Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính:

Đối mặt với khó khăn, không được đánh mất đi sự lạc quan, bản lĩnh và niềm tin

PV. (T/h)

Lắng nghe, chia sẻ, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh cho cộng đồng doanh nghiệp (DN) trong bối cảnh đại dịch COVID-19, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất thấu hiểu và chia sẻ trước những khó khăn với cộng đồng DN, với người dân. Tuy nhiên, không vì thế đánh mất sự lạc quan, đánh mất bản lĩnh, đánh mất niềm tin.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao đổi với đại diện các doanh nghiệp tham dự Hội nghị. Nguồn: VGP
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao đổi với đại diện các doanh nghiệp tham dự Hội nghị. Nguồn: VGP

Càng khó khăn, càng phải giữ bản lĩnh

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Thủ tướng Chính phủ với đại diện các DN, hiệp hội DN và các địa phương về những giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh của DN trong bối cảnh đại dịch COVID-19 được tổ chức ngày 8/8, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận và đánh giá cao sự chung tay, chung sức, đồng lòng, chia sẻ trong lúc khó khăn của cộng đồng DN cùng với Đảng, Nhà nước, cùng các cấp, các ngành và nhân dân trong công tác phòng chống dịch. Cộng đồng DN đã có những đóng góp rất quan trọng, thiết thực, hiệu quả và kịp thời về nhiều mặt, góp phần vào những thành tựu, kết quả chung của cả nước trong những năm vừa qua, nhất là từ năm 2020 tới nay.

Với sự cố gắng, nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, cộng đồng DN và đồng bào trong và ngoài nước, tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2021 của nước ta vẫn đạt 5,64% - mức cao so với các nước trong khu vực trên thế giới. Các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, lạm phát tiếp tục được kiểm soát ở mức thấp, thấp nhất trong 6 năm vừa qua. Thu ngân sách Nhà nước 7 tháng đạt 67,9% dự toán, tăng 15,6% so với cùng kỳ. Chi ngân sách được quản lý chặt chẽ. Đặc biệt, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu từ đầu năm đến nay tăng 30,2% so với cùng kỳ. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện đạt trên 10,5 tỷ USD, tăng 3,8%. An ninh an toàn cho người dân cơ bản được bảo đảm, quốc phòng, an ninh được tăng cường; chủ quyền quốc gia được giữ vững; đối ngoại và hội nhập quốc tế được triển khai rất tích cực, chủ động, đồng bộ, hiệu quả...

Nhắc lại tình hình trước mắt cũng như lâu dài có thời cơ, thuận lợi đan xen với khó khăn, thách thức, Thủ tướng cho rằng, chúng ta đặt mục tiêu cao nhất là không để khủng hoảng y tế, lấy sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết, trước hết; không để khủng hoảng kinh tế - xã hội, phấn đấu cao nhất đưa đất nước ta trở lại bình thường trong thời gian nhanh nhất có thể.

“Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất thấu hiểu và chia sẻ trước những khó khăn với cộng đồng DN, với người dân. Nhưng chúng ta không vì thế đánh mất sự lạc quan, đánh mất bản lĩnh, đánh mất niềm tin. Chúng ta phải có niềm tin chiến thắng, phải có bản lĩnh để vượt qua. Càng khó khăn, càng phức tạp càng phải giữ bản lĩnh của dân tộc ta, của mỗi người dân, càng phải phát huy dân chủ, lắng nghe ý kiến của nhau, phát huy trí tuệ tập thể, sự đoàn kết của toàn dân để chiến đấu chống dịch và sản xuất”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Thủ tướng cũng cho rằng, thấu hiểu những khó khăn đó, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách, cố gắng hết mình trong điều kiện cao nhất có thể của nền kinh tế. Quốc hội đã khẩn trương ban hành Nghị quyết rất kịp thời để ủng hộ Chính phủ triển khai các giải pháp cần thiết. Chính phủ đã rất chủ động ban hành các biện pháp hỗ trợ tích cực cho các DN nhằm vượt qua những khó khăn như Nghị định 52/2021/NĐ-CP, các Nghị quyết 84/NQ-CP, Nghị quyết số 42/NQ-CP, Nghị quyết 68/NQ-CP và cắt giảm nhiều thủ tục hành chính... Một số chính sách hỗ trợ cho DN đã có kết quả như chính sách cho vay DN (hoãn giãn nợ, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí).

Chia sẻ về công tác phòng, chống dịch, Thủ tướng cho rằng hiện nay chưa có tiền lệ, ban đầu có những lúng túng, bị động nhất định, nhưng “nếu chúng ta bình tĩnh, kiên định, sáng suốt thì sẽ tìm được giải pháp, hướng đi, như “ba tại chỗ”, “một cung đường, hai điểm đến”..., vừa tham khảo kinh nghiệm các nước, vừa tổng kết từ các mô hình hay tại các địa phương, điều chỉnh, hoàn thiện dần. Thực tế, nhiều địa phương đã có giải pháp linh hoạt, sáng tạo, đạt tăng trưởng khá trong nửa đầu năm như: Vĩnh Phúc tăng 14,2%; Hải Phòng tăng 13,52%; Hà Nam tăng 10,41%; Bắc Giang tăng 10,2%...

