Giải ngân vốn đầu tư công cần giải pháp đồng bộ

D.Bùi (T/h)

Năm tài chính 2019 sắp kết thúc với tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư phát triển chỉ đạt 78,6% kế hoạch năm (thời gian giải ngân năm 2019 kết thúc vào ngày 31/01/2020).

Các cấp, các ngành phải quan tâm đến các giải pháp đồng bộ giải ngân vốn đầu tư công.
Các cấp, các ngành phải quan tâm đến các giải pháp đồng bộ giải ngân vốn đầu tư công.

Năm tài chính 2019 sắp kết thúc với tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư phát triển chỉ đạt 78,6% kế hoạch năm (thời gian giải ngân năm 2019 kết thúc vào ngày 31/01/2020) và khó có thể giải ngân hết nguồn vốn trong năm nay.

Tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ "giải ngân vốn đầu tư công vẫn là khâu yếu, chưa có nhiều chuyển biến".

Do vậy, Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành quan tâm, đẩy mạnh hơn nữa giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm đạt mức cao nhất trong tháng cuối cùng của năm 2019 và đến hết tháng 1/2020.

Đặc biệt, đẩy mạnh giải ngân nhưng không để xảy ra tham nhũng, lợi ích nhóm, lãng phí, thất thoát và kém hiệu quả trong sử dụng vốn đầu tư công.

Đâu là nguyên nhân?

Theo Tổng cục Thống kê, tình hình thực hiện vốn đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước (NSNN) tháng 11 và 11 tháng năm 2019 dù đã được đẩy mạnh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhưng tỉ lệ thực hiện so với kế hoạch năm và tốc độ tăng so với cùng kỳ năm trước vẫn đạt mức thấp so với các năm trong giai đoạn 2015-2019.

Cụ thể, 11 tháng, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 299 nghìn tỷ đồng, bằng 78,6% kế hoạch năm và tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2018.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chỉ ra nguyên nhân cơ bản là do công tác lập kế hoạch chưa sát với thực tế khiến khả năng giao và giải ngân vốn của các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương không thể sát được với khả năng thực hiện của từng dự án.

Trong đó, một số dự án không có khả năng hoàn thiện thủ tục đầu tư và khả năng thực hiện, nhưng vẫn đăng ký để giao kế hoạch. Ví dụ điển hình cho việc này là dự án đường sắt đô thị Hà Nội (tuyến số 1, giai đoạn 1) do Bộ Giao thông vận tải phụ trách.

Hiện dự án phải phân kỳ lại đầu tư và điều chỉnh tổng mức đầu tư, chưa thể hoàn thành các thủ tục đầu tư trong nước. Dự án được xếp vào loại "chưa thể thực hiện", nhưng vẫn đề xuất giao vốn.

Một nguyên nhân chủ quan nữa cũng được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa nhận là bộ phận tổng hợp rà soát chưa kỹ, còn nể nang, chờ đợi các bộ, ngành, địa phương hoàn thiện thủ tục đầu tư, đánh giá không sát khả năng thời gian kịp phê duyệt thủ tục đầu tư làm chậm việc giải ngân vốn theo kế hoạch năm 2019.

Thậm chí việc thực hiện tổng hợp cũng được cơ quan này giữ nguyên trên cơ sở đề xuất từ các bộ, ngành khi trình Chính phủ báo cáo Quốc hội phân bổ vốn ngân sách Trung ương khiến tình trạng phân bổ vốn không sát với thực tiễn của danh mục dự án đủ thủ tục đầu tư.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, chính sự thiếu chỉ đạo kiên quyết của chính quyền địa phương, không thực hiện quy định phân cấp nghiêm túc, còn lỏng lẻo trong việc phối hợp với chủ đầu tư trong triển khai dự án đã dẫn đến tình trạng tuyên truyền đến người dân về chính sách bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng chưa đầy đủ.

Bên cạnh đó, tình trạng thiếu minh bạch, công bằng trong lập phương án đền bù giải phóng mặt bằng đã gây tâm lý không tin tưởng trong dân, dẫn tới người dân cố tình không di dời hoặc khiếu kiện vượt cấp.

Các chủ đầu tư còn chậm quyết toán dự án hoàn thành, quyết toán hợp đồng nên không giải ngân được kế hoạch vốn được giao. Có chủ đầu tư chưa quyết liệt thực hiện theo kế hoạch, tiến độ giao.

