Gợi mở kịch bản khôi phục kinh tế: Sớm ban hành Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số

Theo daibieunhandan.vn

Kinh tế số được xác định đóng vai trò chủ đạo trong việc khôi phục và thúc đẩy kinh tế sau dịch COVID-19. Phó Vụ trưởng phụ trách điều hành Vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) Nguyễn Trọng Đường cho rằng, để đẩy nhanh phát triển kinh tế số rất cần sớm ban hành Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số.

Chúng ta đang tận dụng tốt cơ hội

Kinh tế số được xác định đóng vai trò chủ đạo để khôi phục và thúc đẩy kinh tế sau dịch COVID-19. Quan điểm của ông thế nào?

Trong bối cảnh các nguồn tài nguyên truyền thống như dầu mỏ hay khoáng sản đang dần cạn kiệt, nhiều quốc gia cho rằng kinh tế số là động lực tăng trưởng chính trong giai đoạn tới. Đặc biệt, do tác động của dịch COVID-19, khi các nền kinh tế “đóng cửa” hay giãn cách xã hội để phòng chống dịch đã gây ra hiện tượng đứt gãy nguồn cung.

Lúc này, chính kinh tế số, giao dịch điện tử, thương mại điện tử là cách để các doanh nghiệp sinh tồn, phục hồi và phát triển. Rõ ràng, kinh tế số thực sự là giải pháp quan trọng để phục hồi kinh tế.

Phó Vụ trưởng phụ trách điều hành Vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ Thông tin và Truyền thông.
Phó Vụ trưởng phụ trách điều hành Vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ Thông tin và Truyền thông.

Theo ông, chúng ta đang có những nền tảng nào để phát huy vai trò của kinh tế số?

Chúng ta đang có những nền tảng quan trọng từ thể chế chính sách cho đến nhân lực, hạ tầng và đang tận dụng khá tốt cơ hội từ cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư cũng như chuyển đổi số.

Trước hết, Đảng và Nhà nước đều rất quan tâm đến lĩnh vực mới này. Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII cũng nhấn mạnh phải phát triển kinh tế số. Chính phủ cũng ban hành Quyết định 749/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2035, định hướng đến năm 2030. Nhiều bộ, ngành đã ban hành kế hoạch, chương trình chuyển đổi số…

Trong bối cảnh dịch bệnh, kinh tế số càng được đẩy mạnh. Rất nhiều doanh nghiệp đã thực hiện chuyển đổi số, giao dịch thương mại điện tử. Bộ TTTT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đều đã triển khai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số. Trong đó, Chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số (SMEdx.vn) do Bộ TTTT triển khai đã có gần 10.000 lượt doanh nghiệp được tiếp cận, trong đó gần 2.500 doanh nghiệp đã sử dụng các nền tảng số của chương trình này để chuyển đổi số.

Cũng trong bối cảnh dịch bệnh, người dân đã tham gia ngày càng mạnh vào chuyển đổi số, thông qua mua sắm trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt… Thuật ngữ “shipper” (người giao hàng) đã trở nên thông dụng trong xã hội. Rõ ràng, kinh tế số đã len lỏi vào mọi mặt của đời sống xã hội.

Năm 2020, tổng doanh thu kinh tế số của Việt Nam là 163 tỷ USD, chiếm khoảng 8,2% GDP. Chắc chắn, kinh tế số sẽ còn tăng trưởng mạnh khi có được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, có đội ngũ doanh nghiệp công nghệ đông đảo và dân số trẻ, yêu thích công nghệ; việc tiếp cận công nghệ cũng không quá khó với hạ tầng số, hạ tầng viễn thông, internet đang phát triển khá tốt.

Chính sách phải khuyến khích đầu tư

Trong kịch bản khôi phục kinh tế tới đây, theo ông, kinh tế số cần được xác lập vị trí thế nào?

- Chúng ta cần xác định kinh tế số là một trong những động lực chính, đóng vai trò chủ đạo để thoát nhanh ra khỏi khủng hoảng của dịch COVID-19, phục hồi và phát triển kinh tế.

Chính phủ cần chú trọng vấn đề đầu tư cho kinh tế số, chuyển đổi số, có các chính sách đột phá để khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp, người dân đầu tư cho kinh tế số, xã hội số. Nhà nước phải dẫn dắt, tạo nền tảng là môi trường thuận lợi, minh bạch, công bằng và cạnh tranh cho các hoạt động này.

Đặc biệt, cần gỡ nút thắt về chính sách và thể chế cho kinh tế số hiện nay, đó là chưa có Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số. Thêm nữa, chúng ta cũng chưa có luật hay nghị định, văn bản để tạo hành lang pháp lý rõ ràng cho kinh tế số. Bộ TTTT đang nỗ lực sửa đổi Luật Giao dịch điện tử, bổ sung nội hàm kinh tế số để tạo hành lang pháp lý cho lĩnh vực này phát triển.

Bộ TTTT đang xây dựng Chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số, xã hội số. Đâu là những nét chính của Chiến lược mà chúng ta có thể kỳ vọng, thưa ông?

Bộ TTTT đang trong quá trình tiếp thu và hoàn thiện Chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số, xã hội số, trình Chính phủ trong tháng 9 này và hy vọng sớm được xem xét thông qua.

Trong đó, Chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số, xã hội số xác định đến năm 2030 Việt Nam trở thành quốc gia số an toàn, nhân văn và rộng khắp, kinh tế số đóng góp vào GDP tối thiểu 30%. Phát triển số sẽ là phương thức chủ đạo, quan trọng để giúp Việt Nam phát triển nhanh, bền vững và bao trùm, kiên cường trước các thách thức, biến động, đồng thời giúp người dân giàu có hơn, hạnh phúc hơn.

Chiến lược cũng đặt ra các mục tiêu, nhiệm vụ về phát triển hạ tầng số, nền tảng số, dữ liệu số, tạo môi trường số an toàn, lành mạnh; phát triển nguồn nhân lực số, kỹ năng số, doanh nghiệp số, thanh toán số. Trong đó, tập trung vào các lĩnh vực như nông nghiệp và nông thôn; du lịch; y tế; giáo dục; thương mại và công nghiệp; lao động, việc làm và an sinh xã hội.

Cùng với việc đề ra giải pháp cụ thể, Chiến lược xác định rõ nhiệm vụ cho từng bộ ngành, địa phương cũng như Ban Chỉ đạo quốc gia về chuyển đổi số, Chính phủ số. Đó là những cơ sở để tin tưởng sẽ thúc đẩy kinh tế số phát triển.

Xin cảm ơn ông!