Doanh nghiệp bảo hiểm sẽ được bảo lãnh thông quan


Thực hiện Chỉ thị số 09/CT-TTg (ngày 1/4/2019) của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, ông Mai Xuân Thành, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết, Bộ Tài chính sẽ sớm trình Quốc hội thông qua Nghị quyết thí điểm cơ chế bảo lãnh thông quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK) để triển khai vào năm 2021.

Bộ Tài chính sẽ sớm trình Quốc hội thông qua Nghị quyết thí điểm cơ chế bảo lãnh thông quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu để triển khai vào năm 2021. Nguồn: Internet
Bộ Tài chính sẽ sớm trình Quốc hội thông qua Nghị quyết thí điểm cơ chế bảo lãnh thông quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu để triển khai vào năm 2021. Nguồn: Internet

Là một nền kinh tế có độ mở vào loại lớn nhất thế giới, thưa ông, tại sao bây giờ chúng ta mới nghĩ tới cơ chế bảo lãnh thông quan?

Ông Mai Xuân Thành: Không phải bây giờ mới nghĩ tới cơ chế bảo lãnh thông quan mà Luật Hải quan năm 2014 cũng đã có quy định, trường hợp doanh nghiệp đã hoàn thành thủ tục hải quan, nhưng chưa nộp đủ số thuế phải nộp chỉ được thông quan khi được tổ chức tín dụng bảo lãnh về số tiền thuế phải nộp. Tổ chức tín dụng cũng được phép bảo lãnh thông quan trong trường hợp doanh nghiệp bị xử phạt vi phạm hành chính về hải quan bằng hình thức phạt tiền mà chưa nộp phạt. 

Đối với hàng hóa phải kiểm tra, phân tích, giám định để xác định có đủ điều kiện được XNK hay không, cơ quan hải quan chỉ thực hiện thông quan sau khi có kết luận kiểm tra, phân tích, giám định của cơ quan kiểm tra chuyên ngành. Trường hợp hàng hóa theo quy định của pháp luật được đưa về địa điểm ngoài cửa khẩu để bảo quản thì địa điểm lưu giữ phải đáp ứng điều kiện về giám sát hải quan và hàng hóa đó phải chịu sự giám sát của cơ quan hải quan cho đến khi được thông quan, giải phóng hàng.

Như vậy, việc bảo lãnh thông quan đã được luật hóa, Quốc hội có nhất thiết phải ban hành Nghị quyết thí điểm cơ chế bảo lãnh thông quan hay không?

Các văn bản pháp luật hiện hành (Luật Hải quan, Luật Thuế xuất nhập khẩu, Luật Quản lý thuế, Luật Kinh doanh bảo hiểm) không quy định về việc cho phép công ty bảo hiểm được đứng ra bảo lãnh thông quan. Hơn nữa, các ngân hàng cũng chỉ được đứng ra bảo lãnh tiền thuế, tiền phạt (nếu có), trong khi đó, thực hiện các hiệp định thương mại tự do, về cơ bản dỡ bỏ hết hàng rào thuế quan, chỉ có một số ít loại hàng hóa phải nộp thuế XNK với mức thuế suất thấp hơn trước kia rất nhiều, nên nhu cầu bảo lãnh thông quan đối với hàng hóa XNK, hàng hóa tạm nhập - tái xuất, hàng hóa quá cảnh không quá cao.

Ngược lại, nhu cầu bảo lãnh thông quan trong trường hợp doanh nghiệp chậm nộp giấy chứng nhận xuất xứ thuộc hồ sơ hải quan; bảo lãnh đưa hàng về bảo quản, chờ kết quả kiểm tra chuyên ngành; bảo lãnh chờ nộp giấy chứng nhận hàng hóa không có nguy cơ gây hại đến an toàn xã hội, sức khỏe cộng đồng hoặc vệ sinh môi trường cần được kiểm soát; bảo lãnh hàng hóa thuộc diện phải tuân thủ các chế độ quản lý nhập khẩu quá lớn, lại chưa có văn bản pháp luật nào cho phép.

