Giải ngân vốn đầu tư công: Nhiều chủ đầu tư còn lúng túng

Theo Hàn Ni/sggp.org.vn

Kho bạc Nhà nước TP. Hồ Chí Minh (TPHCM) tổ chức hội nghị chuyên đề giải ngân vốn đầu tư công nhằm phổ biến các quy trình, hướng dẫn chủ đầu tư về quy định thanh toán ứng vốn, thu hồi tạm ứng vốn; đồng thời giải quyết các vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân.

Giao dịch tại Phòng Kế toán Kho bạc Nhà nước TP. Hồ Chí Minh.
Giao dịch tại Phòng Kế toán Kho bạc Nhà nước TP. Hồ Chí Minh.

Báo cáo tình hình giải ngân, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Kho bạc Nhà nước TPHCM, cho biết, năm 2020, Kho bạc Nhà nước TPHCM được giao kiểm soát 4.943 dự án, với tổng kế hoạch vốn được giao gần 49.000 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương là 104 dự án, tương ứng 6.855 tỷ đồng; ngân sách địa phương 4.839 dự án với vốn trên 42.000 tỷ đồng. Tính đến ngày 23-8, Kho bạc Nhà nước đã giải ngân trên 21.000 tỷ đồng, đạt xấp xỉ 51% tổng số vốn được giao năm 2020, tăng 48% so với cùng kỳ năm 2019. 

Về quy trình kiểm soát chi vốn đầu tư công, hiện Kho bạc Nhà nước TP đã có nhiều cải tiến, thực hiện quy trình “một cửa, một giao dịch viên”, giảm bớt 2 khâu, giảm được 2 chữ ký, giảm bớt thủ tục hành chính; đồng thời cam kết thanh toán đúng hạn, nếu chi chậm sẽ có thư xin lỗi chủ đầu tư. Hiện nay, Kho bạc Nhà nước TP tăng cường giao dịch điện tử qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến và đã có 92,6% số hồ sơ giải ngân được giải quyết thông qua giao dịch điện tử trực tuyến. 

Kho bạc Nhà nước đã nêu đích danh những đơn vị có tỷ lệ giải ngân thấp, không giải ngân được đồng nào và cùng trao đổi, lắng nghe, bàn cách tháo gỡ. Điển hình như Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng công trình Thủ Đức có kế hoạch vốn hơn 600 tỷ đồng nhưng chỉ mới giải ngân được 0,06%. Rất nhiều đơn vị chưa giải ngân được đồng nào như: Ban Quản lý Dự án Đường thủy (kế hoạch gần 150 tỷ đồng); Ban Bồi thường Giải phóng mặt bằng quận 3 (kế hoạch 265 tỷ đồng); Sở Quy hoạch - Kiến trúc (kế hoạch 100 tỷ đồng); Thảo Cầm viên Sài Gòn (100 tỷ đồng)...

Đặc biệt, nhiều đơn vị có kế hoạch giải ngân rất lớn nhưng tỷ lệ giải ngân không cao làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân của thành phố, như Ban Quản lý Đường sắt đô thị với kế hoạch 13.879 tỷ đồng nhưng chỉ mới giải ngân được 3.750 tỷ đồng (34%); Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông, kế hoạch hơn 4.600 tỷ đồng nhưng mới giải ngân được 1.800 tỷ đồng (39%); Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị kế hoạch 2.232 tỷ đồng nhưng mới giải ngân được 890 tỷ đồng (40%)…

Nguyên nhân chậm là do một số dự án khởi công mới, chủ đầu tư còn lúng túng trong triển khai thực hiện; việc lập, thẩm định và phê duyệt chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án tốn nhiều thời gian trong giai đoạn 6 tháng đầu năm; do tác động của Covid-19, nhà thầu phải thực hiện giãn cách xã hội; hồ sơ thanh toán chưa đảm bảo tính pháp lý, người phê duyệt dự án chưa đúng thẩm quyền, dự án kéo dài nhưng chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt...

Riêng dự án xây dựng tuyến metro số 1, phần vốn ODA Trung ương cấp phát có kế hoạch vốn giao 2.185 tỷ đồng đến nay vẫn chưa giải ngân được do UBND TPHCM đang kiến nghị Thủ tướng về phương pháp xác định giá trị vốn vay theo ngoại tệ tại quyết định phê duyệt dự án đầu tư. Đại diện chủ đầu tư cũng phản ánh thủ tục hành chính vẫn chưa được cải cách triệt để, các đơn vị còn hướng dẫn miệng “đá qua đá lại”, ảnh hưởng đến tiến độ dự án. 

Hội nghị đã làm rõ những vướng mắc, bàn giải pháp tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ dự án, thực hiện theo chỉ đạo của UBND TPHCM là trong vòng 30 ngày kể từ ngày ký biên bản nghiệm thu, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước phải nộp hồ sơ thanh toán tại kho bạc để giải ngân cho dự án. Về vấn đề này, gần đây Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cũng có văn bản đề nghị Sở Nội vụ nắm bắt, theo dõi, đến cuối năm mà đơn vị nào giải ngân dưới 90% thì không xét thi đua hoàn thành nhiệm vụ và không chi thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết 54/2017/QH14 của Quốc hội cho người đứng đầu, chủ đầu tư dự án.