Riêng khâu kỹ thuật, việc thiết kế - dự toán công trình, đấu thầu lựa chọn nhà thầu diễn ra chậm do chủ đầu tư và tư vấn trong một số trường hợp có chuyên môn chưa sâu, chất lượng hồ sơ không đáp ứng yêu cầu, phải chỉnh sửa nhiều lần hoặc thời gian nộp lại hồ sơ chỉnh sửa kéo dài, phải điều chỉnh liên tục…

Tại cuộc họp gần đây nhất của Bộ Giao thông Vận tải, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng thừa nhận, nguyên nhân giải ngân chậm do hầu hết các dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam chưa thực hiện được chi trả đền bù giải phóng mặt bằng; các dự án đường bộ cấp bách sử dụng vốn ngân sách 15.000 tỷ đồng, dự án ODA sử dụng vốn dư chưa xong thủ tục đấu thầu xây lắp hoặc chưa ứng hợp đồng…

Trà Vinh là một trong những địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công rất chậm. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, ông Nguyễn Trung Hoàng cho biết, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019 của tỉnh hơn 4.632 tỷ đồng, nhưng đến ngày 15/11/2019, toàn tỉnh mới giải ngân được 2.099 tỷ đồng, đạt hơn 45% kế hoạch.

Lý do ông đưa ra là một số chủ đầu tư thiếu chủ động trong chuẩn bị đầu tư; hoặc giao cùng lúc nhiều dự án cho nhà thầu tư vấn lập dự án, thiết kế lập bản vẽ thi công, dự toán nên dẫn đến sự chậm trễ. Mặt khác, một số đơn vị tư vấn có năng lực hạn chế khiến hồ sơ dự án phải điều chỉnh bổ sung nhiều lần làm mất thời gian.

Ông Đỗ Thành Trung, Vụ phó Vụ Tổng hợp Kinh tế Quốc dân, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, năm 2019 là năm có nhiều điều chỉnh trong kế hoạch trung hạn, như sử dụng dự phòng 10% tại các bộ, ngành, địa phương, điều chỉnh cắt giảm, bổ sung vốn và danh mục dự án... nên mất nhiều thời gian rà soát, xét duyệt của các cấp có thẩm quyền theo quy định pháp luật.

Trong khi đó, danh mục và số vốn kế hoạch trung hạn là điều kiện tiên quyết để giao kế hoạch vốn hàng năm.

Ông Trung cũng chỉ ra, tỷ lệ giải ngân vốn trái phiếu Chính phủ và ODA thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu do năm 2019 phải thực hiện đồng thời với thủ tục điều chỉnh kế hoạch trung hạn, điều chỉnh hiệp định, nhiều dự án chưa kịp điều chỉnh để thực hiện.

Bên cạnh đó, nhiều dự án trái phiếu Chính phủ vào chu kỳ cuối, kết thúc thực hiện và giải ngân, các dự án trái phiếu Chính phủ quy mô lớn như: dự án đường cao tốc Bắc - Nam, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các dự án hạ tầng giao thông... chiếm tới gần 50% tổng số vốn trái phiếu Chính phủ của kế hoạch năm 2019, nhưng tiến độ giải ngân rất chậm, ảnh hưởng lớn đến tỷ lệ giải ngân chung của cả nước.

Giải pháp đồng bộ

Nhằm khắc phục tình trạng giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công chậm, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 94/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ phân bổ và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019.

Theo đó, một trong những giải pháp được Thủ tướng nhấn mạnh là tiếp tục rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp lý, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật về quản lý đầu tư.

Tiếp theo là tập trung tháo gỡ kịp thời các rào cản, tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tiến độ giải ngân và nâng cao hiệu quả các dự án đầu tư công.

Bên cạnh đó, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương chủ động kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch; kiên quyết xử lý nghiêm và kịp thời các tổ chức, cá nhân, lãnh đạo, cán bộ, công chức vi phạm quy định của pháp luật và cố tình cản trở, gây khó khăn, làm chậm tiến độ giao, thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công.

Các bộ, ngành thay thế kịp thời những cán bộ, công chức yếu kém về năng lực, trình độ hoặc suy thoái đạo đức nghề nghiệp, gây nhũng nhiễu, tiêu cực hoặc thao túng, chi phối trong quản lý vốn đầu tư công, đấu thầu.

