Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa và Thừa Thiên Huế được thí điểm cơ chế đặc thù

Việt Hoàng

Trong phiên làm việc buổi sáng ngày 13/11, Kỳ họp thứ 2, Quốc hội đã lần lượt biểu quyết thông qua các Nghị quyết về một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP. Hải Phòng, các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế.

Quốc hội biểu quyết thông qua các Nghị quyết về một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP. Hải Phòng, các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế.
Quốc hội biểu quyết thông qua các Nghị quyết về một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP. Hải Phòng, các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế.

Sáng ngày 13/11, sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hải Phòng và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Quốc hội biểu quyết thông qua Dự thảo Nghị quyết.

Kết quả biểu quyết cho thấy, có 442/477 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 88,58%), Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hải Phòng.

Với 430/467 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 86,17%), Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An.

Với 414/462 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 82,97%), Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa.

Với 436/470 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 87,37%), Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế.

Theo đó, Quốc hội quyết nghị giao Chính phủ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm tổ chức thực hiện nội dung các Nghị quyết; sơ kết 03 năm việc thực hiện Nghị quyết, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2024; tổng kết việc thực hiện Nghị quyết, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2026. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh và đại biểu Quốc hội, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022 và thực hiện trong 05 năm. Trường hợp có quy định khác nhau về cùng một vấn đề giữa Nghị quyết này với luật, nghị quyết khác của Quốc hội thì áp dụng theo quy định của Nghị quyết này. Trường hợp văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau ngày Nghị quyết có hiệu lực thi hành có quy định cơ chế, chính sách ưu đãi hoặc thuận lợi hơn thì việc áp dụng do Hội đồng nhân dân TP. Hải Phòng,  tỉnh Nghệ An, tỉnh Thanh Hóa, tỉnh Thừa Thiên Huế quyết định. 

Quốc hội đã quyết nghị cho phép TP. Hải Phòng được thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về quản lý tài chính - ngân sách Nhà nước, phân cấp quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai, quy hoạch và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc Thành phố quản lý.

Trong các cơ chế, chính sách đặc thù, TP. Hải Phòng được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ không vượt quá 60% số thu ngân sách thành phố được hưởng theo phân cấp.

TP. Hải Phòng cũng được quyết định áp dụng phí, lệ phí chưa được quy định trong danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và Lệ phí; điều chỉnh mức hoặc tỷ lệ thu phí, lệ phí đã được cấp có thẩm quyền quyết định. Được phép quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa 2 vụ trở lên với quy mô dưới 500 ha phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền quyết định.

Đặc biệt, TP. Hải Phòng được quyết định sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư của ngân sách thành phố và cho phép ngân sách cấp dưới sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để chi thu nhập bình quân tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan chính quyền, Đảng, đoàn thể do thành phố quản lý theo hiệu quả công việc với mức không quá 0,8 lần mức lương ngạch bậc, chức vụ hoặc mức lương theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ lãnh đạo…

Với tỉnh Thanh Hóa, Quốc hội quyết nghị được “nới” trần nợ vay, quyết định phí, lệ phí tương tự như TP. Hải Phòng. Tuy nhiên, hằng năm, ngân sách tỉnh Thanh Hóa được ngân sách Trung ương sẽ bổ sung có mục tiêu không quá 70% số tăng thu từ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao (không bao gồm thuế giá trị gia tăng của hàng hóa nhập khẩu để đầu tư hình thành tài sản cố định hoặc để sản xuất hàng hóa xuất khẩu được ngân sách trung ương hoàn thuế giá trị gia tăng).

Mức bổ sung này cũng không vượt quá số tăng thu từ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn so với số thu thực hiện năm trước và ngân sách Trung ương không hụt thu để đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hoàn thành việc di dân, tái định cư trong Khu kinh tế Nghi Sơn nhằm tạo quỹ đất sạch cho việc thu hút đầu tư các dự án trọng điểm tại đây.

Trong quản lý rừng, đất đai, Thanh Hóa được quyết định chuyển mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ đầu nguồn dưới 50 ha; đất rừng sản xuất dưới 1.000 ha; đất trồng lúa 02 vụ trở lên với quy mô dưới 500 ha theo ủy quyền của Thủ tướng, phù hợp với quy hoạch lâm nghiệp cấp quốc gia, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền quyết định.

Với tỉnh Nghệ Antrần mức vay của tỉnh này không vượt quá 40% số thu ngân sách tỉnh được hưởng theo phân cấp. Hằng năm, ngân sách Trung ương cũng bổ sung có mục tiêu cho ngân sách tỉnh Nghệ An không quá 70% số tăng thu từ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu của hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao (không bao gồm thuế giá trị gia tăng của hàng hóa nhập khẩu), nhưng không vượt quá tổng số tăng thu từ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu so với số thu thực hiện năm trước và ngân sách trung ương không hụt thu để thực hiện các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng của địa phương.

Nghệ An còn được phân bổ thêm 45% số chi tính theo định mức dân số khi xây dựng định mức chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022 và trong thời gian thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù.

Với Thừa Thiên Huế, được thí điểm trần mức vay và ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách tỉnh tương tự như Nghệ An. Tuy nhiên, phí thăm quan di tích trên địa bàn tỉnh được nộp đầy đủ vào ngân sách Nhà nước (sau khi trừ chi phí được trích để lại cho đơn vị sự nghiệp công lập để trang trải chi phí hoạt động cung cấp dịch vụ thu phí theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí). Ngân sách địa phương được bố trí đầu tư tương ứng số thu phí thăm quan nộp vào ngân sách Nhà nước để thực hiện đầu tư trùng tu di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn.

Quốc hội cho phép thành lập Quỹ Bảo tồn di sản Huế để bổ sung nguồn lực phục vụ công tác trùng tu, bảo tồn di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh. Quỹ Bảo tồn di sản Huế là quỹ quốc gia được Chính phủ thành lập và giao cho tỉnh Thừa Thiên Huế trực tiếp quản lý…