“Mỗi người dân, DN khỏe mạnh thì đất nước khỏe mạnh”

Về định hướng nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, mỗi người dân khỏe mạnh, mỗi DN khỏe mạnh thì đất nước khỏe mạnh. Chúng ta phải tiếp tục, kiên trì giải pháp đã đề ra. Trong đó, ưu tiên số 1 trên cả nước là khống chế, ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh, những nơi nào an toàn thì tiếp tục duy trì và đẩy mạnh sản xuất.

Thủ tướng khẳng định Chính phủ đang làm và sẽ làm hết sức có thể trong điều kiện có thể trên tinh thần tính toán tổng thể, toàn diện, hài hòa, hợp lý, hiệu quả, phù hợp với hoàn cảnh, không để mất cân đối vĩ mô, khủng hoảng kinh tế. Chính phủ sẽ thành lập Tổ công tác đặc biệt để tháo gỡ khó khăn cho DN. Theo đó, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư với vai trò là cơ quan thường trực của Tổ công tác đặc biệt, tiếp tục nắm bắt tình hình khó khăn của DN, tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ những giải pháp kịp thời, cấp bách. Bộ Tài chính khẩn trương triển khai các giải pháp về miễn, giảm thuế để nhanh chóng hỗ trợ DN, người dân chịu tác động. Đồng thời, đưa ra các giải pháp phát triển thị trường chứng khoán để thúc đẩy nguồn vốn trung và dài hạn, giảm tỷ lệ vốn lớn vào hệ thống ngân hàng, tránh rủi ro cho nền kinh tế. Tinh thần chung của Chính phủ là đẩy mạnh hợp tác công tư, chính sách tiền tệ, tài khóa phải giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô; nguồn lực nhà nước dẫn dắt, kích hoạt mọi nguồn lực ngoài nhà nước.

Thủ tướng Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo tổ chức tín dụng tăng cường khả năng tiếp cận vốn cho DN và tiếp tục tính toán giảm lãi suất và điều  chỉnh chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí, cho vay mới phù hợp với tình hình. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đôn đốc triển khai các giải pháp hỗ trợ người lao động và DN, có thể mở rộng đối tượng, quy mô trong điều kiện cho phép... Bộ Công Thương nhanh chóng triển khai các giải pháp kết nối tiêu thụ hàng hóa. Bộ NN&PTNT triển khai các giải pháp bảo đảm sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, nhất là bảo đảm nguyên liệu, sản xuất liên tục cho các sản phẩm tiêu dùng ở những nơi thực hiện giãn cách xã hội. Bộ Xây dựng nghiên cứu quy hoạch và xây dựng khu nhà ở cho công nhân, người lao động trong khu công nghiệp, khu chế xuất khu kinh tế...   

Thủ tướng yêu cầu các địa phương đẩy nhanh triển khai các chính sách hỗ trợ đã được ban hành; thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 linh hoạt, hiệu quả, tạo điều kiện cho DN ổn định và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh nếu có đủ điều kiện; hạn chế tối đa các hoạt động thanh, kiểm tra trong khi đang phải thực hiện các biện pháp chống dịch; phối hợp cùng các bộ, ngành, tổ chức hiệp hội để trực tiếp hỗ trợ DN sản xuất, kinh doanh trong thời dịch. Các tổ chức, hiệp hội cần phát huy vai trò trong hỗ trợ DN thành viên, đặc biệt đẩy mạnh các hoạt động kết nối, chia sẻ thông tin, giúp các DN cùng nhau vượt qua khó khăn.

Về phía các DN, Thủ tướng mong muốn cần nâng cao chất lượng quản trị, chất lượng hoạt động và khả năng chống chọi với những cú sốc bên trong và bên ngoài để phát triển bền vững và bài bản. “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, Thủ tướng tin đội ngũ doanh nhân Việt Nam hiện nay không chỉ vượt qua được dịch COVID-19 mà còn tạo dựng được thương hiệu riêng, đóng góp vào sự phát triển của đất nước với những giá trị đẹp đẽ nhất của người kinh doanh là Tâm – Tài - Trí - Tín.

Thủ tướng kêu gọi nhân dân và cộng đồng DN tiếp tục đồng hành, ủng hộ Đảng, Nhà nước, Chính phủ để vượt qua mọi khó khăn, thách thức và thực hiện bằng được các mục tiêu, giải pháp mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra, các chỉ tiêu, nhiệm vụ được Quốc hội giao. Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kép, mục tiêu kép, không thể thiếu sự đồng hành, chia sẻ của Nhân dân, của cộng đồng DN.

“Kinh tế có thể khó khăn nhưng niềm tin trong xã hội chúng ta được củng cố. Nguồn lực và sức mạnh từ niềm tin là vô cùng to lớn và là một trong những yếu tố có tính chất quyết định. Tôi tin tưởng rằng, với sự chung tay, đồng hành, sự tham gia tích cực của đồng bào, chiến sĩ, của cộng đồng DN, đất nước ta không chỉ chiến thắng đại dịch mà còn mang tinh thần, cảm hứng từ chiến thắng đó, từ tinh thần yêu nước đó, tự hào dân tộc đó, đoàn kết vượt qua mọi khó khăn, thách thức, phục hồi và phát triển kinh tế nhanh chóng và bền vững. Tinh thần là mỗi địa phương, DN, mỗi cơ quan, đơn vị là một pháo đài chống dịch và sản xuất kinh doanh, mỗi người dân, mỗi công nhân là một chiến sĩ xung kích trên mặt trận chống dịch và trong sản xuất”, Thủ tướng nhấn mạnh.