Bảo lãnh thông quan thực ra chỉ là một nghiệp vụ. Thưa ông, chỉ cần Chính phủ ban hành nghị định là đủ?

Bảo lãnh thông quan không đơn giản chỉ là một nghiệp vụ vì liên quan đến ngân sách nhà nước (thuế). Theo Hiến pháp thì ngân sách nhà nước thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Tóm lại, phạm vi bảo lãnh thông quan ở Việt Nam còn rất hạn chế so với các nước, mới chỉ áp dụng trong việc bảo lãnh nộp tiền thuế, tiền phạt và chỉ có các ngân hàng được cung cấp dịch vụ. Vì vậy, cần phải có một văn bản quy phạm pháp luật ở tầm nghị quyết của Quốc hội mới xử lý được vấn đề này.

Doanh nghiệp xuất nhập khẩu được gì nếu nhận bảo lãnh của công ty bảo hiểm, thưa ông?

Nếu không được bảo lãnh, doanh nghiệp phải nộp đầy đủ nghĩa vụ thuế mới được thông quan, giải phóng hàng. Kể cả doanh nghiệp thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính với ngân sách nhà nước thì cũng không được giải phóng hàng nếu hàng hóa thuộc đối tượng phải kiểm tra chuyên ngành mà chưa có giấy xác nhận đủ điều kiện nhập khẩu của cơ quan quản lý nhà nước sau khi tiến hành kiểm tra, phân tích, giám định. Trong trường hợp này, hàng hóa sẽ được bảo quản tại cửa khẩu, doanh nghiệp mất chi phí lưu kho, lưu bãi, lưu container.

Còn nếu được công ty bảo hiểm đứng ra bảo lãnh, thì doanh nghiệp có thể đưa hàng hóa về địa điểm bảo quản do công ty bảo hiểm chỉ định và sẽ được thông quan, giải phóng hàng ngay sau khi nộp kết quả kiểm tra chuyên ngành đáp ứng đủ điều kiện nhập khẩu hoặc nộp giấy chứng nhận xuất xứ trong trường hợp hàng hóa có nguy cơ gây hại đến an toàn xã hội, sức khỏe cộng đồng hoặc vệ sinh môi trường.

Như vậy, doanh nghiệp vẫn phải có đủ các loại giấy tờ, vẫn phải chờ kiểm tra chuyên ngành mới được giải phóng hàng, trong khi lại mất phí bảo lãnh?

Chỉ các loại hàng hóa đặc biệt, có nguy cơ ảnh hưởng xấu tới sức khỏe con người, tới vệ sinh môi trường, mới phải chờ kiểm tra chuyên ngành xong mới được giải phóng hàng.

Với hàng hóa là nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để gia công, sản xuất hàng hóa xuất khẩu, hàng hóa của doanh nghiệp khu chế xuất, nếu không được bảo lãnh thông quan thì lưu giữ ở khu vực cửa khẩu và chịu sự giám sát của cơ quan hải quan, khi nào có đầy đủ giấy tờ sẽ được giải phóng hàng.

Còn khi được bảo lãnh, sau khi thông quan, doanh nghiệp có thể đưa nguyên vật liệu, vật tư nhập khẩu vào gia công, sản xuất mà không cần phải chờ có đủ giấy tờ. Công ty bảo hiểm sẽ chịu trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ của doanh nghiệp XNK với cơ quan hải quan hoặc các cơ quan quản lý chuyên ngành. Như vậy, doanh nghiệp sẽ tính toán, cân nhắc xem bảo lãnh phải trả phí cho công ty bảo hiểm để được đưa ngay nguyên liệu, vật tư nhập khẩu vào sản xuất có lợi hơn, hay là phải lưu kho, lưu bãi trong thời gian hoàn thiện đầy đủ hồ sơ, giấy tờ mới được giải phóng hàng thì có lợi hơn.

Xin cảm ơn ông!