Thủ tướng cũng yêu cầu các cơ quan chức năng kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực trong quản lý đầu tư công như thông thầu, gian lận, cản trở, hối lộ, can thiệp bất hợp pháp... 

Đồng thời, kịp thời kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân gây cản trở, trì trệ, thiếu trách nhiệm trong việc giao vốn và giải ngân vốn đầu tư công.

Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trước đó Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã đưa ra 4 nhóm giải pháp để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

Cụ thể, với nhóm giải pháp về thể chế, sẽ tập trung tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến các quy định thuộc thẩm quyền của Chính phủ nhằm đẩy mạnh phân bổ, giao kế hoạch, giải ngân vốn đầu tư công.

Nhóm giải pháp về chỉ đạo, điều hành, phối hợp giữa các bộ, ngành trong toàn bộ các hoạt động liên quan đến phân bổ, giao kế hoạch và giải ngân vốn đầu tư công của kế hoạch năm 2019 cũng được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra.

Tiếp đến là nhóm giải pháp về tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công. Cuối cùng là nhóm giải pháp về chế tài.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả giải ngân không chỉ cho năm 2019 mà cả với dự kiến kế hoạch năm 2020 của đơn vị mình; trong đó, Bộ kiến nghị kiên quyết không bố trí vốn kế hoạch năm 2020 đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước (vốn trong nước) đến ngày 30/11/2019 giải ngân đạt dưới 50% kế hoạch vốn năm 2019 được giao đầu năm, trừ những dự án mua sắm trang thiết bị.

Một giải pháp được ông Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đề xuất là thay đổi “mô hình” truyền thống dồn giải ngân vào các tháng cuối năm.

Theo đó, chế tài cho việc này được ông Chung đề nghị là mạnh mẽ xử lý cán bộ cố tình làm chậm giải ngân vốn đầu tư công cũng như cần nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu.

Đồng tình ý kiến này, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh kiến nghị, kiên quyết loại bỏ các dự án kém hiệu quả, triển khai chậm, hay thậm chí chưa chuẩn bị đầy đủ thủ tục đầu tư theo quy định để tập trung vốn cho các dự án đầu tư có hiệu quả cao, triển khai đúng tiến độ, làm tốt khâu chuẩn bị đầu tư.

Ngoài ra, có thể cho phép những dự án đầu tư tốt được đầu tư vượt tiến độ kế hoạch để sớm đưa vào khai thác.

Ở góc độ địa phương, ông Nguyễn Trung Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh cho rằng, để tháo gỡ kịp thời, đối với các dự án đang trong giai đoạn lựa chọn nhà thầu thi công, thương thảo hợp đồng, các đơn vị khẩn trương hoàn chỉnh các thủ tục liên quan, sớm ký kết hợp đồng thi công và giải ngân ngay cho nhà thầu.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, các cấp, các ngành phải có trách nhiệm trong việc quản lý, sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công.

Đây là tiền thuế đóng góp của người dân, việc phân bổ, giao kế hoạch, giải ngân vốn đầu tư công ảnh hưởng rất lớn đến kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội nên phải nhanh, hiệu quả và phải đảm bảo đúng pháp luật.

Mặt khác, cần xây dựng giải pháp tổng thể, đồng bộ từ thể chế, pháp luật đến chỉ đạo, điều hành, đôn đốc, thực hiện, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và phải có chế tài đối với các hành vi vi phạm pháp luật, sách nhiễu, tiêu cực, lợi ích nhóm, cố tình làm chậm tiến độ phân bổ và giải ngân.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, từ ngày 1/1/2020, Luật Đầu tư công (sửa đổi) có hiệu lực nên việc giải ngân vốn đầu tư công sẽ được cải thiện hơn nữa.

Năm 2020 là năm chuyển tiếp giữa luật cũ và luật mới, việc cải thiện có thể chưa rõ nét, nhưng hy vọng từ năm 2021, việc đẩy nhanh tiến độ giao kế hoạch vốn, thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu đầu tư công sẽ tích cực hơn nhiều so với giai đoạn trước.

“Với tinh thần quyết tâm và triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp trên, tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công sẽ được sớm khắc phục.”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng hy vọng.