách trong tháng ước đạt 7.200 tỷ đồng. Lũy kế thực hiện 8 tháng, số thu NSNN đạt 75.890 tỷ đồng, bằng 87,2% dự toán, tăng 10% so với cùng kỳ 2011; giá dầu thô thanh toán bình quân đạt khoảng 115 USD/thùng, cao hơn 30 USD/thùng so với giá tính dự toán; sản lượng dầu ước đạt 9,6 triệu tấn, bằng 65,4% kế hoạch.

Căn cứ biến động tăng của giá xăng dầu thế giới và thực hiện nguyên tắc đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, người tiêu dùng và doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Công Thương cho phép các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu được điều chỉnh tăng giá bán xăng dầu trong nước: ngày 1/8/2012 điều chỉnh tăng từ 350-900 đồng/lít,kg tùy từng chủng loại và tùy từng doanh nghiệp; ngày 13/8/2012 điều chỉnh tăng thêm từ 500-1.100 đồng/lít, kg, đồng thời sử dụng Quỹ BOG xăng dầu đối với xăng mức 300 đồng/lít; ngày 28/8/2012 điều chỉnh tăng thêm từ 300-650 đồng/lít, kg, đồng thời sử dụng Quỹ BOG xăng dầu đối với xăng mức 500 đồng/lít (tăng thêm 200 đồng/lít) và các loại dầu là 300 đồng/lít,kg.

Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu, thực hiện tháng 8 ước đạt 17.720 tỷ đồng. Lũy kế thu 8 tháng đạt 125.580 tỷ đồng, bằng 56,1% dự toán, giảm 11,8% so với cùng kỳ năm 2011; sau khi hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ 46.000 tỷ đồng, thu cân đối NSNN từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 79.580 tỷ đồng, bằng 51,7% dự toán.

Số thu từ lĩnh vực này đạt thấp so dự toán và giảm mạnh so cùng kỳ chủ yếu do kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng chủ yếu (kim ngạch lớn, thuế suất cao) giảm mạnh; kết hợp với việc thực hiện điều chỉnh giảm thuế suất thuế nhập khẩu xăng dầu từ cuối tháng 2/2012 đã làm giảm thu NSNN. Những tháng gần đây kim ngạch nhập khẩu đã có xu hướng tăng, nhờ đó số thu từ hoạt động xuất nhập khẩu cũng đang có xu hướng tăng lên.

Chi ngân sách nhà nước đạt 63,3% dự toán

Theo báo cáo, tổng chi NSNN tháng 8 ước đạt 70.990 tỷ đồng; lũy kế chi 8 tháng đầu năm ước 571.545 tỷ đồng, đạt 63,3% dự toán, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm 2011.

Về chi đầu tư phát triển, thực hiện tháng 8 ước 12.880 tỷ đồng. Lũy kế chi 8 tháng đạt 112.627 tỷ đồng, bằng 62,6% dự toán, tăng 2,7% so với cùng kỳ; trong đó, NSNN đã thực hiện cấp bù lãi suất tín dụng nhà nước cho Ngân hàng Phát triển và Ngân hàng Chính sách xã hội đạt 67% dự toán; cấp chuyển vốn cho vay hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, cho vay hộ đồng bào nghèo vùng đồng bằng sông Cửu long đạt 75,3% dự toán; chi bổ sung dự trữ quốc gia đạt 70,9% dự toán....

Những tháng đầu năm 2012 tiến độ giải ngân vốn đầu tư XDCB từ NSNN và trái phiếu Chính phủ đạt thấp. Sau khi Bộ Tài chính có văn bản yêu cầu các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư XDCB năm 2012; đồng thời,báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ cho phép thanh toán tạm ứng vốn XDCB trong quý III/2012 tối đa 50% giá trị hợp đồng và không vượt quá kế hoạch vốn năm của dự án, tình hình giải ngân vốn đã có chuyển biến tích cực hơn. Ước tính 8 tháng đầu năm, vốn đầu tư từ NSNN giải ngân đạt khoảng 59,9% dự toán, vốn trái phiếu Chính phủ giải ngân đạt khoảng 57,7% kế hoạch.

Đối với chi trả nợ và viện trợ, thực hiện tháng 8 ước 7.580 tỷ đồng. Lũy kế chi 8 tháng đạt 66.920 tỷ đồng, bằng 66,9% dự toán, tăng 0,4% so với cùng kỳ năm 2011; đảm bảo thực hiện các nghĩa vụ nợ đến hạn của NSNN, không để tác động xấu đến kinh tế vĩ mô.

Chi phát triển sự nghiệp kinh tế -  xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý hành chính (bao gồm cả chi điều chỉnh tiền lương): thực hiện tháng 8 ước 50.530 tỷ đồng. Lũy kế chi 8 tháng đạt 391.998 tỷ đồng, bằng 65,2% dự toán, tăng 19,9% so với cùng kỳ năm 2011.

Nhìn chung, trong 8 tháng đầu năm, công tác tổ chức điều hành NSNN đã được triển khai tích cực, chủ động; trong điều kiện thu khó khăn, song NSNN luôn đảm bảo nguồn đáp ứng kịp thời các nhu cầu chi theo dự toán; đáp ứng kịp thời, đầy đủ các nhiệm vụ chi về đảm bảo quốc phòng, an ninh và chi các sự nghiệp giáo dục - đào tạo, y tế, văn hoá, đảm bảo xã hội; phòng chống khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh...; thực hiện tăng lương tối thiểu chung (từ 830.000 đồng/tháng lên 1.050.000 đồng/tháng) và tăng phụ cấp công vụ (từ 10% lên 25% mức lương hiện hưởng) từ 1/5/2012 cho các đối tượng hưởng lương từ ngân sách nhà nước theo Nghị định số 31/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ về quy định mức lương tối thiểu chung và Nghị định số 34/2012/NĐ-CP ngày 15/4/2012 của Chính phủ về chế độ phụ cấp công vụ..... Bên cạnh đó, đã xuất cấp 37.376 tấn gạo dự trữ quốc gia để cứu trợ cho nhân dân ở những vùng bị thiếu đói, giáp hạt; góp phần thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội.

Cũng theo báo cáo cân đối ngân sách nhà nước, bội chi NSNN tháng 8 là 25.970 tỷ đồng; lũy kế 8 tháng là 102.145 tỷ đồng, bằng 72,9% dự toán năm, được bù đắp bằng các khoản vay trong và ngoài nước theo kế hoạch.

Đến hết tháng 8/2012 đã thực hiện phát hành được trên 91.600 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ bù đắp bội chi NSNN và cho đầu tư phát triển, bằng  130% số thực hiện năm 2011 và bằng 76,3% nhiệm vụ phát hành năm 2012.