GDP cả năm 2021 tăng 2,58%

Việt Hoàng

Theo số liệu vừa công bố của Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I tăng 4,72%; quý II tăng 6,73%; quý III giảm 6,02% và quý IV tăng 5,22%. Như vậy, GDP cả năm 2021 ước tăng 2,58%, thấp hơn mức tăng trưởng 2,91% của năm 2020.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Số liệu của Tổng cục Thống kê đã cho thấy, GDP quý IV/2021 ước tăng 5,22% so với cùng kỳ năm trước, tuy cao hơn tốc độ tăng trưởng 4,61% của năm 2020 nhưng thấp hơn tốc độ tăng của quý IV các năm từ 2011-2019.

Trong đó, khu vực nông - lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,16%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,61%; khu vực dịch vụ tăng 5,42%. Tuy nhiên, mức tăng trưởng âm trên 6% của quý III/2021 đã đưa tăng trưởng GDP cả năm 2021 chỉ đạt 2,58%. Đây là mức tăng thấp nhất trong thập kỷ gần đây và thấp hơn tăng trưởng năm 2020 (2,91%).

Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,9%, đóng góp 13,97% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,05%, đóng góp 63,80%; khu vực dịch vụ tăng 1,22%, đóng góp 22,23%.

Theo số liệu Tổng cục Thống kê công bố, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2021 giảm 0,18% so với tháng trước. Quý IV/2021, CPI giảm 0,38% so với quý trước và tăng 1,89% so với cùng kỳ năm 2020. Bình quân năm 2021 CPI tăng 1,84% so với bình quân năm 2020, mức tăng bình quân năm thấp nhất kể từ năm 2016. Lạm phát cơ bản bình quân năm 2021 tăng 0,81% so với bình quân năm 2020.

Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, năm 2021 là một năm nền kinh tế Việt Nam gặp nhiều khó khăn bởi dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhất là làn sóng dịch lần thứ 4 diễn ra vào cuối tháng 4, khiến tăng trưởng GDP quý III âm hơn 6%.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã kịp thời đưa ra những giải pháp để ổn định sản xuất, kinh doanh, do đó, kinh tế quý IV đã phục hồi tích cực. Theo đó, mức tăng trưởng GDP cả năm 2021 đạt 2,58% vẫn được đánh giá là mức tăng trưởng khá trong điều kiện khó khăn, Chính phủ phải ưu tiên nguồn lực để phòng, chống dịch.

Tổng cục Thống kê cũng nhận định, năm 2022, khu vực dịch vụ được dự báo khả quan hơn, do Việt Nam đã có cách tiếp cận mới với dịch, cùng với đó, đường bay quốc tế mở cửa trở lại, nên khách quốc tế sẽ đến Việt Nam và tác động tích cực đến tăng trưởng của ngành này.