Dù trong thời điểm khó khăn, kinh tế Việt Nam vẫn có sức bật tương đối tốt

Theo Gia Thành/baoquocte.vn

Nhiều tổ chức quốc tế uy tín đưa ra nhận định lạc quan về kinh tế Việt Nam hậu Covid-19, trong đó nhấn mạnh, dù trong thời điểm khó khăn hiện nay, nền kinh tế vẫn có sức bật tương đối tốt.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Nền kinh tế có thể phục hồi nhanh hơn

Trong Báo cáo triển vọng kinh tế thế giới trong năm 2020 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), trong năm 2020, nền kinh tế Việt Nam sẽ đứng thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á, vượt Singapore và Malaysia.

GDP Việt Nam năm 2020 ước tính sẽ đạt 340,6 tỷ USD, vượt Singapore với 337,5 tỷ USD, Malaysia với 336,3 tỷ USD. Bên cạnh đó, GDP của Thái Lan đạt 509,2 tỷ USD tiếp tục là nền kinh tế lớn thứ hai khu vực Đông Nam Á, Indonesia tiếp tục giữ vững phong độ là nền kinh tế đứng đầu trong khu vực với quy mô 1088,8 tỷ USD.

Theo IMF, các số liệu này dựa trên giả định các quốc gia sẽ tiếp tục áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội đến năm 2021 và cuối năm 2022, các ca nhiễm trên toàn cầu sẽ giảm.

Cũng theo dự báo của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020 là 1,8%, cao hơn so với dự báo của IMF. ADB phân tích, Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ sự chuyển hướng sản xuất đang dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam; sự phục hồi nền kinh tế Trung Quốc và các Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EVFTA).

Trong bản cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 10 năm 2020 của Ngân hàng Thế giới (WB), cơ quan này khẳng định, trong tương lai kinh tế Việt Nam có thể phục hồi nhanh hơn.

Các dẫn chứng của WB cho thấy, Việt Nam là một trong những nền kinh tế hiếm hoi tăng trưởng dương trong khi cả thế giới đang phải gánh chịu tăng trưởng tồi tệ chưa từng có. Theo đó, lạm phát được giữ vững dưới 4%, thặng dư thương mại lớn gần 17 tỷ USD, đầu tư trực tiếp nước ngoài vẫn cao.

Tốc độ tăng trưởng của Việt Nam được duy trì và củng cố từ quý II/2020 sang quý III/2020, khi chỉ số sản xuất công nghiệp và doanh thu bán lẻ đều tăng gấp đôi. Dù tỷ lệ lao động có việc làm giảm, thất nghiệp và thiếu việc làm gia tăng song điều kiện của thị trường lao động đang trở lại bình thường cũng là tín hiệu vui cho kinh tế Việt Nam.

Lạm phát trong tháng 9 là 3,2%, giảm so với tháng 7 và tháng 8, tín dụng ở mức 10,2%, áp lực khiến ngành ngân hàng giảm lợi nhuận năm 2020.

Trong khi đó, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong tháng 9 đạt 1,65 tỷ USD, tăng so với số vốn 720 triệu USD của tháng 8/2020, thương mại hàng hóa thặng dư 16,8 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm...

Theo WB, đây là những tín hiệu cho thấy, trong tương lai, sự phục hồi kinh tế của Việt Nam được củng cố và trở nên mạnh mẽ hơn, tốc độ tăng trưởng GDP có thể đạt 2,5-3,0% vào năm 2020 (WB dự báo là 2,8%).

Nhiều chuyên gia tài chính cũng đưa ra những nhận định tích cực về triển vọng tăng trưởng của kinh tế Việt Nam năm nay.

Chiến lược gia trưởng Ruchir Sharma của Morgan Stanley thậm chí còn cho rằng, Việt Nam có thể trở thành "kỳ tích châu Á" tiếp theo.

"Việc kiểm soát thành công đại dịch Covid-19 cho phép Việt Nam nhanh chóng khôi phục hoạt động kinh tế. Trong khi nhiều quốc gia đối mặt với sụt giảm kinh tế nghiêm trọng, kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng ở mức 3%/năm. Đặc biệt, sự tăng trưởng đó được thúc đẩy bởi thặng dư thương mại kỷ lục trong bối cảnh thương mại toàn cầu suy giảm", ông Sharma đánh giá.

3 lý do giúp Việt Nam thoát bẫy kinh tế

Trang The Asean Post dự báo, nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng tích cực và có thể đạt tăng trưởng 2,9% vào năm 2020.

The Asean Post đánh giá, với tư cách là Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã và đang có những bước tiến lớn nhằm thúc đẩy vị thế là một nhà lãnh đạo khu vực, đặc biệt với sự ngăn chặn hiệu quả đại dịch Covid-19, chính sách chống biến đổi khí hậu và sự ổn định chính trị.

Việt Nam đã đạt được mục tiêu hành động của Liên Hợp Quốc, trong khi Indonesia, Thái Lan, Malaysia và Singapore đều chưa đạt. Theo chương trình này, các quốc gia phải đạt 5 mục tiêu, trong đó có các biện pháp giảm khí thải CO2 và đầu tư vào vào khả năng chống chịu với khí hậu. Theo Báo cáo phát triển bền vững 2020, Việt Nam là quốc gia Đông Nam Á duy nhất đạt được mục tiêu đó. Việt Nam cũng đi trước các quốc gia Đông Nam Á nhằm thúc đẩy năng lượng tái tạo.

Dù trong thời điểm khó khăn hiện nay, kinh tế Việt Nam vẫn có sức bật tương đối tốt. Việt Nam đang có vị thế tốt để thoát khỏi bẫy kinh tế của đại dịch Covid-19 nhờ 3 lý do.

Thứ nhất, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra các biện pháp giảm thuế, hoãn nộp thuế và miễn phí sử dụng đất đối với các doanh nghiệp.

Thứ hai, Luật Đầu tư tại Việt Nam đã được sửa đổi chủ yếu nhằm tạo thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư bằng cách giảm các thủ tục hành chính và tạo thuận lợi cho đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Nhờ đó, FDI vào Việt Nam đã đạt 12 tỷ USD trong thời gian từ tháng 1-4/2020.

Nhờ vào dòng vốn đầu tư nước ngoài nhanh chóng, hiện vẫn đang tăng lên, Việt Nam có tiềm năng trở thành nền kinh tế số phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á. Đáng chú ý là, trong 4 năm qua, có tới gần 1 tỷ USD đã được đầu tư cho lĩnh vực thương mại điện tử tại Việt Nam.

Thứ ba, Việt Nam đã phê chuẩn Hiệp định EVFTA. Bắt đầu từ tháng 7/2020, EU đã dỡ bỏ 85% các thuế quan đối với hàng hóa Việt Nam và dần cắt bỏ phần còn lại trong 7 năm tới.

Đổi lại, Việt Nam sẽ giảm 49% thuế nhập khẩu đối với các hàng hóa của EU và xóa phần còn lại con 10 năm tới.